“Hãy đối xử dịu dàng với tôi” thông điệp từ những ký hiệu
Ở Nhật Bản, nhất là những vùng nông thôn, khi mà một ngày chỉ có lưa thưa vài chuyến tàu điện cách nhau mấy tiếng đồng hồ hoặc dăm ba chuyến xe buýt thì xe hơi là phương tiên được ưa chuộng hàng đầu.
Thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp những ký hiệu lạ có hình cỏ 4 lá hay hình con bướm màu sắc dán sau lưng xe. Đừng tưởng nhầm đó là vật trang trí nhé. Vì thật ra, chúng có ý nghĩa cả đấy.
Những ký hiệu được đính trên xe hơi gọi là Untensha-hyoushiki (ma-ku) nghĩa là ký hiệu lái xe. Đúng như tên gọi của nó, đây là những mảnh giấy cứng có hoa văn được dán trên xe hơi, tuỳ theo mỗi loại hoa văn mà cho biết rằng người lái xe đó thuộc vào nhóm tài xế đặc biệt nào. Lưu ý là những tài xế bình thường, có kinh nghiệm lâu năm thì không dán bất kỳ ký hiệu nào trên xe.
Theo quy định của luật pháp Nhật Bản, từ tháng 5/2016 có 4 loại ký hiệu lái xe được công nhận bao gồm: Loại dành cho người mới bắt đầu, loại dành cho người cao tuổi, loại dành cho người khiếm thính và loại dành cho người khuyết tật.
1. Loại dành cho người mới bắt đầu (Shoshinsha ma-ku, 初心者マーク)
Bạn đã bao giờ nghe đến cụm từ “Shoshinsha” (初心者) bao giờ chưa? Cụm từ này có nghĩa là “Người mới” dùng cho những người lần đầu trải qua một sự kiện hoặc một hoạt động nào đó.
Ví dụ: 日本語の初心者; アルバイトの初心者
Ký hiệu này dành cho những người mà bằng lái xe được cấp chưa đến một năm. Người mang ký hiệu này có ý muốn nói rằng “Xin hãy đối xử dịu dàng với tôi, vì tôi mới biết lái”. Tuy nhiên vì sự phiền hà và chậm chạp trong cách lái xe, đây cũng là đối tượng dễ bị ghét bỏ.
2. Loại dành cho người cao tuổi (Koureisha ma-ku, 高齢運転者マーク)
Nghe tên gọi chắc bạn cũng đã hiểu được đối tượng hướng đến của loại ký hiệu này rồi nhỉ? Đó là những người già trên 70 tuổi mà cơ thể bị yếu đi, không còn lái xe tốt như lúc còn trẻ thì sẽ được hưởng các chế độ ưu tiên khi sử dụng miếng dán hình cỏ 4 lá này. Người ta còn gọi ký hiệu là ký hiệu may mắn cũng vì lý do đó.
Ví dụ:
Xe hơi của bạn có ký hiệu dành cho người cao tuổi, thông thường bạn sẽ được nhường đường. Hơn thế nữa, khi đến bãi giữ xe để đi vào siêu thị, thông thường sẽ có khu vực để xe dành cho người khuyết tật và người cao tuổi. Điều tuyệt nhất là nằm sát lối vào của siêu thị nên hầu như bạn chẳng phải đi bộ quá nhiều. Thật là một ký hiệu lý tưởng phải không nào?
Đây là ký hiệu cũ được sử dụng đến năm 2016 thì đổi sang hình cỏ 4 lá, có ý nghĩa hoàn toàn giống nhau.
Vậy nên, khi bạn nhìn thấy ký hiệu này đâu đó thì cũng đừng thắc mắc lý do tại sao là có những hai loại nhé.
3. Loại dành cho người khiếm thính (choukaku- shogaisha ma-ku, 聴覚障害者マーク)
Là loại dành cho người có giấy phép lái xe bình thường nhưng bị khiếm khuyết về tai, không thể nghe được.
4. Loại dành cho người khuyết tật (shougaisha ma-ku, 障害者マーク)
Là loại ký hiệu dành cho người mang giấy phép lái xe bình thường mà có khiếm khuyết về các bộ phận trên cơ thể.
Tất cả các ký hiệu này đều phải dán ở cả phần đầu và đuôi xe, cách mặt đất trên 0,4 mét và 1,2 mét tính từ nóc xe, tốt nhất là ở chỗ mà các phương tiện khác dễ thấy được. Trong đó người mới lái xe và người khiếm thính quên đính ký hiệu của mình vào xe thì sẽ bị phạt 4,000 yên (khoảng 800,000 VND).
Tôn trọng sự sống là một trong những bài học tiên quyết mà các trường học Nhật Bản phải giáo dục cho trẻ em. Chính vì vậy, trong việc tham gia giao thông, gây tai nạn chết người hoặc làm người khác bị thương là một tội rất nặng. Những biểu tượng này phần nào giúp người lái xe phân biệt được các đối tượng đặc biệt trên đường, vừa để giữ an toàn cho cả mình và đối phương.
Các bạn sống ở Nhật nếu có ý định mua xe hơi thì nhớ chú ý quy định này để không bị phạt oan nha.
Bạn nghĩ sao về những ký hiệu này? Cũng thú vị đó chứ.
Chee