“Giỡn mặt” giáo viên đẳng cấp học sinh Nhật, bạn có sợ bị mời phụ huynh?

Chủ đề học đường xung quanh nhân vật chính là thầy cô giáo xuất hiện rất nhiều trong phim điện ảnh cũng như truyền hình Nhật. Trong số đó, Gokusen, GTO hay 日本人が知らない日本語  là những bộ phim khiến người xem cảm động về tình thầy trò.

Vì học sinh của mình, giáo viên dám đứng ra chống lại hiệu trưởng và những thế lực xấu bên ngoài.

Qua bàn tay của các đạo diễn, hình ảnh của họ hiện lên như những anh hùng, vô cùng gần gũi và thân thiện trong mắt học sinh. Liệu sự thật có đúng như vậy?

Đặt biệt danh cho giáo viên

Ở Việt Nam, cách gọi chung và phổ biến nhất cho giáo viên là bà cô/ ông thầy + tên môn học.

Ví dụ:

Bà cô Lý, ông thầy Toán… Tuy nhiên, cách gọi này chỉ lưu truyền trong cộng đồng học sinh, nếu để thầy cô nghe thấy được, chắc chắn sẽ “toi mạng” như chơi.

Học sinh Nhật cũng đặt tên gọi riêng cho giáo viên của mình. Nguồn gốc của những cái tên có thể từ đặc trưng trên cơ thể hoặc tật xấu của thầy cô. Thậm chí nếu giáo viên dễ tính còn có thể để học sinh gọi thẳng tên thật.

Cô giáo Yakuza bá đạo trong Gokusen.

Đúng là nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò mà.

Không dùng kính ngữ khi nói chuyện

Đối với học sinh Nhật, giáo viên chủ nhiệm phải là người nắm rõ từ học lực, hoàn cảnh đến tâm lý của từng em. Nếu được học sinh yêu mến, giáo viên sẽ “vinh dự” “bị” bỏ kính ngữ khi nói chuyện. Nhất là đối với quan hệ giữa thầy giáo và học sinh nam, hầu như thể Masu và Desu đều được lược bỏ. Từ đó có cảm giác như có gì đó giống như tình anh em, bạn bè tồn tại trong mối quan hệ này hơn là nghiêm khắc như thầy trò.

 

Thầy giáo ác quỷ GTO

Nói đến mối quan hệ gia đình ở Nhật, bạn có biết con cái không cần dùng kính ngữ với người trên trong nhà không? Một phần xuất phát từ quan niệm Uchi- Soto (trong – ngoài) mà ảnh hưởng đến việc bỏ kính ngữ. Vì thế liên tưởng đến trường học, kiểu nói chuyện “suồng sả” đó chứng tỏ mức độ thân thiết giữa thầy trò Nhật, nhất là ở lứa tuổi tiểu học, trung học. Tuy nhiên, không phải trường học, giáo viên nào cũng chấp nhận như vậy nên đừng nhầm lẫn đây là quy định chung nhé.

Cuộc họp 3 người và thăm hỏi nhà học sinh

三者面談  (Sansha Mendan) và  家庭訪問  (Katei Houmon) là hai kiểu “ghé thăm phụ huynh đột xuất” làm thót tim học sinh Nhật. Dẫu nói là đột xuất nhưng thông thường học sinh sẽ được thông báo trước từ 1 đến 2 tuần để báo bố mẹ sắp xếp thời gian.

Với Katei Houmon, giáo viên chủ nhiệm sẽ đến từng nhà học sinh, vừa để xem môi trường học tập tại nhà của các em như thế nào, vừa trò chuyện về các em cho phụ huynh nắm rõ. Thông thường, giáo viên chỉ ghé nhà mỗi em 15 phút nhưng gia đình nào cũng phải dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ.

 

Đến mẹ Maruko còn phải thay cả Tatami và quét dọn cứ như Oomisoka dịp năm mới.

Với buổi họp 3 người Sansha Mendan, thầy giáo thường sẽ gọi phụ huynh (mẹ hoặc bố) và học sinh đến trường để nói chuyện. Nguyên nhân dẫn đến buổi họp này thường không mấy tốt đẹp. Có thể vì điểm số hoặc chuyện xấu mà học sinh gây ra. Nhưng thay vì chỉ thông báo để phụ huynh biết và tự mình làm gì thì làm, cả 3 sẽ cùng tìm giải pháp cho vấn đề.

Việc cho phép học sinh cùng tham gia cuộc họp khiến cho chúng cảm thấy mình có trách nhiệm và được tôn trọng, từ đó thúc đẩy các em cố gắng, hơn là chỉ nghe từ một chiều và áp đặt cách giải quyết lên các em.

Ở Việt Nam, Sansha Mendan còn được hiểu là “Gọi phụ huynh”. Đây cũng là lời đe doạ của rất nhiều giáo viên khi muốn học sinh mình không lặp lại chuyện xấu như là “Cẩn thận tôi gọi phụ huynh em lên đấy!” … Những  kiểu doạ dẫm trách móc của giáo viên như vậy chỉ càng làm cho học sinh ái ngại và sợ hãi thầy cô, từ đó mà mỗi quan hệ thầy trò chẳng hề sâu đậm và gắn kết. Nói về ngày Nhà giáo Việt Nam, phải chăng chỉ là ngày hình thức để Bộ giáo dục tung hô mình. Còn thật sự, cốt lõi bên trong chắc gì đã khăng khít như vậy?

 

Cảnh Sansha Mendan trong phim “7 ngày của bố và con gái”

Giáo viên đi nhậu, hút thuốc với sinh viên là chuyện bình thường

Trong trường đại học hay bất cứ nơi công cộng nào ở Nhật đều có khu vực hút thuốc lá riêng. Đây không chỉ là nơi giải toả căng thẳng mà còn là chốn hàn huyên, tâm sự và kết thân với mọi người. Từ đó mà việc một học sinh chưa bao giờ  tham dự lớp thầy đó lại trở nên thân thiết như bạn bè và rủ nhau đi nhậu cũng không còn là chuyện xa lạ.

Nói đi cũng phải nói lại, không thể trách tại sao mối quan hệ nhà trường-học sinh ở Việt Nam lại thiếu liên kết và thân thiện như vậy. Ở trường học Nhật hàng năm, có rất nhiều sự kiện được tổ chức  như Lễ hội văn hoá (Bunka sai) hay Đại hội thể thao (Undou Kai), dã ngoại… giúp gắn bó mật thiết tình thầy trò và tình bạn. Những hoạt động này rất có lợi nếu được nhân rộng ở Việt Nam giúp cho tình thầy trò trở về đúng ý nghĩa linh thiêng của nó.

 

Cô giáo dễ thương trong “Tiếng Nhật mà người Nhật không biết”.

Ngoài ra, phim truyền hình Nhật thường có cảnh lớp học cá biệt, quậy phá khắp trường nhưng đến khi giáo viên “đầu gấu” xuất hiện thì mọi chuyện êm đẹp.

Phần nhiều những câu chuyện như vậy đều là hư cấu. Giáo viên thực ra không thể tham gia ẩu đả mà phải bảo vệ học sinh theo những cách khác. Tuy nhiên, nhờ những bộ phim như thế mà hình tượng giáo viên Nhật hiện lên thật đẹp và cảm động phải không các bạn?

Chee

Các kiểu bắt nạt ở trường học Nhật Bản

Nỗi ám ảnh mang tên “câu lạc bộ” ở trường học Nhật Bản

Chuyện Kinh dị ở trường học Nhật

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: