Văn hoá ít người biết dành cho các “Thần men” sống ở Nhật
Chắc có lẽ các “ma men” không xa lạ gì với câu thần chú trên bàn nhậu của người Việt “Rượu bất khả ép, ép bất khả từ, ai lừ đừ thì từ từ mà uống”, đó cũng chính là văn hoá trên bàn nhậu của người Việt.
Vậy còn với người Nhật thì sao? Họ có những văn hoá như thế nào trên bàn nhậu?
1. Một lần và mãi mãi
Chúng ta đã quá quen thuộc với những âm thanh “1,2,3 dzô” trong suốt cuộc nhậu ở Việt Nam rồi đúng không?
Với người Nhật, ly đầu tiên tất cả mọi người sẽ cùng nhau nâng ly và nói “kanpai”, họ chỉ làm 1 lần trong suốt cuộc nhậu, chứ không phải mỗi lần uống là mỗi lần “dzô”.
Khi mới tiếp xúc, một số bạn không hiểu và cho rằng người Nhật không thích mình, nên họ “tự sướng” mà “không thèm cụng ly”.
2. Liệu cơm gấp mắm
Nguời Việt trên bàn nhậu cũng giống như trên chiến trường vậy. Ai cũng muốn hạ được càng nhiều đối thủ càng tốt, thậm chí đối thủ có đầu hàng thì cũng phải áp dụng nội qui “vào 3 ra 7”, hoặc là khi nào “cho chó ăn chè” thì mới được buông tha.
Nhưng người Nhật, tuyệt đối không bao giờ “ép” bạn uống thêm bất cứ 1 ly nào nếu bạn nói mình mệt, hoặc cảm thấy bạn không uống được nữa.
Không chỉ vậy, pháp luật Nhật Bản còn qui định, nghiêm cấm mọi hành vi ép rượu bia người khác dưới mọi hình thức.
3. Không tự xử
Nếu như hầu hết chúng ta đều có chung tâm lý rằng, sợ 1 anh chàng nào đó ngồi kế bên ăn gian bằng cách bán bia cho mình, thì ngược lại đây là một văn hoá không thể thiếu trên bàn nhậu của người Nhật.
Họ sẽ luôn để ý và chăm sóc ly của bạn lúc nào cũng đầy, và bạn cũng phải làm lại như vậy với họ thì mới được xem là lịch sự, tôn trọng lẫn nhau.
Nhiều bạn lúc đầu chưa quen nên cứ theo kiểu hồn ai nấy giữ, vô tình làm cho bản thân bị mất điểm trong mắt các đồng nghiệp cũng như cấp trên của mình.
4. Bureikō – Bình đẳng trên bàn nhậu
Có lẽ nhiều người đã quen thuộc với hình ảnh người Nhật lễ phép, xem trọng hình thức…Nhưng bạn có biết trên bàn nhậu, họ lại có 1 luật bất thành văn đó là “trong bàn nhậu, tất cả đều bình đẳng” hay còn gọi là Bureikō.
Với Bureikō, bạn có thể nói chuyện, xưng hô một cách thoải mái nhất với đồng nghiệp, cũng như cấp trên của mình như những người bạn.
Nhưng văn hoá này chỉ áp dụng trên bàn nhậu, còn trong công việc phải tuyệt đối tôn trọng cấp trên nhé.
5. Thích “hàng” nguyên chất
Người Nhật họ thích uống bia lạnh, thế nhưng hầu hết không dùng đá bỏ vào ly như ở Việt Nam.
Họ thích thưởng thức hương vị nguyên chất của rượu, bia, nên đa số không dùng đá, mà thay vào đó sẽ ướp lạnh.
6. Chơi xả láng, sáng dậy sớm
Đối với những người chưa quen với văn hoá trên bàn nhậu của người Nhật, hay tỏ ra e dè và giữ mình, vì sợ bị đánh giá hoặc lòi những tật xấu của mình.
Tất nhiên, nếu bạn có thể giữ mình mãi mãi thì rất tốt, nhưng có làm được hay không?
Sự thành thật của người Nhật làm cho nhiều người phải bất ngờ, thậm chí là bị sock.
Vì vậy, bạn đừng bất ngờ nếu vô tình bắt gặp một đồng nghiệp, hay cấp trên của mình nằm ngoài công viên, bởi vì không thể về nhà nổi sau các cuộc vui cùng với anh em chiến hữu.
7. Vui xuân nhưng không quên nhiệm vụ
Người Nhật nhiệt tình và sẵn sàng chơi xả láng ở cuộc nhậu đêm trước, nhưng sáng hôm sau vẫn thấy họ tỉnh táo và có mặt đúng giờ ở công ty như không có chuyện gì xảy ra cả.
Chúng ta thường hay có tư tưởng là hôm nay chơi hết mình, hôm sau mệt thì xin nghỉ cũng được. Đây là điều đại kỵ ở công ty Nhật, nên các bạn hãy chú ý vấn đề này nhé.
Làm sao để biết một “sát thủ” khi nhìn họ uống rượu?
Các bạn đã từng nghe nói đến các võ sĩ Samurai chưa?
Họ là những võ sĩ thực thụ, niềm tự hào của đất nước Mặt trời mọc.
Các Samurai có nhiều kẻ thù, và bất cứ lúc nào cũng có thể bị tấn công, nên họ luôn cảnh giác và đề phòng tất cả những người xung quanh mình.
Vì thế, khi uống rượu họ sử dụng tay nghịch (hầu hết là tay trái), các bạn có biết vì sao không?
Bởi vì tay thuận họ sẽ dùng kiếm để chiến đấu nếu bị tấn công bất ngờ.
Cũng vì lý do, trước đây muốn biết ai đó có phải là một sát thủ hay không, chỉ cần quan sát cách họ uống rượu là biết ngay.
Vấn đề này thậm chí những người Nhật bình thường, nếu không tìm hiểu thì cũng không biết được đâu.
Hải Âu