“Nếu là hoa, xin làm hoa anh đào…”

Bạn đã từng đặt chân đến nước Nhật và đắm mình trong những ngày vui tươi tràn ngập sắc hồng hoa anh đào trong dịp lễ hội hay đơn giản chỉ là ngắm những bức ảnh hoa anh đào lung linh trên những trang web du lịch và tò mò về loài hoa mong manh, kiêu sa này thì chắc chắn bạn sẽ hứng thú với những truyền thuyết về hoa anh đào dưới đây.

Ngày xưa, xứ Phù Tang chưa có hoa anh đào như ngày nay. Tại một ngôi làng xinh đẹp ở chân núi Phú Sĩ có một cặp vợ chồng sinh được người con khôi ngô tuấn tú lạ thường. Năm cậu bé tròn một tuổi, có một người võ sĩ phiêu bạt ngang qua ngôi nhà, trông thấy cậu bé, người võ sĩ cứ đứng trân trân nhìn cậu bé hàng giờ đồng hồ. Sau đó, ông mỉm cười rồi trao cho cha cậu bé một thanh sắt đen bóng, nặng trịch. Khi người mẹ còn ngơ ngác chưa hiểu điều gì xảy ra, cha cậu bé nói với bà: “Hãy cất giữ thanh sắt này thật cẩn thận để trao cho con trai ta năm nó 14 tuổi. Số phận đã an bài nó phải trở thành một kiếm sĩ lừng danh.” Người vợ vâng lời chồng cất giữ thanh sắt rất kĩ lưỡng.

Một võ sĩ lừng danh đã tình cờ trao cho cha cậu bé thanh sắt đen. 

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, chẳng mấy chốc mà cậu bé năm nào đã tròn 14 tuổi, cha chàng trao lại cho chàng thanh sắt. Ngay khi nhận món quà, như có một luồng sinh khí rạo rực chảy khắp người chàng trai trẻ. Chàng run run và dõng dạc nói: “Ta phải trở thành kiếm sĩ lừng danh nhất xứ Phù Tang này.” Rồi chàng theo học một kiếm sĩ lừng danh nhất lúc bấy giờ. Người võ sĩ nhìn chàng rất lâu, rồi gật đầu đồng ý nhưng miệng lại lẩm nhẩm “oan nghiệt”. Sau bao khổ luyện, năm 18 tuổi chàng đã trở thành một kiếm sĩ tài năng mà ngay cả những võ sĩ uy hùng nhất bấy giờ cũng phải kiêng sợ. Thanh sắt năm xưa đã được chàng rèn thành một thanh kiếm sắc bén. Lưỡi của nó chỉ đưa thoảng qua cũng đủ sức kết liễu một mạng người. Nhưng trớ trêu thay, thanh kiếm ấy vẫn chưa được coi là một thanh kiếm báu vật thực sự của người võ sĩ nếu như nó chưa được tắm trong máu tươi.

Thanh sắt năm xưa đã được rèn thành thanh gươm sắc bén nhưng vẫn chưa được coi là báu vật vì chưa từng uống máu.

Xứ Phù Tang lúc ấy lại quá đỗi thanh bình, không có loạn lạc, cướp bóc; cũng không có ai thách đấu chàng và chàng cũng chưa có kẻ thù nào. Điều này làm chàng trai hết sức buồn rầu, mỗi khi mặt trời từ từ đi khuất sau bóng núi Phú Sĩ, chàng lại thêm nặng lòng. Khi ấy mẹ chàng hay người thầy đều đã qua đời, chỉ còn lại con gái của thầy võ sĩ là người thân của chàng. Hai người đã thầm thương mến nhau từ lâu. Con gái võ sĩ hiểu được nỗi lòng chàng, nàng nhen nhóm ý định sẽ dùng máu của mình để nhuộm đỏ thanh gươm, giúp chàng sớm trở thành một kiếm sĩ lừng danh. Khi chàng đang ôm thanh kiếm u sầu ngồi trầm ngâm bên bếp lửa, nàng hỏi chàng:

– Chàng thân yêu, có phải với chàng thanh kiếm này là tất cả? Có phải nếu thanh kiếm không được tắm trong máu đỏ khí thiêng thì chàng mãi mãi u sầu?

 Đúng vậy, thanh kiếm là tất cả với ta, không chỉ buồn đau thôi đâu! Nó là sự nghiệp, là cuộc sống của ta. Làm sao ta có thể trở thành một võ sĩ đạo chân chính khi mà kiếm của ta chưa một lần no say trong khí thiêng. Trời ơi, ta chết mất! Tại sao thời này lại yên bình quá đỗi, sao không có lấy một kẻ cướp bóc hay loạn lạc? Sao không có kẻ nào thách đấu với ta?

Người con gái mỉm cười đau đớn, nàng hỏi chàng chỉ để khẳng định thêm lần nữa cái quyết định cay đắng mà mình đã toan tính. Không chần chừ, nàng lại gần, tút thanh kiếm trên tay chàng rồi đâm thẳng vào tim. Máu từ lồng ngực nàng tuôn trào, tắm đẫm cả thanh kiếm lẫn bộ kimono trắng trong mà nàng đang mặc. Chàng trai hốt hoảng rú lên, rút phăng thanh kiếm khỏi lồng ngực cô gái nhưng nàng đã mãi mãi không tỉnh lại. Dưới ánh lửa bập bùng, thanh kiếm được uống no say máu hồng đã bừng sáng lạ thường.

Nhưng từ đó, chàng trai hoàn toàn cô độc, không có ai đến gần chàng. Họ xa lánh chàng như thể chàng mang một mầm bệnh nguy hiểm. Chàng đến quán trà thì người trong quán đi ra. Chàng đi đường gặp người thì người ta sẽ quay lại hoặc đi tìm đường khác. Họ từ chối lời thách đấu của chàng…

Một hôm, trong tiết trời mùa đông lạnh lẽo, tuyết trắng giăng giăng khắp lối, chàng cô độc và lặng lẽ đến bên ngôi mộ của cô gái. Chàng rền rĩ: “Nàng hãy tha lỗi cho ta, ta đã hiểu ra rồi!” và rút kiếm tự rạch bụng mình một nhát dứt khoát sau đó cắm thanh kiếm báu bên cạnh ngôi mộ. Tuyết phủ kín thân thể của chàng và ngôi mộ cô gái. Từ đó, bên ngôi mộ nơi chàng trai cắm thanh kiếm bỗng mọc lên một cây hoa lạ, cánh hoa phớt hồng, mong manh nhưng mơn mởn sức sống. Người dân xứ Phù Tang gọi đó là hoa sakura – hoa anh đào.

Đối với người dân Nhật Bản, hoa anh đào không chỉ tượng trưng cho sự thanh cao mà còn là nỗi buồn về sự ngắn ngủi, phù du của kiếp người. Hoa anh đào chóng nở chóng tàn, chỉ sau độ một tuần là hoa đã lìa cành. Ngay cả khi rơi xuống đất, hoa vẫn tươi nguyên không tì vết.

Hoa anh đào tượng trưng cho nhiều khí chất của người Nhật và mang trong mình một truyền thuyết buồn.

Những võ sĩ samurai vì thế coi hoa anh đào là biểu tượng gắn liền với mình, thanh cao và trong sạch ngay cả khi đối diện với cái chết. Người Nhật cũng có câu “A flower is a cherry blossom, a person is a samurai” có nghĩa là “Nếu là hoa, xin làm hoa anh đào; nếu là người xin làm một võ sĩ đạo”. Hoa anh đào mang trong mình một truyền thuyết thật buồn nhưng cũng hàm chứa nhiều ý nghĩa.

(Nguồn DulichVietNam)

Truyền thuyết về hoa anh đào Nhật Bản

Đường hầm vạn cánh hoa anh đào ít người biết ở Kamakura

Độc đáo các món ăn từ hoa anh đào của Nhật Bản

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: