Có phải tất cả các nữ Pháp sư trong Đền Thần đều là trinh nữ ?
Nếu là Fan của bộ truyện Inuyasha, hẳn bạn sẽ ấn tượng với nhân vật mạnh mẽ, thông minh và vô cùng cá tính, Pháp sư bảo vệ ngọc Tứ Hồn Kikyou.
Bạn là Fan của tiền kiếp Kikyou hay hậu kiếp Kagome?
Bạn có để ý bộ trang phục đặc biệt độc hai màu trắng đỏ của Kikyou. Chiếc Hakama đỏ chỉ dành riêng cho một công việc linh thiêng ở Nhật Bản, đó là nữ Pháp sư hay còn gọi là Miko (巫女- Vu nữ).
Nguồn gốc ra đời
Miko là chức danh bắt nguồn từ thời cổ đại. Thuở ấy, để lắng nghe điềm báo của Thần linh, các pháp sư đạo Shinto đã cho Thần linh nhập vào thân xác và tổ chức các nghi thức như Kamigakari (lễ gọi hồn) hay Kamioroshi (lễ giáng thần) được gọi chung là lễ Kannagi (巫). Từ đó mà những nữ giới đảm nhận vai trò này gọi là Miko (巫女)và nam giới gọi là Fugeki (巫覡).
Đến thời Heian, để trở thành Miko nhất định phải biết 4 thứ: bói toán – Uranai (占い) , múa – Kagura (神楽)chơi nhạc cụ – Yotsura(寄絃) và Kikou (寄口). Theo một số quan sát, cũng từ thời đại này mà chiếc Hakama đỏ được mặc cho Miko nhưng phải đến tận thời Meiji, hai màu sắc trắng – đỏ chủ đạo và ống tay áo ngắn mới trở thành trang phục quyết định cho Miko.
Tranh về Miko thời Kamakura “Igatsubone” của hoạ sĩ Yoshitoshi Tsukioka
Thời nay, khi bạn đến bất kỳ Đền Thần lớn nào cũng có thể bắt gặp Miko. Nhiệm vụ của một Miko trong Shinto hiện đại không còn nặng nề như thời Heian nhưng Kagura vẫn là điệu múa bắt buộc trong các nghi lễ linh thiêng. Ngoài ra, công việc của họ là quét dọn, lau chùi Thần điện, giúp việc cúng bái, trang điểm cô dâu, bán bùa Omamori, thu tiền xin quẻ…
Điều kiện để trở thành Miko
Không có quá nhiều quy định khắt khe hay tư cách cụ thể để trở thành một Miko. Bất cứ cô gái nào trong độ tuổi yêu cầu đều có thể ứng tuyển. Một số Đền Thần sẽ yêu cầu nữ để tóc dài và buộc gọn gàng, tóc mái phải kẹp lên trước nhưng không phải tất cả mọi nơi đều quy định như vậy.
Phần mái được kẹp lên gọn gàng
Vậy phải chăng chỉ có trinh nữ mới có thể trở thành Miko?
Đây có lẽ là nhầm tưởng của rất nhiều bạn và cả một số người Nhật.
Dưới thời Minh Trị, Miko được xem là Trinh nữ dùng để dâng lên Thần linh. Vì theo nghi thức Kannagi đề cập phía trên, các Miko phải trong trắng thì mới tỏ lòng tôn kính với đấng trên để nhập vào cô gái và truyền đạt Thần ý.
Nhưng giờ đây, phong tục này đã bị bãi bỏ vì sự mê tín cực đoan. Các Miko hiện nay không bắt buộc phải là trinh nữ. Thậm chí, có bạn trai cũng không thành vấn đề. Nhưng một khi đã kết hôn, họ chắc chắn phải từ bỏ công việc. Dù vậy, cũng có một số nơi cho phép phụ nữ kết hôn từ Miko trở thành người phục vụ trong Đền.
Các Miko múa Kagura
Hiện nay, Miko trở thành việc bán thời gian rất phổ biến trong giới học sinh, sinh viên. Thậm chí có cả một trang Web dành cho những người muốn ứng tuyển Baito. Những Miko này sẽ được gắn thêm chữ 「助勤 (Jokin)」nghĩa là người trợ giúp theo trước tên Miko.
Hiện nay trên toàn quốc có rất nhiều Đền Thần cho phép học sinh cấp 3 và sinh viên Đại học ứng tuyển.
Nhưng quy định tuổi tác lại tương đối khắt khe, mỗi Miko chỉ được đảm nhiệm đến 25 tuổi. Tuy khá ngắn ngủi nhưng nếu vừa tốt nghiệp cấp 2 đã trở thành Miko thì có thể gắn bó với công việc đến 10 năm. Ngược lại, các sinh viên tốt nghiệp đai học chỉ có vỏn vẹn 3 năm.
Dưới đây là trang tuyển dụng của những Đền Thần trong nội thành Tokyo.
Mức lương trung bình cho một Miko bán thời gian xấp xỉ 1,000 Yên/giờ. Nhưng nếu trở thành Miko chính thức mỗi tháng có thể nhận được khoảng 200,000 Yên (khoảng 40 triệu VND). Đây có lẽ là công việc khá phổ biến trong giới học sinh vì ấn tượng trong sạch và thanh khiết mà một Miko mang lại cộng với mức lương tương đối cao.
Các bạn nữ du học Nhật đang phân vân chưa biết kiếm việc gì thì thử cân nhắc xem sao nhé!