Hari Kuyo- linh hồn những chiếc kim gãy

Tại Nhật Bản, vào ngày 8–2 hằng năm, là ngày lễ cầu siêu cho linh hồn của những chiếc kim bị gãy trong 1 năm, hay còn gọi là ngày Hari Kuyo.

 

Thoạt nghe có vẻ hơi xa lạ, nhưng người Nhật quan niệm rằng, mỗi chiếc kim đều có một cuộc sống. Có chiếc phải làm việc nhiều, có chiếc làm ít, có chiếc bóng bẩy, chiếc cũ kĩ… nhưng tất cả đều mang trên mình nhiệm vụ, và mục đích cuối cùng nhằm để phục vụ cho cuộc sống của con người. Nếu không có chúng, quần áo sẽ không thể nào được trở nên nguyên vẹn, và bộ Kimono truyền thống của người Nhật cũng không thể nào hoàn hảo được từ những mảnh vải riêng biệt.

Lễ hội Hari Kuyo xuất hiện cách đây khoảng 400 năm, đến ngày nay nó vẫn được duy trì và gìn giữ vẹn nguyên giá trị. Mỗi năm cứ đến ngày 8-2,  hàng trăm phụ nữ tập hợp lại, mặc những bộ Kimono nhiều màu sắc, họ mang những chiếc kim không còn dùng được nữa, chiếc thì gẫy, chiếc thì cong, chiếc thì gỉ sét… đến các đền thờ  hoặc chùa để nhờ các nhà sư tiến hành nghi lễ tụng kinh, cầu siêu cho linh hồn của chiếc kim này.

Trong buổi lễ, mọi người chuẩn bị một bàn thờ nhỏ có 3 bậc. Bậc trên cùng dùng để bày bánh, hoa quả cúng. Bậc giữa được đặt một bánh đậu phụ (Tofu) và bậc dưới cùng là nơi để những dụng cụ mạy mặc (kim, chỉ, kéo…). Thêm vào đó, người Nhật trang trí bàn thờ bằng những dải trắng linh thiêng và nhiều chiếc dây khác.
Hành động cắm kim vào đậu phụ được xem là hình thức “vỗ về” kim sau khoảng thời gian dài chúng đã miệt mài giúp con người khâu vá. Đó cũng là nơi để bảo vệ mũi kim, để nó không làm tổn hại ai trước khi “yên nghỉ” trong miếng đậu phụ mềm.

Ngoài ra, lễ cầu siêu còn có 1 ý nghĩa khác nữa đó là “đôi khi có những bí mật và nhiều điều đau đớn mà phụ nữ không thể nói với đàn ông, họ gửi những bí mật này vào những chiếc kim và cầu xin trời phật loại bỏ chúng đi”.Sau khi kết thúc lễ hội, các chiếc kim được bọc trong giấy và thả xuống biển hoặc sông một cách cẩn thận.

Lễ hội Hari Kuyo là dịp để người Nhật Bản thể hiện sự biết ơn, trân trọng những đồ vật có ích trong cuộc sống. Nó cũng nói lên quan niệm của đạo Shinto rằng mọi đồ vật đều có tâm hồn, cảm xúc, và việc vứt một đồ vật đã từng có ích với mình vào sọt rác một cách đơn giản, sẽ bị xem như là một hành động vô ơn.

“Hãy trân trọng tất cả những gì xung quanh mình dù là nhỏ nhất”!

Hải Âu

Top 10 lễ hội ánh sáng mùa đông Tokyo 2016

Awa Odori koenji- lễ hội truyền thống của người Nhật

Những lễ hội mùa đông Nhật Bản không thể bỏ qua

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: