Góc tối phía sau những bộ đồng phục học sinh ở Nhật Bản
Các cuộc hẹn hò tuổi teen có thể không xa lạ ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng tại Nhật Bản, nó lại mang ý nghĩa khác. Ở đây, nữ sinh mặc đồng phục có thể gặp gỡ những gã đàn ông 40-50 tuổi để kiếm tiền.
Airi, 18 tuổi, không phải học sinh trung học, nhưng vẫn mặc đồng phục trong quán cà phê ở Tokyo, vì nó khiến cô thu hút khách hàng hơn so với những quần áo thông thường.
Ảnh: Washington Post
Airi, 18 tuổi, không phải học sinh trung học, nhưng vẫn mặc đồng phục trong quán cà phê ở Tokyo, vì nó khiến cô thu hút khách hàng hơn so với những quần áo thông thường.
“Nói chuyện với những cô gái này rất dễ”, một người đàn ông chừng 30 tuổi đang ngồi trong quán cà phê AKB High School ở Akihabara, cho biết.
Không lâu sau đó, cô bé 17 tuổi vẫn còn mặc đồng phục trung học mang bia tới và trò chuyện cùng người này và bạn của anh ta.
“Chúng tôi thấy những quán bar bình thường giờ chẳng còn thú vị nữa. Tôi ngán đi tới đó và gặp những cô đã quá tuổi rồi”, người đàn ông giải thích lý do tìm đến quán cà phê này và thừa nhận đồng phục học sinh thực sự có sức hút lớn. Trong khi đó, người bạn tầm 40 tuổi của anh này nhận xét đồng phục nữ sinh khiến các cô bé trông đáng yêu hơn 1,5 lần.
Cấp độ hẹn hò
Ngàng kinh doanh JK, viết tắt của từ “Joshi Kosei (nữ sinh trung học) khá phổ biến vài năm gần đây. Những quán cà phê kiểu này thường đóng cửa từ 10h tối và thuê nhân viên là bé gái tuổi vị thành niên. Có nhiều cấp độ hẹn hò khác nhau, từ ngồi sau tấm gương và tạo dáng theo yêu cầu của khách, đến đi dạo và uống bia trong quán bar, mát xa và quan hệ tình dục, theo Washington Post.
Trong báo cáo mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ lo ngại về vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em tại Nhật Bản và cho rằng hình thức hẹn hò trả tiền này đang tạo điều kiện cho nạn buôn bán trẻ em. Tuổi trưởng thành ở Nhật Bản được quy định là 13, trong khi ở hầu hết những nơi khác là 18.
Một số biện pháp đã được đưa ra trong vài năm gần đây, song dường như không hiệu quả, khi rất ít người dân Nhật Bản coi đây là vấn đề. Nhiếp ảnh gia Yuki Aoyama đơn thuần coi đây là một hình thức kinh doanh.
“Những gã đàn ông muốn dành thời gian bên các cô nữ sinh trung học. Còn các cô gái thì muốn kiếm tiền”, anh nói.
Jun Tachibana (phải) và đồng nghiệp Natsuko Takeshita đi quanh khu vực Shibuya để tìm kiếm các bé gái cần trợ giúp. Ảnh: Washington Post
Jun Tachibana, thành viên dự án phi lợi nhuận Bond, muốn ngăn chặn dịch vụ trá hình này và giải cứu những bé gái trước cám dỗ. Cô cùng hai đồng nghiệp từng đi trên khu phố đông đúc về đêm ở Shibuya, nơi nguy hiểm có thể ẩn nấp sau những ánh đèn neon nhấp nháy và khách sạn giá rẻ.
“Xin chào”, Tachibana tiếp cận một cô gái đang đứng ở gần lối ra nhà ga Shibuya. Em đeo hai chiếc túi và mang vẻ mặt như không muốn về nhà đêm đó. Tachibana nhận ra đây là cô bé 17 tuổi cô từng nhìn thấy trước đây.
“Tại sao em không về nhà? Tôi sẽ tiễn em ra nhà ga”, Tachibana nói nhưng cô bé từ chối.
“Có nhiều trường hợp éo le. Các em có thể xuất thân từ gia đình khó khăn, hoặc từng bị lạm dụng tình dục. Một số em cảm thấy cô đơn đến mức muốn biến mất hoặc chết đi. Các em thường không có nơi nào để đi, nên tìm đến JK”, Tachibana cho biết.
Đêm đó, Tachibana đã thuyết phục thành công nữ sinh về nhà. Nhưng vẫn còn nhiều trường hợp khác cô không thể tiếp cận, khi nhu cầu hẹn hò trả tiền vẫn còn.
“Giữa hai cô bé 16 tuổi, một đang đi học và một không đi học, khách hàng chắc chắn sẽ chọn cô đầu tiên”, bởi họ cảm nhận được sự “gợi tình” từ những bộ đồng phục học sinh Taka, quản lý một quán cà phê JK, giải thích.
Quán của Taka có dịch vụ “nhìn trộm”. Tại đây, các cô gái 15-17 tuổi mặc đồng phục váy ngắn và có thể nhìn thấy đồ lót bên trong. Khách hàng nam phải trả 60 USD cho 30 phút ngắm.
Người đàn ông đi qua một tấm biển quảng cáo ở Akihabara. Ảnh: Washington Post
Nỗi cô đơn
Theo Washington Post, các cô gái khẳng định mình tự nguyện làm công việc này. Còn Taka cho biết khi thông báo tuyển người dưới 18 tuổi, họ bị ngập trong hồ sơ đăng ký.
Mio (tên giả), 17 tuổi, học sinh trung học ở Tokyo, bắt đầu “hành nghề” từ năm ngoái và từng quan hệ tình dục với một người đàn ông trong phòng karaoke để nhận 30 USD.
“Đêm đó, khi ở nhà, cháu cảm thấy cô đơn và muốn cảm giác ai đó cần mình. Đó là lý do cháu làm việc đó”, Mio kể lại.
Vào cuối tuần, Mio thường cập nhật thông tin trên ứng dụng tin nhắn. Cô có thể gặp khách hàng là sinh viên đại học, nhưng có khi là cả những gã đàn ông 50 tuổi. Mio nói khách hàng nói chung đối xử tốt với mình. Trong lúc hẹn hò, có người từng nói sẽ dừng lại nếu Mio nói không.
Mio tâm sự rằng cuộc sống gia đình em không hạnh phúc. Khi làm công việc này, Mio có cảm giác như có người cần mình và không còn cô đơn. “Cháu ước mình có thể dừng lại. Cháu có thể dừng lại khi không còn cảm thấy cô đơn nữa”.
Nhiều nhà hoạt động cho rằng hình thức hẹn hò trá hình này không khác gì mại dâm trê em. Tuy nhiên theo Muta, ngay cả khi “hẹn hò nữ sinh” được coi là điều bình thường, thì những bé gái vẫn bị đuổi học nếu như có thai. Nhiều người vẫn cho rằng vấn đề nằm ở các bé gái, không phải ở khách hàng. Khi bàn về việc này, giới chức thường đưa ra các phương án như áp đặt lệnh giới nghiêm với bé gái, thay vì trừng phạt những gã đàn ông mua dâm.
Các quy định đã được thắt chặt trong những năm gần đây. Năm 2014, nữ sinh bị cấm làm việc trong quán cà phê hẹn hò, nhưng nhiều em vẫn làm chui.
Nguồn: vietnammoi.vn