Tại sao người Nhật không ngại “loã thể” chốn đông người?

Khoả thân hay còn hiểu là trạng thái không mặc quần áo, tiếng Nhật là Hadaka (裸). Trong văn hoá tắm rửa, Onsen hay Sentou bạn có thể dễ dàng bắt gặp từ này. Vậy, văn hoá này xuất phát từ đâu và đang phát triển như thế nào? Hãy cùng Japo tìm hiểu nhé.

1. Diễn viên hài khoả thân

Bạn đã từng xem chương trình giải trí Nhật chưa? Mức độ “biến thái”, cười đến vỡ bụng của các “trò lố” đó là không cần bàn cãi. Nhưng bạn có để ý, tần số xuất hiện của các quý ông khoả thân, chỉ độc một miếng vải che chỗ ấy, xuất hiện ngày càng nhiều trên truyền hình. Đại diện có một số nghệ sĩ như:

Koshima Yoshio

Akira 100%

Nhìn những hình ảnh này, phái nữ ai chẳng cảm thấy đỏ mặt. Nhưng dường như nữ giới Nhật lại đón nhận một cách rất bình thường.

Tuy không phải là quốc gia duy nhất có những diễn viên “thiếu vải” lên truyền hình, nhưng cách người Nhật thích thú và không hề ngại ngùng đón nhận lại khiến thế giới cảm thấy kỳ lạ.

2. Tắm Onsen

Nếu là một tín đồ của văn hoá Nhật, hẳn bạn sẽ không thể bỏ qua Onsen, văn hoá tắm suối nước nóng khi một lần đặt chân đến xứ sở hoa Anh Đào.

Vậy bạn đã biết quy tắc sử dụng Onsen của người Nhật chưa?

Có rất nhiều thứ cần lưu ý, trong đó có một quy tắc bất di bất dịch mà khi vào bất cứ Onsen nào của Nhật bạn cũng cần phải tuân theo.

Đó là không được mặc quần áo. Kể cả đồ bơi cũng bị cấm ở khu vực này. Đây là quy định khá khắt khe mà người nước ngoài luôn thấy khó hiểu. Nhất là đối với những nước không có văn hoá tắm chung như Việt Nam, việc để lộ cơ thể cho người khác thấy được dù cùng giới cũng là điều vô cùng xấu hổ. Người Nhật thì khác, tắm chung là việc vợ chồng, con cái vẫn thường làm. Thậm chí, nhà tắm còn là nơi gia đình gắn kết tình cảm và giải toả căng thẳng sau những giờ học, giờ làm căng thẳng.

Vậy bạn có bao giờ thắc mắc tại sao người Nhật phải “loã thể” khi bước vào Onsen không?

Có nhiều lý giải cho quy định này. Nhưng nhìn chung có hai lý do lớn.

Đầu tiên, đó là do thời Edo, các Tướng quân Samurai của hai phe thường có các chuyến viếng thăm lẫn nhau. Để chứng minh cho đối phương thấy được sự trung thực và không có nguy hiểm, tất cả trang phục, vũ khí đều bắt buộc cởi bỏ. Dần dà, thói quen này trở thành phong tục không thể thiếu của văn hoá Onsen.

Một lý giải nữa đó là, các nông dân thời xưa, sau một mùa gặt mệt nhọc và vất vả sẽ đi tắm suối nước nóng. Việc cởi bỏ trang phục tượng trưng cho sự bình đẳng không phân biệt giai cấp, giàu nghèo. Một khi đã bước vào suối tắm ai cũng như ai.

3.Nhà tắm công cộng

Ngoài Onsen, nhà tắm công cộng (Sentou) cũng là nơi con người bộc lộ tất cả, không ngại ngùng hay giấu diếm.

Theo cuốn sách「 裸はいつから恥ずかしくなったかー日本人の羞恥心」(Từ khi nào đã dần xấu hổ – Trái tim dễ xấu hổ của người Nhật) của 中野明 đề cập, thời Edo, thậm chí còn không có nhà tắm riêng cho nam nữ, hai giới sẽ cùng nhau tắm trong một nhà tắm lớn. Vậy mà, tuyệt nhiên không có ai xấu hổ hay quan tâm đến cơ thể của người khác giới, những vấn đề như quấy rối tình dục cũng không xảy ra.

Thậm chí, mùa hè, phụ nữ Edo còn để lộ cả phần thân trên và mặc nhiên ra đường.

Khi lao động nhiều nữ nông dân  sẽ cởi áo và giặt luôn để kịp khô khi trời tối. Nghĩ đến việc mồ hôi làm dơ áo khi lao động thì đúng là không mặc gì có vẻ là một ý tưởng hay ho.

Từ thời Meiji, vì tiếp nhận tư tưởng nước ngoài,  quy định về việc phân chia khu vực tắm của hai giới cũng dần hình thành. Người Nhật cũng từ đó mà kín đáo và dễ xấu hổ hơn.

Thế nhưng khi nhìn vào những biểu tượng của nước Nhật như Sumo, lễ hội khoả thân hay các nữ thợ lặn Ama khi xưa. Chúng ta lại nhìn thấy một hình ảnh nước Nhật không ngần ngại che giấu. Phải chăng giai đoạn chuyển giao giữa xấu hổ và mạnh bạo trong xã hội Nhật vẫn đang tiếp tục đến bây giờ?

Chee

Một số lưu ý khi đi tắm Sentou ở Nhật

Chuột lang Kapibara tắm Onsen?

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: