Yêu người Nhật, đây là những lý do hết sức khó hiểu khiến bạn bị “đá”
Nếu trước kia người Nhật được biết đến là một dân tộc bảo thủ, ít giao lưu quan hệ với bên ngoài thì gần đây, số người Nhật hẹn hò kết hôn với người nước ngoài đang gia tăng. Thậm chí dân Nhật còn có một chút tư tưởng sính ngoại.
Tuy nhiên, sự khác biệt văn hóa khiến cho những tình yêu như thế này gặp nhiều trắc trở. Nếu không thấu hiểu và thông cảm cho nhau, khả năng “đường ai nấy đi” là không thể tránh khỏi. Lúc đó, họ buộc phải nghĩ đến cách chia tay như thế nào để đối phương dễ chấp nhận, đỡ đau lòng. Thế nhưng ngay cả trong vấn đề này, người Nhật cũng có những cách rất độc đáo khiến các Gaikokujin không thể hiểu nỗi.
Gaijin Blog Website đã tổng hợp 4 cách chia tay độc đáo của người Nhật khiến người nước ngoài không thể nào lý giải nỗi. Bạn đã từng bị “đá” như thế bao giờ chưa?
“Anh/Em không phải là người sai” – Nhận tất cả lỗi lầm về phía mình
Nói về việc từ chối người khác một cách khôn ngoan, tất nhiên phải nhắc đến người Nhật. Thế nhưng từ chối khéo với việc chia tay một ai đó hoàn toàn khác nhau. Nếu như không hiểu, không quen với văn hóa của đất nước này, người nước ngoài có thể bất ngờ vì không biết rằng mình đã bị “đá” không thương tiếc.
Nếu đang ở trong một mối quan hệ tình cảm với người Nhật, bỗng nhiên đối phương cắt đứt liên lạc với bạn, viện nhiều lí do để không phải gặp bạn, hay không trả lời tin nhắn của bạn, đó là những dấu hiệu chứng tỏ mối quan hệ ấy đang rạn nứt. Người Nhật không thể nào trực tiếp nói lời “phũ phàng”, do đó họ chọn cách hành động lạnh lùng để đối phương tự nhận ra. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ nhận được tin nhắn đại loại như sau:
“Anh/ Em không làm gì sai cả, chỉ là chuyện phải diễn ra như thế !”
Thế nhưng oái ăm thay, cách này lại càng tàn độc hơn khi những suy nghĩ dằn vặt cứ ám ảnh lấy người còn lại. Thay vì cứ kéo dài thời gian hành hạ bản thân, nói ra lời dứt khoát không phải tốt hơn nhiều sao?
Đây là một tình huống cụ thể từ những lời chia sẻ của Kai- san, người nước ngoài từng có quan hệ yêu đương với người Nhật.
“Vì công việc của người yêu mà chúng tôi chia tay. Sau hơn 1 tháng hẹn hò, tôi thấy cô ấy rất lạ. Cô ấy càng ngày càng trở nên lạnh lùng, và có thái độ xa lánh tôi. Sau đó tôi nhận được tin nhắn Line của cô bảo rằng ” Vì công việc quá bận rộn, em không thể gặp anh được nữa”. Thế nhưng tôi biết lý do là vì mẹ cô ấy không thích tôi”.
Chọn lọc tự nhiên
Bạn có thể làm bạn với người yêu cũ không? Ở Nhật, việc cắt đứt hoàn toàn liên lạc với người yêu cũ là hết sức bình thường.
Cách người Nhật chia tay người yêu khiến cho việc làm bạn sau khi quan hệ yêu đương kết thúc là chuyện không thể xảy ra. Về phía người quyết định chia tay, lặng lẽ ra đi là cách lịch sự nhất để không gây tổn thương cho người còn lại. Tuy nhiên, về phía người bị “đá”, cảm giác không phục là dễ hiểu, và do đó gặp nhau sau khi đã chia tay sẽ đem lại rất nhiều cảm giác kì quặc, khó hiểu và không thoải mái.
Ở Mỹ hoặc các quốc gia châu Âu, kiểu chia tay này cũng thường thấy. Tuy nhiên đây được xem là cách hèn nhát để trốn tránh chứ không phải cách “hiển nhiên” mà người Nhật chấp nhận. Vì sau khi chia tay, rất ít người Nhật có ý định quay lại làm bạn với người cũ. Thậm chí ngay cả khi có tình cờ gặp lại nhau, họ cũng sẽ im lặng và giữ khoảng cách, mối quan hệ sẽ dần dần biến mất.
Giống với cách chia tay trên, tuy nhiên có phần lạnh lùng hơn, không hề có một tin nhắn, điện thoại hay lời nói chính thức nào về việc chia tay. Cả hai chỉ âm thầm tự hiểu khi thấy một người quay lưng bỏ đi. Và một khi đã kết thúc quan hệ yêu đương, giữa hai người ấy sẽ chẳng còn tồn tại bất kì một mối quan hệ nào khác nữa.
Cách này không chỉ được áp dụng trong mối quan hệ yêu đương mà còn cả trong công việc.
Tâm sự từ Erica- san
“Tôi có quen một anh chàng người Nhật. Có một thời gian dài anh ta không đến công ty. Một ngày trên bàn lại xuất hiện mảnh giấy với nội dung là tôi nghỉ việc, làm ơn đừng tìm tôi”.
Can thiệp gia đình
Hai bạn có thể yêu nhau say đắm, nhưng nếu không hề có ý định kết hôn , mối quan hệ cũng sẽ nhanh chóng tan vỡ. Đặc biệt, nếu cha mẹ hai bên không có cảm tình với người còn lại, đương nhiên tình yêu cũng sẽ bị nhấn chìm.
Tại Nhật, việc cha mẹ can thiệp hay tạo áp lực lên tình yêu của con cái cũng rất thường xảy ra. Việc này giống như những bộ phim truyền hình bạn thường xem nhỉ?
Tuy nhiên sự can thiệp của cha mẹ không hẳn đã hoàn toàn là xấu. Từ những phật lòng từ phía phụ huynh, bạn có thể biết được người kia có sẵn sàng thay đổi vì bạn hay không và quyết tâm muốn kết hôn với bạn của họ lớn đến mức nào.
Jen-san
“Ở Mỹ tôi có quen một người bạn có bạn trai là người Nhật. Gia đình cậu này đặc biệt phản đối quốc tịch của bạn tôi, vì họ không muốn con trai họ sẽ bị người đàn bà ngoại quốc này cướp mất. Tuy sau đó hai người vẫn quyết định sống chung, thế nhưng tôi nghe nói bạn tôi từng nhận được “quà” từ gia đình bên kia là que thử thai”.
Chia tay khi đứng trước những ngã rẻ của cuộc đời
Khác với những quốc gia khác, người Nhật chỉ tập trung làm tốt một việc duy nhất trong một khoản thời gian. Do đó, việc chia tay người yêu khi đứng trước những ngã rẻ cuộc đời như vào đại học, có công việc,… là chuyện rất bình thường. Đối với những trường hợp chia tay nhưng vẫn còn yêu, lý do đưa ra thường là “Thời gian không phù hợp”.
Nik- san
“Tôi có nghe một giáo viên tiếng Anh của trường tôi kể lại rằng đa phần các học sinh của cô đều chia tay bạn trai, bạn gái khi bắt đầu kì thi cấp 3. Lý do chủ yếu là vì phải tập trung học. Cô cũng nói rằng cô cảm thấy buồn vì các học sinh phải đắn đo suy nghĩ và lựa chọn giữa học tập và yêu đương.”
Tổng kết
Bằng 4 cách chia tay trên, người Nhật đã “xé bỏ” rất nhiều trang tình yêu tươi đẹp, đồng thời cũng khiến nhiều người nước ngoài phải lâm vào hoàn cảnh dở khóc dở cười. Có cảm giác như người Nhật yêu một cách rất khuôn mẫu và luôn bị bao vây bởi lý trí hơn là tình cảm. Họ tuân theo những điều họ nên làm hơn là những thứ con tim mách bảo.
Nếu bạn đang yêu một người Nhật, hãy quan tâm đến những vấn đề trên nhé! Chúc bạn tìm được tình yêu đích thực và lâu bền.
Nguồn tham khảo
madameriri.com
Sachiko