Quấy rối tình dục nữ sinh ở Nhật Bản: Những rào cản khiến nạn nhân không thể lên tiếng

Tại một đất nước tiên tiến như Nhật Bản, những nạn nhân của nạn quấy rối tình dục vẫn vấp phải rất nhiều khó khăn trong việc đòi lại công lý.

Tamaka Ogawa đã là một nhà văn kiêm nhà sáng lập của Press Labo, một tạp chí điện tử nhỏ ở Shimokitazawa, nội đô Tokyo, và chuyên viết các bài báo về tình trạng mất cân bằng giới tính ở Nhật cũng như các vấn đề liên quan đến tấn công, quấy rối tình dục. Cô đã có những chia sẻ về những lý do khiến nạn nhân nữ không đủ dũng cảm để lên tiếng khi bị quấy rối.

“Vu khống”

Việc thuyết phục xã hội rằng vấn đề này tồn tại càng trở nên khó hơn bởi có một quan niệm phổ biến hiện nay, là những người đàn ông đang bị vu khống. Ogawa và nhiều người khác khi viết về tấn công tình dục kể rằng những chỉ trích trên mạng mà họ gặp đến từ những người đàn ông, những người nói rằng đó là vu khống.

“Nếu chúng tôi nói về tấn công tình dục, đặc biệt là các vấn đề về sàm sỡ, mối bận tâm lớn nhất lại chuyển hướng sang nghi vấn vu khống,” Ogawa kể.

“Truyền thông luôn đổ lỗi lên nạn nhân,” Goto – một nhà hoạt động nữ quyền, giáo sư về luật hình sự ở Đại học Chiba và đồng thời là phó chủ tịch của Tổ chức Phi Chính Phủ Nhân Quyền ở Nhật Bản – giải thích. Goto cũng chỉ ra rằng truyền thông chính thống cũng như mạng xã hội ở Nhật luôn bị thống trị bởi đàn ông.

“Truyền thông luôn tập trung một cách quá mức về chủ đề vu khống,” Ogawa kể, cô tin rằng việc vu khống cũng như tố cáo sai là vô cùng hiếm khi so sánh với số lượng vụ việc thực sự xảy ra.

Tamaka Ogawa cho rằng truyền thông đã thổi phồng câu chuyện vu khống

Cô kể lại câu chuyện Koji Yataba, nơi mà tòa án quận đã kết tội một người đàn ông khi ông ta ép cô gái trẻ phải chạm vào dương vật mình vào năm 2000. Yatabe, người đã đệ đơn kháng cáo và cuối cùng được tòa án tối cao tuyên bố vô tội, sau đó cùng với vợ mình đã viết một quyển sách về vụ này. Quyển sách đã được dựng thành phim với tựa đề “Tôi không làm điều đó”.

Ogawa tin rằng truyền thông đã viết quá nhiều về sự việc theo góc nhìn của Yatabe, thổi phồng nỗi sợ về việc vụ khống và đánh lạc hướng về vấn đề tấn công tình dục. Tệ hơn nữa, cô nói, nó khiến nạn nhân không còn muốn “nói về sự việc bị “sàm sỡ” và đó là một vấn đề.”

Việc thiếu vắng câu chuyện từ góc nhìn của nạn nhân là lý do mà Aiko Tabusa, một họa sĩ manga, bắt đầu viết blog về vấn nạn này từ năm 2011. “Khi nhắc đến tấn công tình dục, người ta chỉ nghĩ tới phim người lớn hoặc là những câu chuyện trêu đùa,” họa sĩ 38 tuổi giải thích.

Cô ấy hiện nay đang vẽ chuyện về vấn đề tấn công tình dục trên tàu, một ý tưởng mà cô đã nêu ra sáu năm trước với ba nhà xuất bản sách khác nhau và đều bị cả ba từ chối.

“Họ nghĩ rằng, ‘Ai mà sẽ đọc những thứ đó chứ? Không ai có nhu cầu đó cả’,” Tabusa kể lại. “Đối với tôi, sàm sỡ là câu chuyện thường ngày.”

Sự gia trưởng

Nhiều phụ nữ Nhật kể rằng họ không còn bị sàm sỡ khi tốt nghiệp trung học và không còn mặc đồng phục đi ra ngoài.

“Chuyện đó không còn xảy ra kể từ khi tôi không còn mặc đồng phục,” Kotomi Araki, 20 tuổi, một học sinh chuyên ngành kinh tế học đang đi làm bồi bàn ngoài giờ, chia sẻ. Cô nói rằng cô liên tục bị sàm sỡ trên các chuyến tàu đông đúc suốt những năm đi học.

Khi được hỏi về việc mọi người nhìn nhận về nữ sinh như thế nào, Araki và nhiều người khác nhắc đến “Lolita”.

Theo Goto, quan niệm này được vay mượn từ tiểu thuyết gia người Mỹ gốc Nga Vladimir Nabokov, nhưng ở Nhật thì từ này thường được hiểu là đang nói về một cô gái trẻ với hình ảnh ngoan hiền, chịu nghe lời, và quan niệm này càng được củng cố thông qua truyện manga.

“Xã hội Nhật Bản rất coi trọng tính gia trưởng,” Goto nói, giải thích rằng quan niệm này có nguồn gốc từ Nho Giáo bên Trung Quốc và trở nên cực kì phổ biến sau khi thời kì Minh Trị kết thúc năm 1912. “Có một niềm tin vững chắc rằng đàn ông lúc nào cũng trên phụ nữ.”

Xã hội Nhật Bản cận đại thì ít đặt nặng tính gia trưởng hơn, theo Emiko Ochiai, một nhà xã hội học và sử học tại Đại học Kyoto. “Trong thời kì cổ đại, Nhật Bản có nữ vương, nhưng điều đó càng lúc càng trở nên hiếm hơn ở thời kì sau này. Vào thời kì trung cổ, đất nước cũng có những nữ chiến binh và nữ tướng,” Ochiai kể.

“Nho Giáo ảnh hưởng đến sự đi xuống của địa vị của người phụ nữ ở Nhật,” bà nói. Quan niệm đó được lan rộng thông qua các câu chuyện và những phim tình cảm và càng được “củng cố hơn trong quá trình hiện đại hóa dưới tác động của phương Tây.”

Hiện nay, “Là một người phụ nữ tức là bị nhốt trong một tòa lâu đài trong xã hội này,” Ochiai nói. “Bạn không thể thoát ra khỏi được số phận đó. Chỉ khi nào bạn thực sự được giáo dục tốt và thành công trong kinh doanh thì bạn mới có thể được đối xử ngang với đàn ông.”

Nhưng kể từ các hoạt động vì phụ nữ từ những năm 1970 và đến gần đây nhất là kế hoạch tăng số lượng phụ nữ tham gia vào thị trường lao động của Thủ Tướng Shinzo Abe, sức mạnh của đàn ông đang bị thách thức, Goto kể.

“Một lý do họ thích sàm sỡ là để thị uy sức mạnh của mình cho phụ nữ và các cô gái trẻ thấy,” Goto nói. Cô tin rằng những kẻ sàm sỡ cố ý nhắm đến những cô nữ sinh trông yếu đuối. Cô lo rằng khi những nữ sinh này bắt đầu cất tiếng nói thì những kẻ đó sẽ nhắm đến các đối tượng nhỏ tuổi hơn nữa.

Ogawa nói rằng nhiều người tin là đàn ông thích nhắm đến nữ sinh là vì bọn họ là những kẻ ấu dâm. “Tôi nghĩ điều đó cũng đúng,” cô nói. Nhưng cô cũng tin rằng: “Mọi người thích nhắm đến con nít và con gái bởi vì họ còn “nguyên vẹn” và chưa từng bị “chinh phục”.”

Nhà xã hội học Kazue Muta đồng ý với góc nhìn này. Một vài người chỉ thích nữ sinh bởi vì những cô gái “là đại diện cho hình ảnh những người trong sáng và tinh khôi, những người mà sự gia trưởng cấm họ được quan hệ tình dục”, Muta, một giáo sư xã hội học và giới tính tại Đại học Osaka gửi qua email.

“Tuy nhiên có những kẻ tấn công không phải luôn vì nhu cầu tình dục, mà vì họ bị thôi thúc bởi ham muốn kiểm soát và lấn át con mồi. Cô ấy càng xấu hổ, càng lo lắng, rối loạn, họ càng cảm thấy thích thú, bởi vì điều đó là họ đang kiểm soát và lấn át con mồi. Trong khi những nữ sinh thì còn trẻ và thường rất ngoan hiền khi gặp người đàn ông lớn tuổi.” Muta nói thêm.

Những rào cản vô hình

Đối với những người phụ nữ lớn tuổi từng bị tấn công tình dục, cất lên tiếng nói là điều khó khăn.

Năm ngoái, bộ Lao động Nhật Bản đưa ra kết quả của một cuộc nghiên cứu, và chỉ ra rằng một phần ba trong 10,000 phụ nữ độ tuổi 25 đến 44 khi được phỏng vấn đã nói rằng họ bị quấy rối tình dục nơi công sở, với vấn nạn sờ soạng là phổ biến nhất. Ít hơn 40 phần trăm số đó đưa ra hành động phản kháng.

Một người phụ nữ 52 tuổi giấu tên mình và tên công ty, giải thích rằng gần đây cô bị tấn công tình dục bởi một kẻ cô không thấy rõ mặt, ở một nơi làm việc ở Tokyo. Khi cô báo cáo sự việc lên cho cấp trên, cô nói họ cảm thông cho cô nhưng ngăn không cho cô đến báo cảnh sát, bảo rằng cô hãy nghĩ đến danh dự công ty và nỗi đau mà cô sẽ phải chịu đựng sau đó. Cô có cảm giác là họ chỉ không muốn công ty gặp rắc rối.

Nhưng cô cũng không muốn đến gặp cảnh sát và không muốn ai biết. “Tôi không thể nói về vấn đề này với ai,” cô kể.

“Nó là một nỗi xấu hổ,” cô nói thêm. “Tôi chỉ nghĩ rằng giá mà mình có thể quên đi và sống một cuộc sống bình thường.”

Cất lên tiếng nói

Tabusa, họa sĩ manga, cảm thấy nhẹ nhõm khi vấn đề này càng lúc càng thu hút được sự chú ý, nhưng cô nói rằng, “Tôi không nghĩ chỉ bàn luận thôi là đủ.”

Tờ rơi hướng dẫn cách tự bảo vệ mình dành cho nữ sinh, được phát hành bởi Trung Tâm Phòng Chống Hoạt Động Tấn Công Tình Dục tại Osaka

Vấn đề cần phải được đánh giá dưới góc nhìn nghiêm túc và nhiều người cần phải nhận ra rằng “nạn nhân của sự sàm sỡ thường là trẻ em”, cô nói.

Phụ nữ cũng thường coi nhẹ vấn đề, cô nói. “Mọi người hay nghĩ đó là chuyện xảy ra hằng ngày, và họ cười khi nhắc đến chúng.”

Xã hội hay gộp sàm sỡ với ham muốn. “Tôi cảm giác là mọi người hay nghĩ theo kiểu: nếu bạn là một phụ nữ lớn tuổi, việc được đàn ông nhìn bạn một cách thèm thuồng hay là muốn sàm sỡ bạn là một vinh hạnh” – Tabusa cho biết.

Khi nói về sàm sỡ và tấn công tình dục, Ogawa và Tabusa tin rằng quan niệm cũ chỉ thay đổi nếu càng có nhiều nạn nhân cất lên tiếng nói.

“Đầu tiên, phụ nữ phải nói về sự việc đã xảy ra và nói lên cho người khác nghe,” Ogawa nói. Những xã hội luôn cố gắng chặn các nỗ lực của họ.

“Lý do họ không nói được gì là vì họ xấu hổ, và đôi lúc, nếu họ kể về điều đó, một vài người nghĩ là họ đang khoe khoang: Tôi mới bị sàm sỡ này.”

Họ sẽ bị công kích rằng đó là lỗi của họ, họ sẽ bị kết tội là đang cố gắng tìm sự cảm thông, và cuối cùng, đành im lặng sau khi nghe những lời khuyên theo kiểu: “Ai mà chẳng bị thế.”

Theo Kenh14.vn

Toa tàu dành riêng cho phụ nữ ở Nhật Bản
Bí mật tình dục của phụ nữ Nhật

 

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: