Tôi kể bạn nghe về nước Nhật: Xin đừng nhiễm phấn hoa

 

  • Sắp tới em về Việt Nam đấy, anh có thích ăn gì không, em mang qua cho?
  • Trời đất ơi. Giờ này mà em còn ăn đồ Việt Nam à? Bao nhiêu là hoá chất chứa đầy trong đấy. Nào là thịt ôi thiu, rau tưới nhớt, đậu phụ trộn vôi… Chỉ nghe qua là anh đã thấy nổi hết cả da gà!
  • Ôi dào, nhưng hồi đó ở quê anh em mình vẫn ăn mà, có chết đâu. Sao giờ anh để ý làm gì.
  • Hồi đấy khác, bây giờ khác. Giờ qua Nhật rồi, mọi thứ đều sạch sẽ hơn, tất nhiên anh cũng phải coi chừng sức khoẻ hơn chứ. Đâu thể ăn bừa uống tạm như trước được. Hơn nữa nơi đây thực phẩm vệ sinh thiếu gì, tội chi phải về mà tống vào mồm những thứ độc hại kia!
  • Ái chà, ông anh tôi dạo này kiêng kị gớm. Thì thôi vậy, tuỳ anh…

Đó là đoạn hội thoại tôi tình cờ nghe lỏm được của hai anh bạn Việt Nam trong một buổi sinh hoạt cuối năm. Bất giác, tôi cười khì, chợt nhớ bản thân mình ngày trước. Khi mới đặt chân lên xứ sở hoa anh đào này, tôi không sao thưởng thức được những món ăn mang “đậm đà hương vị Nhật”. Có lẽ với một đứa mới qua còn “thuần Việt” như tôi thì việc tiếp thu những gia vị lạ là quá khó. Lại thêm giá cả hàng hoá đều có sự khác biệt so với quê tôi, mọi thứ đều đắt hơn gấp nhiều lần. Vậy là tôi quyết định…nhận sự “chi viện” từ mẹ, hết mắm, muối, bột ngọt tới ớt, tỏi, chanh, thậm chí là cả những món ăn dân dã thương ngày. Cứ thế, tôi tự đắc rằng mình đã tiết kiệm được một khoản không nhỏ lại tha hồ thưởng thức những mùi vị quê hương.

Nhưng cuộc sống đâu có dễ dãi thế bao giờ. Khi người ta biết nhiều hơn cũng là lúc người ta dần thay đổi. Tôi bắt đầu nghe được những điều giống như đoạn hội thoại của hai anh bạn ở trên:

  • Đồ ăn Việt Nam hả? Thôi bỏ đi, ăn vô chỉ tổ đau bụng thôi. Ra siêu thị Nhật mà mua nè, giá cao một chút mà yên tâm, bảo đảm không có gì phải sợ.
  • Đúng đó, bạn anh có lần đi Nhật xong về Việt Nam mà bị đau bụng cả tháng luôn.
  • Rau ở Nhật chưa rửa cũng bằng rau Việt Nam rửa cả chục lần!

Và tất nhiên, tôi cũng thoáng rùng mình. Tự mình lên mạng kiểm chứng thì hỡi ôi, còn biết bao nhiêu điều khủng khiếp hơn thế nữa, khi người ta cố tình hại nhau chỉ để kiếm đồng lời. Những phần “để ăn” và “để bán” được phân chia rõ rệt. Vậy là từ đó, tôi nhắn luôn cho mẹ đừng chuyển đồ ăn qua nữa, thà chịu đắt một chút mà đảm bảo tính mạng còn hơn.

Hết chuyện thức ăn, tôi quay sang tìm hiểu nhiều chuyện khác. Càng ngày, hình ảnh của quê hương trong tôi càng trở nên xám xịt với những gam màu tối tăm không lối thoát. Những vụ tham nhũng, những tai nạn chết người, những vụ cướp bóc, đâm chém cứ ngang nhiên giữa phố… Nhìn lại nơi tôi đang sống hiện nay, Nhật Bản, một đất nước phồn thịnh với những con người chăm chỉ, kỷ luật, an ninh trật tự chẳng đâu bằng, môi trường lại sạch sẽ, tiện nghi. Ngẫm mà thêm chán. Đã có đôi lần, tôi viết lên Facebook những dòng so sánh hai nước, và tất nhiên bị hứng “gạch đá” hả hê. Tôi biết là do họ chẳng hiểu mình, bởi có ai đã đến Nhật đâu mà hiểu! Vậy nên tôi chỉ  đành lắc đầu ngán ngẩm mà thôi.

Mỗi sáng, khi chào đón ánh ban mai ló dạng trên nóc toà nhà đối diện, mở cửa sổ ra ngắm đoàn tàu monorail chạy đua với mặt trời, tôi luôn tự hào về xứ anh đào này, và tự hào về bản thân đã đặt chân lên được nơi đây. Tôi gần như đã chuyển hoàn toàn phong cách sống theo lối Nhật: chào kiểu cúi đầu, nói năng khiêm nhường lễ phép không còn thô lỗ như ở Việt Nam, và trên hết bây giờ tôi đã nói “không” với hàng Việt Nam mà chỉ quyết tâm dùng hàng Nhật. Và cũng như một số đông người Việt khác, tôi mong muốn sẽ sống tại Nhật, nhập quốc tịch Nhật và trở thành một công dân chính đáng nơi xứ sở Phù Tang này. Có như vậy, tôi mới không phải hổ thẹn khi bị “sờ gáy” hỏi thăm về gốc gác, và về số lượng tội phạm do người Việt gây ra ngày một tăng lên.

Nhưng rồi một chuyện xảy ra đã làm tôi thay đổi hẳn suy nghĩ của mình. Đó là vào năm trước, khi tôi có dịp về Việt Nam chơi. Vừa xuống sân bay, tôi đã bị choáng bởi cái không khí vừa nóng bức vừa ngột ngạt của quê nhà. Nếu là ở Nhật thì đã ôn hoà mát mẻ biết bao nhiêu! Tôi nghĩ thầm, nhưng cũng ráng dằn lòng về chung vui với mẹ.

Rong ruổi đường xa, không tàu điện, không xe buýt trung chuyển, tôi vừa đi vừa ngắm nhìn phố sá, bĩu môi trước những điều không đẹp ở quê nhà. Trong đó, có những điều mà xưa giờ vẫn vậy nhưng tôi chẳng nhận ra, chỉ khi qua Nhật trở lại rồi thì mới thấy lồ lộ ngay trước mắt. Ấy thế nên chẳng trách vừa mới đặt chân xuống chưa được bao lâu, tôi đã thấy nhớ Nhật quá chừng.

Về đến nhà, mẹ và các anh chị ra tận cổng để đón tôi, hỏi han, tâm tình đủ chuyện. Riêng tôi chẳng thể nào tập trung được vì mùi rác bốc lên từ dãy nhà trọ bên kia đường và tiếng trẻ con chơi đùa nhốn nháo.

  • Việt Nam mình thật chán quá. Mẹ biết không, ở Nhật chẳng bao giờ có những chuyện như thế này. Rác luôn được vứt đúng nơi quy định, còn phải phân loại ra nữa. Trẻ con thì được giáo dục ngoan ngoãn hiền lành, chẳng bao giờ quậy phá thế đâu.

Nghe tôi nói xong, mọi người xung quanh chỉ biết cười trừ. Mẹ tôi lái đi:

  • Thôi con mới về, đường xa mệt mỏi, vào nghỉ ngơi chút đi rồi còn ăn cơm.

Tôi lê thân trĩu nặng vào nhà, toan ngả lưng xuống thì đâu đó đã có tiếng gọi í ới, “A thằng H mới về phải không? Đâu cho tôi hỏi thăm cái nào…”. Mẹ tôi phải mời tất cả vào nhà, rồi trò chuyện, tôi cũng phải miễn cưỡng chào mấy cái rồi dằn lòng mang ít quà phương xa ra biếu hàng xóm đôi bên. Khi tất cả về rồi, tôi lắc đầu thở dài với mẹ:

  • Đúng là chỉ có Việt Nam mình mới như vậy. Ở Nhật người ta tôn trọng quyền riêng tư của nhau lắm, chẳng bao giờ tự tiện đến nhà đâu. Đăng hình lên facebook nhiều khi còn phải xin phép cơ mà!

Cứ thế, nguyên buổi, hết chuyện bực mình này đến chuyện bực mình khác cư vây lấy làm tôi thấy khó chịu vô cùng. Mỗi lần như thế tôi đều đem những ví dụ về nước Nhật văn minh để giải thích với mọi người. Nhưng đến khi vào bữa cơm thì tôi cũng không còn gì để nói nữa: hết thảy đồ ăn đều được mua ở chợ, và điều này gợi cho tôi cảm giác rùng mình khi nghĩ về khói bụi cũng như những hoá chất độc hại đã được lan truyền bấy lâu nay. Tôi buông đũa, nói với mẹ:

  • Mẹ ơi, con không ăn nổi những thứ này đâu. Ở Nhật con ăn đồ sạch quen rồi, giờ sợ bị đau bụng lắm. Hay chiều mẹ đi siêu thị mua đồ nấu con ăn nha mẹ, dù biết rằng hàng siêu thị bên mình cũng chẳng đáng tin là bao nhưng còn đỡ hơn.

Mẹ nhìn tôi, khẽ nhíu mày, đôi mắt bỗng long lanh và xa xăm đến lạ. Nhưng rồi mẹ cũng cười, nụ cười gượng gạo,bảo tôi:

  • Ừ, thôi để chiều mẹ đi mua cho con.

Thế là chiều hôm ấy, tôi có được một bữa ăn thịnh soạn với những món đến từ siêu thị. Mãi tới khi no nê rồi, tôi mới nhìn lại thấy chân mẹ đang chảy máu từ bao giờ. Tôi hốt hoảng, quay sang hỏi:

  • Mẹ, mẹ bị sao vậy?
  • À, không có gì đâu con. Tại hồi chiều đi siêu thị mà trời mưa to quá, mẹ đi xe vô tình bị trượt chân. Mà không sao đâu, chỉ bị trầy ngoài da ấy mà.

Tự nhiên tôi thấy tim mình đau nhói. Đi xa mấy năm trời, để mẹ ngày đêm trông ngóng, giờ về chẳng làm được gì cho mẹ vui lại khiến mẹ thêm khổ. Giá mà tôi không đòi hỏi, giá mà tôi không chê nọ chê kia thì mọi chuyện đã tốt hơn rồi. Những thức ăn này, có thể đúng là không sạch sẽ, có thể đúng là không an toàn nhưng trong đó chứa đựng tất cả những tình thương và bao tâm huyết mẹ dành cho tôi, đứa con phương xa sau bao ngày trở lại. Ở đời sức khoẻ quý thật nhưng có những thứ còn quý hơn sức khoẻ: đó là hạnh phúc và sự hy sinh. Những món ăn có thể chẳng ngon lành như bù lại là những niềm vui bên người thân mà tôi sẽ không bao giờ có được trên đất Nhật.

Bất giác tôi thấy những tiện nghi nơi xứ sở anh đào đều trở nên vô nghĩa. Tiện nghi, an toàn là tốt đấy nhưng để làm gì khi chúng ta chẳng có được một chút niềm vui? Cũng như ai đó đã nói với tôi rằng: sống ở Nhật có thể mang lại cho bạn một tuổi thọ dài lâu nhưng không có nghĩa sẽ mang lại cho bạn một cuộc đời hạnh phúc. Đất nước nào cũng có những mặt trái của nó, và những kẻ rũ bỏ quê hương thì sẽ chẳng lâu bền. Suy nghĩ ấy khiến tôi choàng tỉnh hẳn. Tôi ôm chầm lấy mẹ:

  • Mẹ ơi, con xin lỗi, con không như vậy nữa. Con tệ quá, lúc nào cũng làm mẹ khổ.
  • Ơ kìa con, gì mà nói nghe ghê vậy. Mẹ có khổ cực gì đâu. Con đi xa, về chơi là mẹ vui rồi. Thôi uống miếng nước mát đi rồi ngủ một giấc cho khoẻ, nha con.

Tôi đón lấy ly nước của mẹ, uống cạn một cách ngon lành, không chút nghĩ suy. Và đúng thật là ly nước mẹ làm vẫn ngọt mát như ngày ấy. Cũng từ đó, tôi không bao giờ có những ý nghĩ so sánh giữa hai nước nữa. Bởi tôi biết rằng mỗi nơi đều có những đặc thù riêng, Việt Nam tuy còn nhiều vấn đề nhưng ở đó có những người thân, nghĩa tình gắn bó.

Ngày tiễn tôi đi, mẹ ra tận sân bay, ân cần dặn dò tôi đủ chuyện:

  • Con đi nhớ giữ gìn sức khoẻ, khi nào có dịp lại về. Mà mẹ nghe nói bên đó mùa này có nhiều phấn hoa lắm, con coi chừng bị nhiễm phải cái bệnh dị ứng gì đó là khổ nha con.
  • Dạ, nhất định là không mẹ ạ. Mẹ hãy tin ở con, con sẽ không nhiễm phấn hoa hay nhiễm bất kỳ điều gì nữa.

Và mang theo tình thương ấy, tôi đi, tạm biệt chốn quê nhà. Lòng vẫn dặn lòng “xin đừng nhiễm phấn hoa”…

(Nguồn Isenpai)

Tôi kể bạn nghe về nước Nhật: Câu chuyện tấm thẻ đỏ giữa phố Shinjuku

Tôi kể bạn nghe về nước Nhật: Những mầm non nơi đất khách

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: