“Tôi mang quốc tịch Nhật nhưng không được công nhận là người Nhật …”

Nhắc tới con lai, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến những người với khuôn mặt đẹp như thiên thần, cực giỏi ngoại ngữ và đầy tài năng, đi tới đâu cũng được mến mộ. Nhưng thực tế lại không như bạn nghĩ, trái lại, cuộc sống của một người mang hai dòng máu gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt ở Nhật Bản.

Là nước có nền văn hóa đồng nhất gần như tuyệt đối về dân tộc, ngôn ngữ Nhật Bản và sự xuất hiện của con lai là một tồn tại “đặc biệt”, khó có thể dung hòa. Chính vì lẽ đó, đa số con lai sống ở Nhật gặp rất nhiều rắc rối, phiền toái, điển hình là trở thành đối tượng bị phân biệt, bắt nạt ở trường.

“Thằng ngoại quốc! Về lại đất nước của mày đi!”

“Tại sao tóc mày lại màu nâu thế? “Chỗ đó” của mày cũng màu nâu đúng không? Ha ha”

“Mày thử nói tiếng Tây gì đi? Con lai mà.”

Hàng ngày, họ bị xua đuổi, chế giễu, bị đánh đập bởi bạn bè cùng lớp, do có vẻ ngoài quá khác biệt.

“Những năm tháng ở trường học là quãng thời gian kinh khủng nhất của cuộc đời tôi và em trai. Cứ đi học về là chúng tôi lại khóc. Tôi không còn muốn học hay kết bạn với một người Nhật nào nữa”. Một người Nhật lai Tây Ban Nha vừa hồi tưởng lại ký ức đau buồn và cho biết.

Một người lai khác đau đớn kết luận: “Ở Nhật tôi bị cho là người Mỹ, còn về Mỹ, người ta xua đuổi tôi vì là người Nhật. Những người mang hai dòng máu như chúng tôi bị cả hai đất mẹ chối bỏ!”

Hầu hết các trường hợp bị bắt nạt là những người con lai với vẻ ngoài bình thường, không có gì nổi trội. Nó trái với quan niệm của đại đa số người Nhật rằng, đã là con lai thì sẽ rất xinh đẹp và giỏi ngoại ngữ.

Nhưng trên thực tế, những người như thế chỉ chiếm một phần rất nhỏ, còn lại hoặc không xinh đẹp, hoặc không giỏi ngoại ngữ hay tệ hơn là không có cả hai. Chính vì quan niệm sai lầm ấy, những người con lai xinh đẹp, tài năng thì được ngưỡng mộ, còn những ai không may mắn có được hai thứ đó bị xem thường và bắt nạt.

Dù vậy, nỗi buồn chung của tất cả các con lai là mang trong mình dòng máu Nhật Bản nhưng lại không được thừa nhận cái phần đó.

“Tôi đang chạy trên đường thì nghe tiếng cảnh sát đuổi theo sau.

Này anh kia, đứng lại! Stop! Stop!

Do khuôn mặt giống người nước ngoài mà tôi bị hỏi xem thẻ ngoại kiều (thẻ người nước ngoài). Dù tôi đã giải thích bao nhiêu lần tôi là người Nhật thì làm gì có thẻ đó, nhưng anh cảnh sát không hề tin.

Tôi mang quốc tịch Nhật nhưng lại không được xem là người Nhật…

Một người lai cho biết trải nghiệm buồn bã của mình. Chỉ vì nửa dòng máu còn lại thuộc về đất nước khác mà họ “được” đối xử như người nước ngoài.

“Tôi sinh ra ở Nhật, chỉ biết nói tiếng Nhật nhưng vì ngoại hình của mình mà lúc nào cũng bị bắt chuyện bằng tiếng Anh. Trong câu lạc bộ, khi họ hỏi tôi bằng tiếng Anh, tôi đáp lại bằng tiếng Nhật thì họ thất vọng nói ”gì vậy, mày là đồ giả hả”.

“Vất vả lắm mới có được cuộc hẹn với người mình thích. Vậy mà cô ấy lại đề nghị rằng vì muốn luyện ngoại ngữ nên suốt buổi hẹn hãy sử dụng tiếng Anh. Dù là con lai nhưng từ lúc sinh ra đến giờ chỉ biết nói tiếng Nhật như tôi khi nghe xong thấy rất xấu hổ và thất vọng. Tôi nghĩ, dù nói được tiếng Anh thì cũng chỉ có cảm giác như bị lợi dụng”.

“Khi vào nhà hàng, lúc xem menu định chọn thì người phục vụ lật bên trang tiếng Anh cho chúng tôi. Lúc tôi gọi món, dù bằng tiếng Nhật nhưng cô ấy (chỉ người phục vụ) lại trả lời bằng tiếng Anh!”

Con lai trong tiếng Nhật gọi là Hafu, cách gọi chệch đi của từ Half trong tiếng Anh. Nhưng theo tôi nghĩ, nên gọi họ là Double (nhân đôi). Vì bên trong họ đang chảy hai dòng văn hóa, kế thừa tất cả những gì đẹp nhất, tốt nhất ở hai bên, là sợi dây nối kết vững chắc giữa hai đất nước; chứ không phải bị chối bỏ như bây giờ.

Nhật Bản đang ngày càng hòa nhập với quốc tế nên hy vọng trong tương lai không xa, cả dân tộc sẽ mở rộng vòng tay chào đón tất cả “đứa trẻ đặc biệt” này, để Nhật Bản kết nối với thế giới.

Kim Ngân

Chuyện nước Nhật: Cái tết đầu tiên xa xứ

Vì sao không kể đông hay hè nhà hàng Nhật Bản đều phục vụ khách một cốc nước đá?

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: