Lễ Thành Nhân 1/2 ở Nhật Bản – Tôi của 10 năm sau sẽ thay đổi như thế nào ?
Ở Nhật, vào năm 20 tuổi, các thanh niên sẽ được địa phương nơi mình sống tổ chức lễ Thành Nhân hay còn gọi là lễ Trưởng Thành(成人式 – Seijin Shiki). Đây vừa là buổi lễ chúc mừng, đánh dấu sự trưởng thành vừa là cột mốc giúp các thanh niên nhìn lại 20 năm cuộc đời của mình.
Bên cạnh đó, khoảng vài năm trước rộ lên việc tổ chức lễ Trưởng Thành cho trẻ em khi đến 10 tuổi tính theo cấp học ở Nhật là học sinh lớp 4 cũng trở nên phổ biến. Vì 10 là một nửa của 20 nên người Nhật gọi đây là Lễ Thành Nhân ½ (2 分の1成人式 – Ni pun no ichi Seijin shiki hay ハフ成人式 – Hafu Seijin shiki ).
Ở một số vùng miền của Nhật Bản, từ 15 đến 20 năm trước sự kiện này đã được tổ chức. Nên nếu bạn hỏi người Nhật, sẽ có người thốt lên: “Ồ, tôi đã từng tham gia rồi đấy”. Nhưng cũng có người sẽ lắc đầu thắc mắc: “Đó là sự kiện gì vậy”.
Vậy mục đích của lễ Thành Nhân ½ này là gì?
Với ý nghĩa cảm ơn đấng sinh thành và nhìn lại 10 năm đầu tiên trong cuộc đời cũng như nghĩ về bản thân 10 năm sau, lễ Thành Nhân 1/2 đã được bắt đầu.
Cùng với những ý nghĩa đó, những hoạt động xung quanh ngày lễ này như viết thư gửi đến Tôi 10 năm sau, hay viết lời cảm ơn cha mẹ, người bảo hộ, thầy cô giáo… cũng được tổ chức.
Này hôm đó, các em sẽ đọc bức thư gửi đến bố mẹ trước cả lớp, tất nhiên sẽ có mặt của các bậc phụ huynh để lắng nghe lời cảm ơn của các con. Sau đó các em sẽ được nhận giấy chứng nhận đã trưởng thành một nửa gọi là 二分の一成人証明書 (Ni pun no ichi seijin shousho).
Các gia đình khá giả sẽ đưa con đến Studio, mặc Hakama và chụp cho con bức ảnh kỷ niệm một nửa đoạn đường trưởng thành.
Các em nhỏ được diện Hakama không khác gì lễ Thành Nhân bình thường
Theo một khảo sát về mức độ quan tâm của người bảo hộ có con đã từng tham gia lễ Thành nhân ½ cho thấy, trong 1200 câu trả lời, số câu trả lời “ Rất vui” “Khá hài lòng” chiếm đến 90 %. Các gia đình cho rằng sự kiện này không những kỷ niêm một bước trưởng thành của trẻ mà còn giúp “Tăng tình cảm gia đình” “Vợ chồng quay lại với nhau”…
Tuy vậy, cũng có rất nhiều ý kiến phản đối ngày lễ này. Bởi không phải đứa trẻ nào cũng lớn lên trong hạnh phúc, có đầy đủ bố mẹ. Có em phải sống với người bảo hộ không cùng máu mủ, có em có tuổi thơ bất hạnh đến nổi chẳng muốn nhở lại. Thử hỏi với những em bé ấy, là sự chúc mừng hay hành hạ, làm tổn thương. Vậy nên có một số trường học bỏ qua mục đích cảm ơn bố mẹ, chỉ giữ lại việc suy nghĩ cho tương lai 10 năm sau, nhằm tạo ra một ngày hội có ích cho trẻ.
Còn bạn, bạn nghĩ sao về việc tổ chức môt ngày lễ như thế này cho trẻ em 10 tuổi ở Việt Nam? Cũng khá hay ho và bổ ích cho các em đấy chứ!
Chee