Tết Việt ở Nhật, cành mơ thế hoa đào
“Khi tôi viết những dòng… nhớ Tết này, tôi phải dừng lại nhiều lần vì nước mắt cứ rơi.
Tết – chỉ một từ bình dị mộc mạc, đơn giản vậy thôi sao mà diệu kỳ đến thế. Bao nhiêu hình ảnh, âm thanh và cả hương vị… cứ xoay quanh đậm đà trong câu chuyện của tháng cuối năm.
Tết thật nôn nao trong lòng người con nước Việt. Tết làm xao xuyến đến mủi lòng, sung sướng, quặn đau đối với những tâm hồn người con xa xứ.
Ở đây, Nhật Bản, xứ xa lạnh lẽo, Tết đang về âm thầm và lặng lẽ trên những con phố, hàng cây. Người bản địa đã đón Tết của họ một cách linh đình. Còn tôi mới rục rịch hòa chung hồn Việt để đón Tết cổ truyền của mình.
Trước kia muốn biết không khí Tết bạn phải ra đường, vào chợ mới cảm nhận được nhiều sắc màu, mùi vị. Bây giờ, bất cứ lúc nào bạn cũng cảm nhận Tết ngay ở gần bên, những tưởng như “sờ vào và nếm được”, chỉ qua cái click chuột.
Thời buổi @, cảm xúc của mỗi người dễ dàng biểu lộ bằng “status”. Nhờ hình ảnh và câu chữ mà chủ nhân đó đưa lên mạng xã hội mà một kẻ xa quê hương như tôi cứ ngẩn ngơ tìm hương vị Tết bằng cách lướt web.
Nói đến Tết là ta nghĩ đến hoa, lá, cành sinh sôi nảy nở. Hoa xuân là sự hoà nhịp kỳ diệu giữa con người với thiên nhiên. Xuân sắp đến rồi, làm sao mà hờ hững được! Chả thế nhà thơ Tố Hữu đã có câu: “Thế là xuân đến đó cùng ta/ Hồn nhiên như bạn cũ vào nhà“. Hay “Rét ngọt. Mùa đông chưa tiễn chân /Mà xuân cứ tới… Bởi vì xuân..”.
Vào những ngày giáp Tết, ở quê tôi ngày trước, các em bé theo mẹ đi chợ, nam thanh nữ tú đi chơi, ngắm hoa tết được bày bán khắp nơi. Ta cứ tưởng như trên mặt đất chỗ nào cũng có hoa nở vậy. Người người tấp nập và luôn vội vã.
Còn ở đây, mọi thứ vẫn bình lặng vì không có chợ hoa, không có cảnh đường phố tấp nập người mua sắm và càng không có hình ảnh các mẹ, các chị rửa lá dong hay ngồi cọ nồi nơi bờ ao, giếng nước. Nhưng, có lẽ nỗi nhớ nhà đến khắc khoải khiến cho tình yêu quê hương lắng sâu hơn trong lòng tôi.
Tết đến, hẳn nhiên là nhà ai cũng cố gắng một chậu hoa hay chỉ là lọ hoa, tô điểm thêm hương sắc ngày xuân. Ở Nhật đón Tết trên mười năm nay, không có cành đào nhung nhớ của Tết miền Bắc thuở nào, cũng không có các loại hoa đặc trưng ở Việt Nam, nhưng tôi cũng cố tìm mua cho được một bó hoa ưng ý, đem về cắm theo cách thức riêng của mình.
Không có hoa đào, tôi nhất định tìm cho được một cành mơ chúm chím đầy nụ xinh. Nhìn lọ hoa Tết cũng thấy lòng ấm áp và mong mỏi sự thịnh vượng đang vươn mầm nảy nở.
Hàng năm, tôi vẫn đi làm vào mỗi dịp Tết, người Nhật không ăn tết âm lịch nên không có ngày nghỉ, trừ khi Tết trùng vào ngày cuối tuần. Mặc dù vậy, tôi vẫn thu xếp mua sắm một số thứ bánh trái hoa quả, đặt lên bàn thờ thắp hương tổ tiên.
Tôi vẫn cố gắng về nhà sớm sau mỗi ngày làm việc để tự tay chế biến vài món ăn Việt Nam cho chồng, con đón Tết. Năm nào, gia đình tôi mời được mẹ chồng và bạn bè người Nhật đến nhà cùng ăn Tết, không khí càng rộn ràng hơn. Mẹ chồng tôi và những người bạn Nhật rất thích bánh chưng, nem rán Hà Nội, thịt đông và bát canh măng – những món không thể thiếu trong bữa tiệc Tết Việt Nam. Chỉ tiếc là không kiếm được dưa hành, không có câu đối đỏ và cây nêu ngày tết mà thôi.
Hơn thế nữa họ còn được biết, mỗi món ăn trong mâm cỗ Tết Việt Nam là một câu chuyện thú vị. Tôi đã kể cho những người bạn Nhật về sự tích bánh chưng bánh dầy có liên quan đến truyền thuyết Lang Liêu vào đời vua Hùng thứ 6. Hoàng tử Lang Liêu đã được báo mộng để làm ra chiếc bánh dầy hình tròn, tượng trưng cho trời, còn bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất, dùng để dâng cho vua cha trong ngày đầu xuân…
Thời thơ ấu Tết đối với muôn đứa trẻ luôn là sự mong chờ háo hức đến nôn nao. Bởi nỗi nhớ Tết đầy ắp trong tim mà tôi vẫn giữ Tết cho các con của mình. Chí ít, các con tôi đều nhớ Tết là chúng nận được tiền mừng tuổi và hào hứng cùng cha mẹ ăn cỗ ở nhà, rồi đến chia vui với nhóm sinh viên Việt Nam đang học tập tại Nhật”
(Nguồn Isenpai)