“Những bông hoa công sở” và mặt tối của nữ nhân viên văn phòng Nhật Bản

Shokuba no hana là khái niệm được sử dụng để mô tả những phụ nữ trẻ tuổi đi làm các công việc đun nước, pha trà, chờ ngày lấy chồng và rồi nghỉ hưu sớm ở Nhật Bản.

(Ảnh minh hoạ)

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, nữ giới nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong các công ty, tổ chức lớn. Ngày nay, khi mà người ta trọng dụng kĩ năng, khả năng hơn, phụ nữ ngày một toả sáng hơn nhờ vào những khả năng của mình. Mặc dù vậy, ở một số quốc gia, đơn cử như Nhật Bản, phụ nữ vẫn đang chật vật trong công việc khi mà họ được khuyến khích ở nhà chăm con, lo chuyện gia đình.

Trong những năm gần đây chính phủ Nhật đang nỗ lực hết mình để mang lại sự bình đẳng giới trong công việc. Mặc dù vậy, nhiều công ty tại Nhật không chịu tuân thủ điều này, định kiến trong họ cũng như những nam đồng nghiệp vẫn là rào cản lớn với rất nhiều phụ nữ Nhật muốn thăng tiến trong công việc.

Những cô nàng váy hồng

Già hoá nhanh chóng, tỷ lệ sinh con ngày một giảm, lực lượng lao động tại Nhật Bản đang đứng trước nguy cơ thiết hụt. Mặc dù là một quốc gia có nền kinh tế mạnh, công nghệ phát triển nhưng tỷ lệ nữ giới trong các công ty, tập đoàn tại Nhật được xếp vào hạng thấp trên thế giới.

Đây là khi những cô nàng váy hồng xuất hiện, như một chú cừu lạc vào giữa bầy sói, một cô nàng trẻ tuổi giữa hàng trăm nam đồng nghiệp. Với tên gọi “shokuba no hana”, họ được tuyển vào các công ty tập đoàn sau khi tốt nghiệp cấp 3 hoặc những người cao đẳng. Nhiệm vụ chính của họ không phải là hoàn thành các công việc, chạy chỉ tiêu, họ chỉ cần xinh đẹp, làm những công việc đơn giản như pha trà, in ấn.

Tại Nhật Bản, các cô nàng váy hồng có mục tiêu chính là mang sức trẻ tới các công ty, làm những gì được bảo, tìm một tấm chồng công sở và rồi nghỉ hưu non trước tuổi 30.

Một khi lấy chồng, lập gia đình và có con, các công ty khuyến khích họ bỏ việc, ở nhà chăm sóc gia đình, con cái. Trong khi đó việc lo tài chính sẽ đổ dồn lên người chồng, những người có cơ hội thăng tiến chốn công sở.

Sau Thế chiến II, lượng nữ giới đi làm kiếm chồng tại Nhật tăng nhanh đột biến, mục tiêu chính của họ không phải là xây dựng sự nghiệp hay kiếm tiền, chính vì thế chính phủ Nhật lúc bấy giờ đã phải mở rộng điều kiện cho những bông hoa này có được cơ hội bình đẳng hơn trong công việc.

Chính vì bất bình đẳng giới mà phụ nữ tại Nhật không mấy được trọng dụng cho dù họ có khả năng và kiến thức. Những khái niệm như ochakumi (người đun nước, pha trà), kopii-tori (đi photocopy), deita nuyryoku (nhập dữ liệu) hay thậm tệ nhất là koshikake (người làm ấm ghế) được sử dụng cho phụ nữ khi đi làm tại Nhật Bản.

Đàn ông Nhật có thể tự hào nói với người khác rằng “tôi là một người làm công ăn lương”, thế nhưng nếu phụ nữ nói điều này, họ sẽ trở nên khá kì cục với một số người Nhật do họ vẫn quan niệm phụ nữ nên ở nhà chăm lo gia đình.

Shokuba no hana

Ngày làm việc của những bông hoa công sở bắt đầu như bất kì nam đồng nghiệp nào khác. Chỉ có điều thay vì tài liệu, máy tính hay sổ sách, trên bàn của những shokuba no hana là đồ dùng cá nhân, đồ trang điểm. Tại một số văn phòng, khu vực vệ sinh nữ còn có riêng những ngăn để đồ trang điểm, gương cùng đèn để những bông hoa công sở làm đẹp.

Vì sao ư? Việc của họ chỉ là đun nước, pha trà cũng như làm đẹp văn phòng trong khi những nam đồng nghiệp làm việc. Họ được giao quá ít công việc mỗi ngày, khác hoàn toàn với nam giới. Tất nhiên, nó cũng phụ thuộc nhiều vào nơi họ làm việc, ở một số công ty, những shokuba no hana phải làm việc bình thường nhưng họ được trả với mức lương rất rẻ mạt mà người Nhật hay gọi là teichingin jyurodo (làm vất vả nhưng lương trả bèo bọt).

Sau 3 năm bám rễ tại văn phòng, nếu vẫn chưa lấy được chồng để nghỉ việc, họ sẽ bị gọi là furukabu (rễ cây già) và sẽ liên tục bị hành hạ với những câu hỏi như “bao giờ mới định lấy chồng?”, “chưa nghỉ việc à?”… Một bông hoa văn phòng sẽ được coi là thành công nếu cô ta lấy được chồng và nghỉ việc trước 30 tuổi (30 là độ tuổi muộn nhất với một shokuba no hana).

Khi lấy được chồng, những shokuba no hana sẽ được tổ chức một lễ ăn mừng rất lớn với tên gọi kotobuki taisha (lễ mừng nghỉ việc) và rồi từ đó về sau họ sẽ không còn xuất hiện trên văn phòng nữa. Kể cả khi thiếu tiền, công ty cũng khuyến khích họ nên ở nhà chăm lo cho gia đình chứ đừng nên đi làm.

Cam chịu và ngược đãi chốn công sở

Đối với những shokuba no hana, họ cam chịu tới một cách khó tin. Mặc cho mức lương thấp cùng những quấy rối chốn công sở. Nếu một ngày đi làm họ quên không trang điểm hay không đẹp đẽ, họ sẽ bị chê ra mặt. Nếu có lỡ lời phàn nàn về công việc hay sếp, họ sẽ nhận thêm nhiều giờ làm thêm, không được xin nghỉ cũng như hàng chục khó khăn khác.

Đảm nhận những công việc đơn giản và đi làm khi vừa tốt nghiệp cấp 3 nên shokuba no hana không mấy được tôn trọng ở chốn văn phòng (ảnh minh hoạ).

Giả sử nếu có bầu nhưng vẫn cố đi làm, shokuba no hana sẽ chịu rất nhiều áp lực từ sếp cũng như đồng nghiệp để phải nghỉ việc. Nếu hé răng tiết lộ những áp lực này ra ngoài, những người phụ nữ này có thể bị cho nghỉ việc ngay lập tức.

Tương lai của những phụ nữ văn phòng

Đàn ông Nhật sau những năm 1980 ít muốn lấy vợ, lập gia đình hay có con hơn. Sự bất bình đẳng giới vẫn tồn tại thế nhưng cơ hội cho phụ nữ ngày một nhiều hơn nếu họ quyết tâm. Phụ nữ Nhật giờ đây học đại học nhiều hơn, họ lo cho tương lai của chính bản thân mình và quyết tâm hoãn hôn nhân để xây dựng sự nghiệp.

Thủ tướng Nhật ông Shinzo Abe hứa sẽ tăng tỷ lệ phụ nữ trong chính phủ lên 30% vào năm 2020 và sẽ thiết lập những quy định mới giúp phụ nữ có con, gia đình hoà nhập tốt hơn với môi trường công sở.

PV

Theo Trí Thức Trẻ/Japantimes, The Richest, Wiki, NYTimes

Nhân viên văn phòng Nhật đi làm bằng xe đạp?

Chiến dịch chống biến thái trên xe điện của nữ sinh Nhật Bản: “Tôi không cam chịu đâu!”

Chân dung cô gái 9X hút hồn hàng triệu đàn ông Nhật

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: