Du học sinh Việt tại Nhật Bản làm thêm tới kiệt sức: Cuộc sống ở Nhật thực sự “rất khổ”?
Nhiều bạn học sinh đang nhầm tưởng rằng con đường du học Nhật Bản đối với họ là trải đầy màu hồng… nhưng kỳ thực muôn nẻo khó khăn.
Nguyễn Tuấn A. (25 tuổi, Thái Bình) từng là du học sinh Nhật, sống tại thành phố Tokyo. Là một thành viên du học theo hình thức tự túc, A. có những chia sẻ về cuộc sống vừa học vừa làm thêm tại Nhật khiến nhiều người “choáng váng”.
“Mình đi du học tại Nhật theo hình thức tự túc. Mình sang Nhật được 3 năm rồi và vừa về Việt Nam được vài tháng sau khi kết thúc khóa học tại đất nước này. Cuộc sống học tập và đặc biệt là làm thêm của du học sinh Nhật không màu hồng như vẫn tưởng, đó là điều mình chắc chắn”, A. khẳng định.
Không thiếu việc để làm, chỉ thiếu sức
Nhớ lại 3 năm “giông bão” vừa đi qua, A kể lại: “Trong 3 năm du học của mình, năm đầu tiên để lại nỗi ám ảnh vô cùng lớn. Khi ấy, mình không có người quen, tiếng Nhật mù mịt, gần như bị một người câm điếc… bí bách đến ngột thở vậy.
Lý do là khi còn ở Việt Nam, mình đã quá chủ quan, ham chơi nên không chịu học tiếng, tiếng Nhật lại khó nên càng biếng thêm. Đến khi sang đây, bất đồng về ngôn ngữ kéo theo một loạt những khó khăn khác chồng chất lên nhau. Trong đó, đầu bảng là vấn đề làm thêm để trang trải cuộc sống”, A. chia sẻ.
Nguyễn Tuấn A. (25 tuổi, Thái Bình)
“Khi mới sang, tiếng Nhật còn kém nên chỉ đi làm cơm hộp thôi. Khi đã sống ở đây khoảng được 4-6 tháng, tiếng Nhật dần biết thì mình chuyển sang làm trong xưởng phân loại thư. Rồi cuối cùng, mình làm quân thịt nướng tại quán nhậu của người Nhật vào ban đêm. Chủ quán của mình hầu hết là người dễ tính, đặc biệt là ông chủ ở quán nhậu thịt nướng, dường như ông ấy biết sinh viên cần tiền nên ông cho làm đủ lịch trong ngày”, A. chia sẻ.
Công việc tại quán nhậu đêm của A.
Công việc của du học sinh tại Nhật rất nhiều như: Phụ việc trong nhà hàng, dạy ngoại ngữ, dọn vệ sinh, bán hàng, đưa báo, làm công nhân nhà máy… Hiện giờ ở Nhật, việc làm thêm rất nhiều nhưng tại sao vẫn có bạn không có việc làm? Đó là học sinh không có khả năng giao tiếp để làm việc (nói tiếng Nhật).
Thu về những gì sau 3 năm đi học?
A. cho biết, dù việc làm thêm có hơi vất vả nhưng thu nhập khá được nên nhiều bạn đổ xô đi làm: “Trong khi chính phủ Nhật chỉ cho du học sinh làm 4 tiếng 1 ngày nhưng hầu hết các bạn đều làm chui và làm kín cả thời gian có thể để có tiền lo cuộc sống mưu sinh, trả tiền thuê trọ, đóng học phí, sinh hoạt… Thậm chí gửi cả tiền về quê nhà”, A. nói.
Kinh nghiệm sau 3 năm du học tại Nhật, A. cho biết, nhiều người sang đây học thì ít mà chủ yếu lấy cớ để đi làm, đó là một thực trạng. Chính vì vậy, cái mà nhiều du học sinh nhận được là “lượng kiến thức ít ỏi” mà thay vào đó đa số thời gian dành cho công việc, dẫn đến làm việc quá sức, lao lực, thậm chí có người còn bỏ mạng bên xứ người vì ốm đau, áp lực.
“Lên tới lớp, cảnh lớp học sẽ là các bạn ngủ gật. Nhìn đâu cũng thấy sinh viên ngủ gật. Cũng bởi lẽ, các bạn ấy làm thêm quá nhiều, thiếu ngủ trầm trọng, lên lớp là tranh thủ ngủ. Có thầy cô nào dễ thì còn được, còn thầy cô nào khó thì cứ mắt gà mắt vịt, kiến thức chẳng tiếp thu được mấy, giáo viên cũng tỏ ra mất hứng dạy nhưng vẫn cố gắng…
Trong lớp học, du học sinh tranh thủ ngủ.
Nếu vẫn muốn sang thì hãy chuẩn bị kiến thức về tiếng tại Việt Nam thật tốt. Và phải luôn xác định sang bên đó sẽ rất khổ, tránh trường hợp sang đến nơi bế tắc, mỏi mệt và… vỡ mộng, bỏ cuộc và quay về điểm xuất phát ban đầu với con số 0″, A nói.Có người sang Nhật thành công, nhưng con số ấy ít lắm còn đa số bỏ cuộc giữa chừng vì không thể cáng đáng được. Mình có lời khuyên, nếu bạn có quyết định sang đất nước này du học thì hãy suy nghĩ thật sự kỹ.
Tổng kết về 3 năm du học của mình, A. nhấn mạnh, cuộc sống ở Nhật của du học sinh thực sự “rất khổ”. Dưới kinh nghiệm mang cái nhìn cá nhân, A. mong muốn các bạn có ý định sang du học Nhật sẽ có cái nhìn đẩy đủ nhất về cuộc sống của du học sinh tại đây.
(Nguồn Phunuonline)
Những điều cần phải có khi du học sinh muốn định cư tại Nhật