Bài học về “lòng tự trọng” từ một người Nhật vô gia cư
Tôi đã may mắn có được cơ hội sang một đất nước có điều kiện kinh tế phát triển để sống và làm việc, đó là Nhật Bản. Thời gian tôi sống trên đất nước này có thể nói là không dài (chưa đến 5 năm), nhưng nó cũng giúp cho tôi hiểu thêm được một phần nào đó những giá trị của cuộc sống nói chung và nhân cách, ý thức, lòng tự trọng của một con người nói riêng.
Có lẽ chúng ta đã nghe quá nhiều về tính cách tốt đẹp như giao tiếp trong công việc, cư xử với nhau trong cuộc sống… Nhưng với những con người bình thường, có cuộc sống và công ăn việc làm ổn định. Vậy còn đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, người vô gia cư thì như thế nào?
Các bạn nghĩ khi rơi vào bước đường cùng như thế, họ có còn giữ được “lòng tự trọng tối cao”, hay sẽ vì “miếng cơm manh áo” mà cũng hành động một cách tầm thường như bao người khác.
Trong một ngày tăng ca đi làm về khuya, tôi ghé vào cửa hàng tiện lợi kiếm gì ăn cho đỡ đói, khi đến trước cửa hàng tôi gặp 1 người đàn ông lớn tuổi (khoảng 60 hay 70 tuổi), ông mặc chiếc áo sơ mi màu xanh, và chiếc quần kaki, nhìn vào tuy có hơi cũ nhưng vẫn thấy gọn gàng sạch sẽ, với dáng ngồi thẳng đứng cùng một chiếc ba lô để trong lòng và ngồi nép gọn vào một góc phía bên cánh cửa ra vào.
Lúc đó tôi cũng không biết ông ấy đang làm gì hay đợi ai? Nhưng vì sự tò mò nên tôi đã ngồi xuống “ Konbanwa”( một câu chào buổi tối trong tiếng Nhật). Đáp lại lời chào của tôi là một nụ cười và một cái cúi đầu thật sâu kèm theo một câu chào “Konbanwa”.
Câu chuyện cuộc đời
Sau những câu chào tôi lại bắt đầu “nhiều chuyện” và đi sâu vào hỏi thăm cuộc sống, ban đầu ông có chút e ngại nhưng có lẽ vì thấy tôi là người ngoại quốc ( tôi giới thiệu mình là người Việt Nam), cùng với sự nhiệt tình và cách ăn mặc của tôi khi nhìn vào cũng không hơn gì ông ấy, nên ông cũng mở lòng tâm sự một cách thoải mái.
Tiếng Nhật của tôi không được giỏi lắm, nhưng đại khái tôi cũng hiểu được những điều ông ấy đã kể như sau:
“Trước đây tôi là nhân viên của một công ty sản xuất linh kiện điện tử khá lớn ở thành phố Osaka, tôi làm việc ở đó 25 năm, thu nhập cũng như cuộc sống lúc đó khá ổn định, nhưng 3 năm trước, tôi bị bệnh kém trí nhớ và không còn đủ sức khỏe để đảm nhận các công việc được giao nên tôi đã tự viết đơn xin nghỉ việc. Khi đó nhiều đồng nghiệp và giám đốc công ty có khuyên tôi ở lại, họ sẽ sắp xếp công việc phù hợp nhưng biết mình không thể giúp được gì cho công ty, thậm chí còn làm phiền đến mọi người nên tôi đã ra đi.
Trong thời gian làm việc tôi cũng tích góp được chút đỉnh, thế nhưng khi nghỉ làm không có thu nhập cộng với việc phải trang trải các chi phí hàng ngày và thuốc men chữa bệnh nên số tiền tích góp cũng sử dụng hết.
Thời trai trẻ vì quá ham làm việc mà không quan tâm đến chuyện lập gia đình đến giờ tôi vẫn còn độc thân, tôi có 1 người em trai và 1 chị gái. Hiện tại họ đều có công ăn việc làm ổn định, vì không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, nên tôi nói đã chuyển công việc và cuộc sống vẫn tốt.
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ
Hiện tại tôi không có công ăn việc làm, hàng ngày tôi chỉ có thể làm “ omamori” ( lá bùa may mắn ), mang đến các công viên hoặc ga tàu điện nhờ mọi người ủng hộ, đêm đến thì trở về các cửa hàng tiện lợi như thế này để nghỉ ngơi. Mỗi ngày tôi kiếm được khoảng 300-700 yên ( khoảng 60-140 nghìn đồng), nhưng vì căn bệnh trí nhớ kém nên nhiều lúc tôi không nhớ đường, những lúc như thế tôi ngủ bất cứ chỗ nào có thể chẳng hạn như công viên, nhà ga, ghế đá…nhưng tôi không đến gần nhà người khác vì sợ họ giật mình khi nhìn thấy những người như tôi.
Tôi không biết mình còn sống được bao lâu nữa, nhưng ngày nào tôi còn cử động được thì tôi không muốn mình phải làm gánh nặng cho người khác. Vì việc xấu hổ và nhục nhã nhất trong con mắt của người Nhật chính là sự “vô dụng”, thế nên tôi phải lao động đến ngày cuối cùng của cuộc đời mình.
Tuy tôi là người vô gia cư, nhưng tôi ngồi đây không phải để “ăn xin” nên đừng nghĩ như thế, hãy tôn trọng tôi, đó là cách tốt nhất để chúng ta có thể bắt đầu một mối quan hệ”
Sau khi nghe ông ấy nói xong, tôi chỉ cảm thấy trong lòng như có điều gì đó mà không thể nào nói ra được. Tôi đứng dậy, đi vào trong cửa hàng mua 2 lon café nóng và 2 ổ bánh mì, ra ngoài chia cho ông ấy 1 nửa nhưng chỉ thấy ông ấy nhìn tôi với ánh mắt “ lạnh tanh”, tôi sợ ông ấy hiểu lầm là mình xem thường nên đã nói “ tôi là người xa nhà, muốn nói chuyện và làm bạn với ông nên tôi mời “.
Ông ấy lặng im một lúc, rồi mở chiếc ba lô, lấy ra một chiếc Omamori màu đỏ và nói “ageru” (tặng cho bạn). Tôi hiểu ý ông ấy không muốn mắc nợ mình nên đã nhận lấy và cảm ơn, sau đó thì ông ấy cũng nhận lon café và chiếc bánh mì của tôi.
Nhìn lại đồng hồ đã hơn 2h khuya tôi chào ông về. Đi được một đoạn tôi quay đầu lại vẫn còn thấy ông đứng cuối đầu chào, vẫn cách chào như lúc tôi vừa bước vô cửa hàng và không quên nói câu “Arigatou” (cảm ơn).
Tôi bước đi về với hàng ngàn câu hỏi “tại sao” hiện ra trong đầu mà không cách nào lý giải được. Chỉ có thể là người Nhật!
Không có việc gì là tuyệt đối, và ở đâu cũng có người này, người kia. Tôi là một người Việt, tất nhiên dù có sống ở đâu, làm gì, thì tận trong đáy lòng tôi vẫn luôn mong muốn những điều tốt nhất với đất nước, quê hương mình.
Nhưng có những sự thật mà chúng ta không thể nào phủ nhận, đó là ý thức và lòng tự trọng của người Nhật là một điều tuyệt vời mà chúng ta cần phải học hỏi rất nhiều từ họ.
Hải Âu
Cuộc sống ảm đạm của hàng triệu người nghèo ở Nhật
Ở đất nước giàu có như Nhật Bản, có những đứa trẻ nhịn ăn nhịn mặc để được dùng iPhone