Câu chuyện về những cuộn Ehomaki bị “thất sủng” và bài học lãng phí
Có rất nhiều bài học về đức tính tiết kiệm của người Nhật. Họ tiết kiệm thời gian bằng cách luôn có mặt đúng giờ tại các sự kiện. Họ phân loại và tái chế rác thải để tiết kiệm tài nguyên. Họ chắt góp từng đồng tiết kiệm và hiếm khi tiêu xài hoang phí,…
Thế nhưng có một thứ mà người Nhật không tiết kiệm, nói đúng hơn là cực kì lãng phí, đó là thức ăn.
Nhật Bản là một trong những quốc gia bỏ thức ăn thừa nhiều nhất thế giới. Trái ngược với thực tế rằng hằng năm họ phải nhập khẩu 60% thực phẩm từ nước ngoài và có hơn 750.000 người Nhật thiếu đói.
Có rất nhiều lý do cho sự lãng phí thức ăn ở Nhật. Một trong số đó là để đảm bảo chất lượng thức ăn. Ở Nhật, không có chuyện thức ăn có thời hạn trong ngày lại được “tái sử dụng” vào ngày hôm sau.
Đương nhiên đó cũng là một phần câu chuyện. Nhưng vẫn còn một lý do khác, là do sự lạm dụng của các cửa hàng tiện lợi với các mặt hàng được yêu thích theo mùa.
Sau đây là một ví dụ điển hình cho tình trạng trên.
Bạn có biết về tục lệ ăn Ehomaki trong ngày lễ Setsubun?
Ehomaki là một cuộn Sushi rong biển cỡ lớn . Để ăn Ehomaki đúng cách, bạn phải hướng người về “Eho” – phương hướng may mắn của năm. Điểm đáng chú ý là bạn phải vừa ăn vừa giữ im lặng để may mắn không thoát ra ngoài từ đường miệng.
Nguồn gốc của tục lệ này bắt nguồn từ vùng đô thị thuộc Osaka vào cuối thời Edo. Mọi người thực hiện tập tục này với mong ước cầu được bán đắt, sức khỏe dồi dào và mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình được thuận hòa.
Sau Thế chiến thứ 2, tục lệ ăn Ehomaki gần như đã biến mất. Thế nhưng từ năm 1977, những cuộn Ehosushi đã được đưa trở lại thị trường nhờ sự xúc tiến của một công ty sản xuất rong biển. Không chỉ ở Osaka, Ehomaki còn rất phổ biến từ khu vực Kyushu cho đến Nigata. Với sự giúp đỡ của chuỗi cửa hàng Seven Eleven, tục ăn Ehomaki nhanh chóng trở thành một tục lệ quốc gia.
Không chỉ là một nét đặc sắc văn hóa, Ehomaki còn được rất nhiều bà nội trợ Nhật Bản ưa chuộng vì sự tiện lợi. Thế nhưng trong năm 2016 đến nay, đã có rất nhiều bình luận phản đối Ehomaki trên mạng xã hội.
Nguyên nhân xuất phát từ chính những chuỗi cửa hàng tiện lợi đã góp phần đưa Ehomaki trở nên phổ biến hơn.
Chính vì không thể kiểm soát được lượng tiêu thụ Ehomaki vào lễ Setsubun, những cửa hàng này phải đối diện với vấn đề hàng tồn sau lễ.
Vì đây là món ăn chỉ được sử dụng vào ngày lễ Setsubun, sau lễ, chẳng ai có nhu cầu mua nữa. Do đó những cuộn Ehomaki chất đống trên kệ bán là chuyện thường gặp ở các cửa hàng tiện lợi sau lễ.
Như các bạn biết, Ehomaki cũng là một dạng cơm do đó không thể bảo quản trong thời gian dài. Chính vì thế, để xử lí số lượng hàng tồn khổng lồ này, không còn cách nào khác là… vứt đi.
Những cuộn Ehomaki bị vứt vào thùng rác không thương tiếc
Một cửa hàng tiết lộ họ đã lỗ khoảng 260.000 yên cho những cuộn Ehomaki thừa. Tại một số cửa hàng, nhân viên bị bắt mua hàng tồn để giảm bớt thiệt hại. Mỗi nhân viên phải mua ít nhất 8 cuộn, có nơi 20 cuộn.
Nhật Bản nổi tiếng là một quốc gia tiết kiệm, thế nhưng bên cạnh đó có một số mặt hàng vẫn bị lãng phí như thức ăn, waribashi,…Đã có những biện pháp hạn chế lãng phí thức ăn ở Nhật như tái chế thức ăn thừa, chủ yếu để làm phân bón hoặc thức ăn cho gia súc.
Bên cạnh đó, các cửa hàng tiện lợi cũng từ chối hạ thấp giá thành sản phẩm để bán hết hàng tồn, lý do đưa ra là vì nếu làm như thế, khách hàng sẽ nghĩ cửa hàng bán thức ăn kém chất lượng.
Theo bạn, đâu là biện pháp triệt để cho vấn đề lãng phí thức ăn tại Nhật? Chúng ta có thể học được những gì từ sự lãng phí này của người Nhật?
Sachiko
Không lãng phí bút chì theo kiểu Nhật