Giao thông Việt Nam lộn xộn, bát nháo và không thể lý giải trong mắt người Nhật

Giao thông Việt Nam luôn là chủ đề bàn tán trên tất cả các phương tiện truyền thông. Những người nước ngoài lần đầu đến Việt Nam hẳn sẽ bàng hoàng về lượng xe lưu thông cùng ý thức tham gia của một số bộ phận người dân. Tôi đã nhiều lần nghe người Nhật bức xức về tình trạng giao thông “lộn xộn, bát nháo và không thể lý giải” ở Việt Nam.

1. Bấm còi inh ỏi

Tiếng còi xe có lẽ là “đặc sản” khiến người Nhật hãi hùng về giao thông Việt Nam nhất.

Chờ đèn đỏ cũng bóp còi

Xin rẽ cũng bóp

Đi ngược chiều mà vẫn bóp…

“Đèn đỏ chỉ còn 5 giây, người ở sau đã “kêu la” inh ỏi. Kiên nhẫn một chút thì có mất gì đâu”. Từ lời than thở của một người Nhật đã sống vài năm ở Việt Nam nhưng vẫn không tài nào chấp nhận.

Nếu bạn đã từng đặt chân đến Nhật, ấn tượng đầu tiên chắc chắn sẽ là sự yên ắng “đáng sợ” của đường xá Nhật. Bấm còi chỉ là hành động khi bạn hoặc đối phương đang rơi vào nguy hiểm và không thể nào làm khác.

Nếu đang yên lành, bạn bấm còi trên đường thì mọi người sẽ nhìn bạn với ánh mắt không mấy thân thiện đâu, hoặc có ý nghĩa là “Tao đang muốn gây sự đây! Nhào vô”.

2.Tạt đầu xe

Bạn đã bao giờ rơi vào trường hợp đang đi băng băng trên đường thì bỗng dưng, một xe khác cắt ngang đầu xe bạn và rẽ vào đường khác hay vỉa hè chưa? Những lúc như vậy chỉ muốn “chửi thề” thôi phải không nào?

Hành động đó không chỉ làm chính người bị tạt đầu xe nguy hiểm vì thắng gấp mà còn ảnh hưởng đến những người phía sau, nhất là khi lượng xe di chuyển dày.

Thông thường khi muốn rẽ, ở bất cứ đâu trên thế giới cũng vậy, bạn cần phải xin đường bằng Xi-nhan rồi từ từ rẽ nếu đã nhận được sự cho phép.

3. Không giao tiếp khi tham gia giao thông

Các bác tài trên thế giới đều có ngôn ngữ riêng. Sự giao tiếp trên xa lộ là điều rất cần thiết để giúp cho mình và cả người xung quanh được an toàn. Không thể nói trực tiếp thì dùng cơ thể, đèn pha hay Xi-nhan để truyền đạt.

Ở Nhật khi qua đường, người đi bộ sẽ cúi đầu cảm ơn những chiếc xe đã nhường đường cho mình.

Thậm chí, có cả một hệ thống ngôn ngữ bạn cần biết khi tham gia giao thông ở Nhật gọi là 運転マナー(Unten manaa)

  • Nháy đèn nguy hiểm sau xe (ハザードランプ) 1-2 lần → Nói cảm ơn xe phía sau đã nhường đường
  • Giơ tay lên vẫy→ Cho phép xe kia đi qua
  • Nháy đèn nguy hiểm cho xe đi ngược lại → Phía trước có tắc đường.
  • Khi trời tối, tắt đèn chiếu xa thay bằng đèn chiếu gần→ Giúp người đi ngược lại không bị chói mắt
  • Nháy đèn pha → Mời bạn sang đường

Bạn có thấy có gì đó ngược với Việt Nam không?

Trong khi, quy định xe hơi nháy đèn pha nghĩa là nhường cho người qua đường hầu như cả thế giới đều áp dụng thì ở Việt Nam lại ngược lại. Xe hơi nháy đèn pha để nói : “Đứng lại nếu mày không muốn chết”.

Nút bấm đèn nguy hiểm được trang bị trên xe

4. Không nhường đường cho xe cấp cứu

Xe cấp cứu là phương tiện ưu tiên chỉ đứng sau xe cứu hoả trên đường. Vậy mà ở Việt Nam lại hiếm thấy cảnh tượng dòng người dừng lại tấp vào một bên dành chỗ cho xe cấp cứu. Nói rằng đường đông không thể nhường có lẽ cũng chỉ là nguỵ biện cho ý thức lưu thông kém này. Thử nghĩ xem, chỉ là giả sử rằng nếu người nằm trên xe cấp cứu không may là người thân của bạn thì bạn có gấp gáp để đến được bệnh viện không?

Video ghi lại cảnh xe cấp cứu đi qua con đường đầy xe hơi “vô tư” như thế nào nhé.

Còn rất nhiều những điều làm nên một môi trường giao thông đầy bất cập nữa như : Kẹt xe, thời trang chống nắng hay việc cứ qua mùa lễ thì…dân số Việt Nam giảm đi đáng kể, xe máy chở quá tải…

Một người Nhật đã nói với tôi rằng: “Chúng mày cần đến 50 năm nữa mới được như Nhật Bản bây giờ. Nghĩ xem, bây giờ tụi mày vẫn ảnh hưởng phần nào tư tưởng của ba mẹ, sau này cần 15 năm nữa mày mới có con thì con mày cần thêm 30 năm nữa để trưởng thành và dứt hoàn toàn suy nghĩ cũ và tạo ra thế hệ mới toàn diện. Vậy nên xấp xỉ là mất 50 năm đó”.

 

Thiếu kiên nhẫn, nóng tính, ích kỷ chính là những thái độ tham gia giao thông của rất nhiều người Việt hiện nay. Một khi còn giữ những thói quen này thì không thể tạo ra một Việt Nam phát triển thật sự được dù diện mạo có đổi thay đi nữa.

Chee

Sự khác nhau về những nguyên tắc trong giao thông tại Nhật Bản và Việt Nam

Điểm khác biệt cần chú ý khi tham gia giao thông ở Nhật

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: