Bonenkai- Tiệc cuối năm ở mỗi công ty Nhật
Năm cũ đã đi qua, năm mới lại đến, mỗi đất nước, dân tộc đều có những phong tục đón chào năm mới độc đáo của riêng mình. Để chào đón năm mới, với người Nhật Bản, bữa tiệc Bonenkai truyền thống ấm cúng là không thể thiếu.
Không ăn Tết âm lịch như Việt Nam, Tết dương lịch của người Nhật Bản không vì thế mà qua loa và bị lu mờ so với các nước trên thế giới. Ngược lại, nước Nhật vẫn tạo cho riêng mình nét văn hóa truyền thống đặc trưng.
Trước thềm năm mới, để xóa bỏ những lo lắng buồn phiền của năm cũ, các công ty, cơ quan đều tổ chức những bữa tiệc Bonenkai như dịp họp mặt cuối năm cho các nhân viên của mình, cũng như thay lời cảm ơn với tất cả khách hàng, đối tác.
Một bữa tiệc họp mặt vui vẻ của người Nhật.
Là bữa tiệc truyền thống của người Nhật Bản, Bonenkai không diễn ra vào một ngày nhất định mà được rục rịch tổ chức từ trung tuần tháng 12 cho đến hết năm. Không gian được lựa chọn để tổ chức Bonenkai là nhà hàng, các quán ăn có diện tích rộng, thoáng và phải mang phong cách truyền thống Nhật Bản với những bàn dài để mọi người có thể ngồi quây quần tạo không khí ấm cúng. Bên cạnh đó, nhiều công ty cũng chọn cách tổ chức trong những phòng hội thảo lớn, nơi có sẵn những trang thiết bị cần thiết như: Nhạc cụ, dàn âm thanh, máy chiếu… không khí khi đó sẽ trang trọng hơn, phù hợp với những công ty lớn.
Mang nghĩa là tiệc gặp gỡ cuối năm, vì thế về cơ bản, Bonenkai là bữa nhậu với lượng bia, rượu được tiêu thụ khá lớn. Do thời tiết cuối năm ở Nhật Bản bị cái rét bao phủ, món lẩu bao giờ cũng là món ăn rất được ưa chuộng. Tuy vậy, dù là tiệc Bonekai với quy mô thế nào đi nữa thì cũng không thể thiếu những món ăn truyền thống làm nên linh hồn của bữa tiệc. Ngoài shushi, shashimi, người Nhật Bản thường chọn thêm món toshikishi soba (mì kiều mạch), bởi họ tin rằng sợi mỳ soba dài và dai là biểu trưng cho sự trường thọ và may mắn của con người nên nó sẽ mang lại cho họ sức khỏe và sống lâu. Cuối cùng, một món ăn cũng không thể bỏ qua đó là bánh gạo Mochi ăn kèm súp Ozoni.
Món lẩu rất được ưa chuộng vào những dịp cuối năm.
Trong bữa tiệc Bonenkai dường như mọi người thân thiết hơn, những lễ nghĩa, nguyên tắc trong công việc hàng ngày không còn quá coi trọng, thậm chí rất nhiều các ông sếp còn khuyên nhân viên hãy thoải mái, thay đổi cách xưng hô để mọi người bớt xa cách.
Cũng giống như người Việt giàu tình cảm, những bữa tiệc Bonenkai cuối năm rất có ý nghĩa trong đời sống tinh thần của người dân Nhật Bản. Hàng năm, khi chưa đến tháng 12, không chỉ các gia đình tất bật chuẩn bị cúng tổ tiên, các công ty, cơ quan cũng háo hức đón chào tiệc tổng kết cuối năm. Với bữa tiệc ấm cúng đó, mọi người như hiểu nhau hơn, mọi lo âu, buồn phiền và những hiểu lầm đều có thể bỏ qua để chào đón năm mới với những thành công mới sẽ đến với bản thân và công ty của mình.
Takahashi
Tết người Nhật những món ăn không bao giờ thay đổi
Tết này đến khám phá những “cái nhất” của xứ sở mặt trời mọc