Sức ảnh hưởng của thể loại âm nhạc “sầu muộn” đến K-Pop
Nhắc đến nhạc Nhật, mọi người đều nghĩ ngay đến J-Pop, nhưng đây chỉ là một thuật ngữ chung nhất để nói về nền âm nhạc hiện đại của đất nước này. Bên cạnh đó, Nhật bản vẫn khá nổi tiếng với những thể loại âm nhạc truyền thống như Kayokyoku và Enka. Điển hình là Enka, chất nhạc truyền thống tưởng chừng sẽ rơi vào quên lãng nhưng vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Enka (演歌)– Âm nhạc dạt dào xúc cảm
Nghệ sỹ Enka Tagawa Toshimi
Enka khá quen thuộc với những người lớn tuổi ở Nhật, nhắc đến Enka người ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh các ca sỹ trong trang phục truyền thống, đang nồng nàn cảm xúc thể hiện những giai điệu xưa cũ. Có nguồn gốc từ thế kỷ 19, phát triển từ những năm 1950, Enka được xem là hiện tượng của nền văn hóa Pop thế kỷ 20. Được kết hợp từ Ryuukouka, Roukyoku, Minyo – những thể loại nhạc cổ đặc biệt của Nhật, Tango và Blues của phương Tây.
Thuật ngữ Enka (演歌) ban đầu nói về những bài diễn thuyết chính trị các nhà hoạt động chính trị của phe đối lập đưa vào bài hát để tuyên truyền cho phong trào Tự do và Nhân quyền trong thời Meiji (1868-1912) và Taijou (1912-1926), từ này có nguồn gốc từ “演説の歌 – Enzetsu no uta” – “bài hát diễn thuyết”. Khi đảng chính trị đầu tiên của Nhật được thành lập, các nhà lãnh đạo đảng không được phép diễn thuyết trước công chúng. Vì thế để mọi người lắng nghe suy nghĩ, quan điểm của mình, họ đã viết ra những bài diễn thuyết và thuê các ca sỹ chuyển tải thông điệp vào trong lời bài hát.
Một lý luận khác thì cho rằng nhạc Enka hiện đại có nguồn gốc từ ký tự Kanji En (演) – “trình diễn” và Ka (歌) – “thơ ca”.
Giai điệu trầm bổng réo rắt, ca từ ủy mị, đậm chất thơ đòi hỏi người hát phải có chất giọng khỏe và biết cách sử dụng các lối trình diễn cảm xúc khi hát. Ca sỹ Enka thường xuất hiện trong trang phục Kimono truyền thống.
Một ban nhạc Enka hiện đại sẽ bao gồm hát chính, ghita, ghita bass, trống, Piano, Saxophone, kèn Trumpet, kèn Trombone, đàn 3 dây Shamisen, sáo trúc shakuhachi.
Những ca từ như Yume (夢– giấc mơ)
Kokoro (心 – trái tim hay tâm hồn)
Namida (涙 –nước mắt)
Sake (酒 – rượu)
Onna (女– người con gái)
Koi (恋 – yêu)…thường xuất hiện trong lời bài hát. Những bài hát dành cho nữ thể hiện mang những chủ đề như tình yêu đơn phương, sự cô đơn và sự mê muội trong men say, trong khi những bài hát dành cho nam lại tập trung vào chủ đề kiên trì vượt qua khó khăn, tình yêu mãnh liệt với quê hương với “tinh thần cố gắng” (がんばる-Gambaru). Enka khắc họa sự hoài niệm truyền thống, lý tưởng, sự lãng mạn hóa của con người Nhật. Chính vì thế mà Enka được xem là quốc nhạc của Nhật Bản.
Do bị đánh giá là một thể loại âm nhạc “bảo thủ” , những năm 1990, nhạc Pop phương Tây ngày càng phổ biến, nhạc Enka truyền thống không còn được giới trẻ ưa chuộng, vì họ cho rằng thể loại này khá sến sẩm, sầu muộn, ca từ già cỗi chỉ thích hợp với người lớn tuổi. Thỉnh thoảng, người ta vẫn có thể nghe thấy nhạc Enka bật ở nhiều nhà hàng, quán rượu, trong các chương trình quảng cáo trên TV hay trên chương trình âm nhạc chào đón năm mới “Kouhaku Uta Gassen” của kênh NHK.
Nhạc Enka hiện đại vẫn duy trì những nền tảng của nguyên bản truyền thống, nhưng được hòa âm phối khí theo phong cách hiện đại.
Tiêu biểu cho thể loại này có thể nhắc đến Natsukawa Rimi, Maeda Yuki, Iwasa Misaki (AKB48), Kanjani 8 (ban nhạc nam đến từ vùng Kansai của Johnny & Associates).
Kanjani 8
AKB48
Sức ảnh hưởng quốc tế
Nhạc Enka có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nước trong khu vực Đông Á đặc biệt là Đài Loan và Hàn Quốc. Ngoài nghệ sỹ bản địa hát nhạc Enka, còn có nghệ sỹ nước ngoài thể hiện loại nhạc này như Kye Eun Sook. Cheuni, Kim Yeon Ja (Hàn Quốc).
Alan (Trung Quốc) Jero (Jerome Charles White – một ca sỹ người da màu người Mỹ).
Nhiều ca sỹ Đài Loan đã cover các ca khúc giai điệu Enka theo phong cách nhạc trữ tình của người Đài Loan, trong đó có nữ Diva quá cố Teresa Teng (Đặng Lệ Quân).
Teresa Teng (Đặng Lệ Quân)
Một ví dụ điển hình khác cho sức ảnh hưởng của nhạc Enka Nhật đối với âm nhạc các nước lân cận chính là nhạc Trot (트로트) của Hàn Quốc. Đây là một thể loại nhạc truyền thống của Hàn Quốc có nguồn gốc từ nhạc Enka Nhật.
Thông qua quá trình lịch sử từ năm 1910 đến năm 1945, Hàn Quốc chịu sự ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Nhật Bản. Người Hàn Quốc phát triển nhạc Trot trên nền tảng âm luật, giai điệu của nhạc Enka Nhật Bản và vay mượn 2 nhịp đặc biệt từ nhạc Foxtrot của Mỹ, thể hiện nó theo phong cách của dân tộc mình.
Cũng giống như Enka, ca từ trong Trot thường nhấn mạnh nỗi đau, sự da diết trong tình yêu, sự động viên tinh thần, ca sỹ thường mặc trang phục truyền thống Hanbok trình bày bài hát, nhưng sắc thái bài hát có phần vui tươi hơn.
Từ những năm 1950, sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc, nền âm nhạc Hàn Quốc bắt đầu bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi văn hóa Âu Mỹ. Nhạc Trot dần hạ nhiệt, nhưng sức ảnh hưởng vẫn được duy trì thông qua nhạc phim và K-Pop hiện đại. Những năm 1990, K-Pop phát triển bắt đầu pha trộn giữa nhạc truyền thống, Pop, Rock, Hip-hop, R&B và nhạc điện tử. Nhờ sự kết hợp đa dạng này mà K-POP ngày càng phổ biến trên thế giới.
Ca sỹ nhạc Trot Hong Jin Young
Haku
Kín tiếng trong đời thật, người đồng tính ở Nhật “bung lụa” trong âm nhạc.
Vạch trần 18 cách tạo MV “lung linh” của các đạo diễn âm nhạc chuyên nghiệp