Bạo lực học đường ở Nhật – mặt trái của nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới

Là một trong những nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới, Nhật vẫn không tránh khỏi có những mặt trái, trong đó vấn nạn dai dẳng và khó giải quyết nhất chính là Ijime – nạn bắt nạt, ức hiếp, cô lập lẫn nhau giữa học sinh trong trường.

 Một con số có thể khiến nhiều người sửng sốt: Tự tử là nguyên nhân mang tới cái chết lớn nhất cho người Nhật trong độ tuổi từ 10 đến 19 (là những nạn nhân của Ijime), và ngày đầu tiên của năm học mới là ngày nhiều học sinh chọn là ngày tự tử nhất khi không thể chịu đựng được việc quay lại trường học.

Mới đây, nghi phạm của vụ sát hại bé gái Việt đã bị bắt, trong đó đời tư phức tạp của y khi được hé lộ cho thấy, y từng là nạn nhân của nạn bạo lực học đường, dẫn tới việc mất hết niềm tin và tuyệt vọng vào cuộc sống. Phải chăng đây là một nguyên nhân dẫn tới những góc tối trong tâm hồn của nghi phạm, khi bạo lực học đường tại Nhật thực sự là vấn nạn nghiêm trọng và có thể để lại nhưng vết thương lẫn những méo mó về tinh thần đi tới hết cuộc đời của mỗi nạn nhân.

Bạo lực học đường tại Nhật là vấn nạn nghiêm trọng (Ảnh minh họa).

Nạn nhân của sóng thần – nạn nhân của Ijime

Mới đây bộ giáo dục Nhật Bản vừa đưa ra một cuộc điều tra cho thấy, có tới gần 200 trẻ em là nạn nhân của cơn đại địa chấn và sóng thần năm 2011 – sau khi chuyển nhà tới nơi ở và học tập mới đã trở thành nạn nhân của Ijime. Cuộc điều tra toàn quốc hé lộ 129 trường hợp bắt nạt trong năm 2016 và 70 trường hợp trong năm 2015. Cuộc khảo sát đã được thúc đẩy thực hiện sau khi một bé trai sơ tán khỏi Fukushima tới Yokohama từ năm 2011 bị bắt nạt ròng rã suốt 5 năm trời lên tiếng.

Năm 2011, cậu bé mới 8 tuổi, chuyển tới một trường học mới tại Yokohama. Em bị các bạn cùng lớp gọi là mầm bệnh phóng xạ, bị ăn cắp đồ đạc, bị đánh, đấm và xô ngã xuống cầu thang những lúc vắng người. 3 năm sau, những đứa bé bắt nạt em còn trấn lột tiền của em vì cho rằng gia đình em được bồi thường sau thảm họa, khiến cho cậu bé phải lấy trộm 13.000$ của gia đình cống nộp cho bạn học.

Đây chỉ là con số mới nhất liên quan tới bạo lực học đường tại Nhật – và nó khiến người ta sửng sốt khi nạn nhân là những em nhỏ mới đi qua những hậu quả nặng nề của động đất và sóng thần, phải rời xa quê hương để đến nơi ở mới, nay lại trở thành mục tiêu của vấn nạn nhức nhối nhất học đường Nhật Bản. Nhiều nạn nhân bị thường xuyên chế giễu “về lại Fukushima đi” và cảm thấy không được cộng đồng coi trọng, chào đón.

Con số về các vụ bạo lực học đường ở Nhật có thể lớn hơn những gì được công bố (Ảnh minh họa).

Trước đó đã có rất nhiều trường hợp khủng khiếp liên quan tới bắt nạt: Năm 1986, một cậu bé đã tự sát sau khi bị bạn học cùng với giáo viên tra tấn nhiều năm khi đòi tổ chức tang lễ giả cho em. Năm 2010 trên trên khắp nước Nhật đã ghi nhận 77.000 trường hợp bắt nạt trong trường học.

Tháng 10.2011, trên toàn nước Nhật đã xôn xao vụ một bé trai 13 tuổi tại tỉnh Shiga đã gieo mình từ tầng 14 tòa nhà nơi em ở để tự tử vì không chịu nổi sự bắt nạt của 3 bạn học cùng lớp trước sự làm ngơ của giáo viên chủ nhiệm. Báo chí đưa tin rằng, trước đó, không ngày nào em không nghĩ tới chuyện tự sát do bị bạn ép buộc vào trò chơi “giả tự sát”. Ngoài ra em còn bị các bạn đánh đập, bắt ăn xác ong chết, cưỡng ép ăn trộm đồ ở siêu thị…

Vào năm 2015, 9 học sinh bị bắt nạt tự sát. Những con số thực sự có thể còn lớn hơn công bố bởi nhiều sự vụ không được biết tới do sự thờ ơ của thầy cô và bạn bè, sự giấu kín từ chính những nạn nhân.

Không có kẻ bắt nạt – chỉ có một nhóm người bắt nạt

Theo Bộ Giáo dục Nhật Bản, nạn bắt nạt học đường tại các quốc gia khác thường do mâu thuẫn của hai, ba học sinh với 1 học sinh còn lại, nhưng tại Nhật, hầu hết các trường hợp đều liên quan đến việc phần lớn lớp học cô lập gây ra những chấn thương dai dẳng về tâm lý (và đôi khi thể chất) trên một nạn nhân. Nói cách khác tại Nhật, bắt nạt là một hiện tượng nhóm.

Xã hội Nhật đặc biệt nổi tiếng vì coi trọng sự đồng nhất và có xu hướng tránh xa sự dị biệt. Trường học gây dựng nên một môi trường giáo dục mà người ta có cảm giác an toàn và yên ổn khi hành xử giống như nhau, và không muốn bị cảm thấy lạc loài khi hành xử khác đi. Để tự bảo vệ mình, họ có xu hướng phủ nhận và kỳ thị những kẻ khác biệt. Điều này hoàn toàn khác xa với những xã hội cởi mở như Âu Mỹ, nơi mà cá tính và cái tôi đặc biệt được coi trọng. Chính vì thế, những cá nhân khác biệt hay nổi bật trong 1 lớp học, một đứa trẻ vượt trội hơn hay một đứa trẻ học đuối hơn dễ có nguy cơ trở thành nạn nhân của bắt nạt. Những trẻ khác biệt theo kiểu quá xinh đẹp, quá xấu, ục ịch béo ú, những trẻ thích yên tĩnh và không có nhu cầu giao du kết bạn, trẻ nước ngoài… đôi khi là những nhóm đối tượng bị bắt nạt.

Nhiều đứa trẻ không biết cách làm sao để hòa mình vào số đông hoặc có bạn mới, điều này vô hình chung đẩy chúng vào nguy cơ bị bắt nạt (Ảnh minh họa).

Trẻ em Nhật sớm được dạy dỗ tính cách giữ gìn hòa khí. Khi chơi với nhau, nếu chúng làm mất lòng một thành viên trong nhóm, chúng có thể trở thành nạn nhân của việc bắt nạt. Khi xảy ra hiện tượng bắt nạt trong một lớp, trẻ em có xu hướng lờ đi bởi nếu can thiệp, rất có thể chúng sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo.

Áp lực từ một xã hội hướng nghiệp cũng khiến cho trẻ em phải học hành cật lực để có được một công việc tốt sau khi tốt nghiệp. Tình trạng này bắt đầu khi chúng bước chân vào cánh cửa trung học. Bị cắt giảm thời gian vui chơi, trẻ em Nhật dễ mất cơ hội được giải phóng căng thẳng, và mất cơ hội để giao tiếp và kết bạn. Nhiều đứa trẻ không biết cách làm sao để hòa mình vào số đông hoặc có bạn mới, điều này vô hình chung đẩy chúng vào nguy cơ bị bắt nạt.

Gia đình và cách thức giáo dục cũng là nguyên nhân của vấn đề này. Trong những năm gần đây, số lượng các bà mẹ không còn làm nội trợ mà tiếp tục đi làm trở lại ngày càng tăng. Họ có thể quá bận rộn và căng thẳng để chơi hoặc nói chuyện với con cái của họ, và những đứa trẻ thiếu tình yêu thương và quan tâm có thể dẫn tới hai thái cực, hoặc chúng bị bắt nạt, hoặc chúng trở thành kẻ bắt nạt. Ngược lại, một số người mẹ lại yêu con một cách mù quáng và làm tất cả mọi thứ để bảo vệ con, sẵn sàng chiều chuộng chúng vô lối hay bảo vệ con quá mức khiến con của họ trở thành những kẻ Ijime/bị ijime.

Từng có 7 năm sinh sống cùng gia đình tại Nhật nên mẹ Masao có cơ hội được trải nghiệm rất nhiều về văn hóa, xã hội trên đất nước mặt trời mọc. Và từ khi bé Masao đi học, mẹ Masao còn có thêm cơ hội trải nghiệm “công việc” của một người mẹ có con đi học mẫu giáo ở Nhật. Những cảm nhận và chia sẻ chân thực của mẹ Masao một lần nữa khiến chúng ta “ngả mũ” trước cách người Nhật giáo dục trẻ em. Độc giả có thể đọc thêm những bài viết thú vị của mẹ Masao tại đây.

Nguồn:Kenh14.vn

Thảm cảnh bị bắt nạt và bạo lực học đường của những đứa trẻ tị nạn vùng Fukushima
Bạo lực học đường ở Nhật Bản tăng cao kỷ lục
Sự thật bất ngờ về câu chuyện “Vợ” bạo hành “Chồng” ở Nhật
Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: