Sự thật đằng sau những thương hiệu vẫn thường bị nhầm tưởng là của Nhật
Ngày nay có rất nhiều thương hiệu của Nhật du nhập vào Việt Nam. Người Việt đến đó mong được hưởng thụ chất lượng “Made in Japan” đích thực, thế nhưng khi tra vào nguồn gốc, sự thật lại không đúng như những gì ta đã nghĩ.
Có rất nhiều người, không chỉ người Việt mà người Nhật cũng bị lầm tưởng về những thương hiệu rất nổi tiếng mà họ sử dụng hằng ngày nhưng chưa thật sự hiểu rõ về gốc gác của chúng.
Lotte
Bạn đang tự hỏi tại sao lại nhắc đến Lotte ở đây? Lotte chắc chắn là thương hiệu của Hàn Quốc mà.
Có lẽ đa phần người Việt Nam đều có chung suy nghĩ với bạn, vì những chuỗi cửa hàng của Lotteria được trang trí theo phong cách Hàn Quốc. Tuy nhiên, bạn có biết rằng, rất nhiều người Nhật nghĩ rằng Lotte chính là thương hiệu “Made in Japan” đích thực. Vậy sự thật ở đây là gì?
Thật ra Lotte chính là thương hiệu kết hợp giữa Nhật và Hàn, có trụ sở ở cả hai nước này. Người sáng lập Lotte là một người Hàn tên là Shin Kyuk Ho, bị hút theo phòng trào “Giấc mơ Nhật” thời bấy giờ đã lên đường sang Nhật lập nghiệp. Sau đó người này đổi tên thành Shigemitsu Takeo, và thành lập Lotte lần đầu tiên tại Tokyo vào tháng 6 năm 1948.
Đến năm 1966, ở Hàn Quốc mới xuất hiện Lotte. Đó cũng chính là lý do, thời kỳ đầu, Lotte ở Hàn không được thành công vì người Hàn xem Shin như kẻ phản bội tổ quốc. Đến khi các chuỗi cửa hàng Lotte ở Hàn nổi lên lấn át cả trụ sở ở Nhật, đến lượt người Nhật chỉ trích Shin rút hết vốn liếng xây dựng ở Nhật về Hàn.
Tuy nhiên đến bây giờ Lotte đã trở thành thương hiệu nổi tiếng ở cả hai quốc gia và lan sang các quốc gia khác, hoạt động theo kiểu công ty cổ phẩn, có trụ sở ở cả Hàn và Nhật. Mỗi bên có một đại diện riêng, là hai người con của Shin Kyuk Ho. Những tranh cãi không từ đó mà chấm dứt, người Nhật tranh Lotte của Nhật, người Hàn bảo Lotte của Hàn.
Thế nhưng chủ đầu tư của Lotte ở Việt Nam là Lotte Hàn Quốc do đó hầu hết các nhân viên cấp cao của tập đoàn Lotte ở Việt Nam là người Hàn Quốc.
Line
Nhắc đến Line, chắc các bạn sẽ nghĩ ngay đến Nhật Bản. Đây là Apps nhắn tin được sử dụng phổ biến nhất tại Nhật. Các quảng cáo xuất hiện trên Apps Line đều là tiếng Nhật.
Thế nhưng câu chuyện về sự hình thành của Line có thể sẽ khiến bạn suy nghĩ lại.
Ban đầu, Line có tên là Hagame Japan, là công ty con của Tập đoàn Naver- vốn thuộc về Hàn Quốc, kinh doanh liên quan đến apps điện thoại và dịch vụ Internet. Vào năm 2003, đổi tên thành Công ty cổ phần NHN Japan. Năm 2011, ra mắt Apps Line do 15 kỹ sư cùng phát triển dưới ý tưởng của Lee Hae Jin- trưởng phòng chiến lược của NHN Japan.
Mục đích Line được lập ra nhằm giúp những nạn nhân của trận động đất ở vùng Tohoku Nhật Bản liên lạc với người thân và bạn bè, trong tình trạng mạng điện thoại và các thiết bị viễn thông gần như bị phá hủy toàn bộ.
Nhưng sau đó sự thành công của Line vượt quá mức mong đợi khi đạt hơn 50 triệu lượt đăng ký chỉ trong vòng một năm.
Tuy sự thật Line được phát triển trên đất Nhật, bắt nguồn từ nhu cầu của người dân Nhật Bản, nhưng đó vẫn là sản phẩm của công ty con, với công ty mẹ có trụ sở Hàn Quốc, chiếm phần lớn cổ phần.
SoftBank
CEO của SoftBank– 1 trong 3 ông trùm mạng điện thoại tại Nhật, bên cạnh Docomo và KDDI đã từng bị dân Nhật phân biệt đối xử vì có gốc Hàn Quốc.
Mặc dù sinh ra ở Nhật từ năm 1957, có quốc tịch Nhật nhưng Masayoshin Son thực ra là người Hàn Quốc. Bố mẹ Masayoshin Son sang định cư ở một vùng phía Nam nước Nhật. Cùng với bộ phận người Hàn Quốc sống ở đây, gia đình Masayoshin Son luôn bị coi là một dân tộc thiểu số Nhật.
Super dry
Là nhãn hiệu thời trang sử dụng ký tự ngôn ngữ Nhật Bản trong tên thương hiệu nhưng đại đa số người Nhật đều không biết.
Trong thương hiệu Super dry có dòng chữ Kanji và Hiragana đi kèm
(極度乾燥(しなさい)
Superdry
Thế nhưng…
Đây lại là một thương hiệu thời trang của Anh. Dòng chữ (極度乾燥(しなさい)có nghĩa đen là “Hãy sấy thật khô”, là cụm từ hoàn toàn vô nghĩa trong tiếng Nhật. Thêm một sự thật buồn cười về thương hiệu này là dù chứa trên đó ký tự ngôn ngữ Nhật Bản, không có bất kì một cửa hàng nào của Superdry ở Nhật Bản. Bên cạnh đó tên thương hiệu trùng với thương hiệu Bia Asahi Superdry của Nhật.
Do đó nếu bạn nhắc Superdry với người Nhật, họ chỉ nghĩ đến Bia Asahi Superdry thôi !
Đến bây giờ, mục đích việc sử dụng tên thương hiệu này vẫn còn là một ẩn số.
Miniso
Chuỗi Miniso của Nhật Bản từng có nghi án là hàng đạo nhái dựa hơi của Trung Quốc. Một số người Nhật chia sẻ chưa từng nghe qua thương hiệu này dù chúng xuất hiện khá dày đặc tại Việt Nam trên danh nghĩa là một sản phẩm của người Nhật.
Thật ra Miniso là kết quả của sự hợp tác đồng sáng lập giữa Miyake Jyunya (ông chủ Miniso) cùng đối tác Trung Quốc. Miniso tại Nhật chỉ có 4 cửa hàng trong khi có đến 1000 cửa hàng tại Trung Quốc. Nhưng tại thời điểm Miniso vào Việt Nam, ở Nhật không có bất kì một cửa hàng nào của Miniso.
Tuy những doanh nhân này khẳng định về chất lượng hàng bán tại Miniso, cư dân mạng Nhật Bản lại cho rằng đây chỉ là một sản phẩm đạo nhái có đầu tư của Daiso mà thôi.
Sachiko
Nhà hàng chuyên đem nhầm món nhưng vẫn vừa lòng khách tới, vui lòng khách đi
Mẹo để không bị nhầm xe điện, xe buýt tại Nhật
Wagyu; Thương hiệu thịt bò đắt đỏ nhất thế giới xây dựng từ sự tỉ mỉ đến khó tin