Người Việt cho con vào học lớp 1 ở Nhật Bản: Những chuyện chưa kể

Một trong những nỗi lo lắng của du học sinh người Việt có con đi theo cùng ra nước ngoài là việc học hành của các con.

Ngoài sự lo lắng về bất đồng ngôn ngữ, khác biệt về văn hóa còn có nỗi lo về các thủ tục có liên quan như tìm trường học cho con, nhập học…

nhat-ban-0712Học sinh tiểu học ở Nhật Bản (Ảnh minh họa từ Internet) 

Tuy nhiên, trên thực tế những việc này đa phần thuận lợi vì nó rất “đúng quy trình”, một quy trình được thiết kế và duy trì bởi luật pháp đã được nghiên cứu, thẩm định kĩ càng.

Ngày 20/10 vừa qua, tôi có dịp đi cùng với bố con người bạn đến một ngôi trường tiểu học ở Nhật để làm thủ tục đăng ký nhập học. Những gì tôi chứng kiến ở đây rất thú vị và đáng suy ngẫm.

Liên lạc giữa tòa thị chính và trường mầm non

Vào năm học cuối của các bé ở trường mầm non, trường mầm non và tòa thị chính đã chuẩn bị cho việc nhập học của trẻ. Hồ sơ của trẻ được gửi đến trường tiểu học trẻ sẽ vào học.

Ở Nhật, giáo dục tiểu học và trung học cơ sở là giáo dục nghĩa vụ. Nhà nước đảm bảo cho mọi trẻ trong độ tuổi này đều được đến trường đi học. Tất cả học sinh đều được miễn học phí và sách giáo khoa, học sinh là người nước ngoài cũng được hưởng chế độ này. Trong trường hợp trẻ gặp khó khăn do hoàn cảnh thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm trợ giúp phù hợp.

Ở Nhật, ngay từ thời Minh Trị đã áp dụng chế độ học khu. Vì vậy, học sinh trong độ tuổi giáo dục nghĩa vụ sẽ vào học ở ngôi trường gần nhà mình nhất theo sự điều phối của tòa thị chính và Ủy ban giáo dục địa phương.

Năm học mới ở Nhật bắt đầu vào tháng tư, nên vào khoảng tháng 10 năm trước, tòa thị chính hoặc trường tiểu học sẽ gửi giấy gọi nhập học tới nhà học sinh thông báo ngày giờ, địa điểm đăng kí nhập học và nghe thuyết minh về lễ nhập học (khai giảng).

Công việc này được áp dụng “đúng quy trình” trên toàn quốc và chạy “tự động”, phụ huynh không cần phải chạy hỏi chỗ nọ chỗ kia.

Buổi đăng ký nhập học

Buổi đăng ký nhập học thường tổ chức vào giữa hoặc cuối tháng 10. Trong buổi này, khi phụ huynh đưa con đến trường sau khi làm thủ tục điểm danh, nhận số thứ tự, sẽ có một anh (chị) lớp 2 dẫn con vào lớp, còn bố mẹ thì đến phòng khác viết phiếu khám sức khỏe và nghe hướng dẫn.

nhat-ban-1-0712Học sinh tiểu học ở Nhật Bản (Ảnh minh họa từ Internet) 

Trong lúc phụ huynh nghe thuyết minh thì bác sĩ sẽ khám sức khỏe cho con. Trong phiếu khám sức khỏe ngoài phần đỉa chị, họ tên thông thường sẽ có mục hỏi về các loại vắc xin đã tiêm. Ngoài ra còn có một bảng hỏi riêng để thăm dò xem trẻ có gặp khó khăn trong giao tiếp và thể hiện bằng ngôn ngữ không, có gặp khó khăn về thính lực hay không. Nếu gia đình có nhu cầu tư vấn hay trợ giúp đặc biệt nhà trường sẽ đáp ứng.

Phụ huynh sẽ nhận được các tài liệu bao gồm: nội dung công việc trong buổi đăng ký nhập học, nội dung buổi seminar đặc biệt dành cho phụ huynh có chủ đề “Nuôi dưỡng não: ngủ sớm, dậy sớm và ăn sáng”, tài liệu về các câu lạc bộ (Jidokan), thông báo về các công việc cần chuẩn bị cho đến trước khi nhập học và các dụng cụ, đồ dùng học tập cần mua sắm (cặp, bút, hộp bút, đồng phục…), tài liệu về triết lý và chính sách giáo dục của thành phố.

Bài nên đọc

Trong buổi seminar dành cho các phụ huynh, một chuyên gia về não học kiêm giám đốc bảo tàng côn trùng trình bày về các nguyên lý cũng như cơ chế phát triển của não ở trẻ em tiểu học.

Bà cảnh báo việc phụ huynh do tham vọng mà ép trẻ học tri thức quá nhiều dẫn đến làm mất cân bằng trong sự phát triển của não. Theo bà, điều quan trọng nhất đối với trẻ em ở độ tuổi lớp 1 là hình thành được thói quen sinh hoạt tự lập, có cảm xúc phong phú dựa vào sự hoạt động của 5 giác quan và vận động tốt. Những việc học tập khác trường học sẽ giúp học sinh lĩnh hội dần dần phù hợp với tâm sinh lý.

Trong các tài liệu hướng dẫn cũng có tờ đăng ký câu lạc bộ cho con. Các câu lạc bộ này sẽ giúp quản lý các học sinh sau giờ học đối với những gia đình có nhu cầu. Ở đó học sinh sẽ tham gia vui chơi, học tập tập thể. Các bài tập về nhà phần lớn có thể được giải quyết tại đây.

Triết lý giáo dục và chính sách giáo dục của thành phố

Đối với tôi, người đóng vai trò là “thông dịch viên” cho người bạn đưa con đăng ký nhập học, thì thứ thú vị nhất là tài liệu giới thiệu về “Kế hoạch cơ bản phục hưng giáo dục trường học của thành phố Kanazawa” do Ủy ban giáo dục của thành phố xây dựng.

Ngay ở phần mở đầu của kế hoạch là “Triết lý giáo dục”. Triết lý giáo dục của thành phố được thể hiện ngắn gọn là “Giáo dục nên con người góp phần phát triển Kanazawa, gánh vác xã hội và mở ra ngày mai – giáo dục trường học giáo dục nên “tâm hồn” và “sức mạnh”.

nhat-ban-2-0713Học sinh tiểu học ở Nhật Bản (Ảnh minh họa từ Internet) 

Triết lý này được giải thích cụ thể như sau: “Trường tiểu học và trung học cơ sở là nơi giáo dục nên học lực vững chắc, tâm hồn phong phú và cơ thể khỏe mạnh thông qua các hoạt động giáo dục như trải nghiệm và học tập phong phú.

Trẻ em cần phải được trang bị cả “tâm hồn” và “năng lực” quan trọng để mở ra ngày mai thông qua giao lưu với đông đảo bạn bè và giáo viên.

Cũng giống như sự đan xen giữa những sợi chỉ ngang và dọc tạo ra tấm vải đẹp đẽ, sự kết hợp giữa “tâm hồn” và “sức mạnh” sẽ tạo nên những con người biết gánh vác xã hội và mở ra ngày mai”.

Triết lý giáo dục này được cụ thể hóa bằng “Hình ảnh trẻ em mà Kanazawa cần hướng tới”. Hình ảnh con người mơ ước này được phác họa qua 6 đặc điểm cơ bản.

Đó là trẻ em: Tự mình học tập, tự mình suy nghĩ và sáng tạo; Biết phê phán đúng đắn, hành động với tinh thần trách nhiệm; Biết công nhận người khác và cùng nhau nâng cao bản thân; Sống sôi nổi với tâm hồn và thân thể khỏe mạnh; Có mơ ước và khi làm bất cứ việc gì đều làm với tinh thần chinh phục và nhẫn nại; Có lòng tự hào về Kanazawa và yêu quê hương.

Để trở thành những trẻ em như trên, giáo dục trường học cần phải trang bị cho trẻ những phẩm chất, năng lực cần thiết như: năng lực tư duy, năng lực biểu đạt, mối quan tâm, lòng hứng thú, năng lực giao tiếp, lòng nhẫn nại, năng lực thực hành, cảm quan về chính nghĩa, năng lực phê phán, ý thức về quy phạm…

Cuối cùng để , thực hiện cho được triết lý giáo dục cơ bản và giáo dục nên được những con người cụ thể như trên, Ủy ban giáo dục thành phố đưa ra 8 phương châm – chính sách cơ bản: 1. Tiến hành giáo dục tính người phong phú; 2. Tiến hành giáo dục nên học lực vững chắc; 3. Tiến hành giáo dục sức khỏe và thể lực; 4. Tiến hành giáo dục phát huy cá tính của quê hương Kanazawa; 5. Tiến hành tăng cường giáo dục trợ giúp đặc biệt (giáo dục dành cho trẻ em khuyết tật); 6. Tiến hành làm phong phú thể chế trợ giúp, tư vấn giáo dục liên kết với các tổ chức phúc lợi; 7. Tiến hành giáo dục con người trong sự liên kết với gia đình, địa phương; 8. Tiến hành làm phong phú môi trường giáo dục và nâng cao chất lượng giáo viên

Người bạn có con nhập học ở đây bày tỏ sự luyến tiếc khi năm sau tốt nghiệp sẽ không còn cơ hội cho con học tập ở ngôi trường này.

Sự luyến tiếc ấy là rất dễ hiểu. Trong hệ thống giáo dục phổ thông của Nhật, giáo dục mầm non và tiểu học vốn giành được nhiều thiện cảm từ quốc tế. Có nhiều lý do để giải thích cho điều đó nhưng trong đó không thể không nói tới yếu tố truyền thống khi giáo dục tiểu học đã được quan tâm từ rất sớm, ngay từ khi ở nước Nhật mới hình thành nhà nước thời cận đại dưới thời Minh Trị.

(Nguồn VietNamnet)

1

Đây là bí mật khiến toàn thế giới đều phải ‘ghen tị’ với giáo dục Nhật Bản

Những đứa trẻ – thành quả giáo dục đáng nể của Nhật Bản

Vì sao trẻ em Nhật bình tĩnh trước thiên tai?

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: