Nhật Bản – Nền giáo dục âm nhạc hướng mỗi học sinh trở thành nghệ sĩ thực thụ
Bạn học nhạc như thế nào?
Ở Việt Nam, môn Âm nhạc, hay còn gọi là môn Tập đọc nhạc được dạy khá sơ sài. Bạn chỉ được dạy qua một ít nhạc lý cơ bản, học một vài bài hát, đọc một số nốt nhạc, vậy là hoàn thành khóa học. Chương trình giáo dục Âm nhạc chính thức sẽ kết thúc ngay tại bậc Trung học Cơ sở.
Thế nhưng tại Nhật Bản, đó lại là câu chuyện khác. Âm nhạc đóng một vai trò rất quan trọng trong nền Giáo dục Nhật Bản. Cụ thể, học sinh Nhật Bản có 10 năm học Âm nhạc bắt buộc tại trường.
Sự khác biệt trong mục đích giáo dục Âm nhạc
Ở Nhật, việc dạy môn Âm nhạc tại các trường học có mục đích rất rõ ràng. Theo Bộ Giáo dục, dạy âm nhạc để giúp học sinh hiểu, nắm bắt được các kiến thức về âm nhạc, đào tạo thực hành một số kĩ thuật, mở rộng tìm tòi các lĩnh vực khác nhau trong âm nhạc, ví dụ sáng tác giai điệu, viết lời bài hát,… Đồng thời, đào tạo kĩ năng trình diễn, cụ thể là ca hát và chơi một số loại nhạc cụ, khả năng đọc và viết nốt nhạc, và cuối cùng chính là khả năng lắng nghe và cảm thụ âm nhạc.
Giáo dục Âm nhạc tại Nhật bắt đầu được chú trọng từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, thông qua phương pháp của Shinichi Suzuki. Với Suzuki, giáo dục âm nhạc không chỉ là dạy học mà là phương pháp làm phong phú thêm đời sống và hình thành tính cách cho trẻ em.
Mỗi học sinh đều có thể tiếp cận với âm nhạc. Âm nhạc là một phần cuộc sống, giúp các em nhanh chóng hiểu được bản thân, và khiến cho đời sống tinh thần của các em phong phú và tươi đẹp hơn.
Chính vì thế, các trường học tại Nhật tạo ra môi trường Âm nhạc tự nhiên để học sinh có thể tiếp thu một cách dễ dàng. Dù Âm nhạc là một địa hạt thuộc về năng khiếu, nhưng nếu mỗi ngày đều tiếp xúc với nó, não bạn sẽ tự động hấp thụ, giống như cách mà bạn học nói tiếng mẹ đẻ.
Nếu ở Việt Nam, bạn học nhạc theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” thì ở Nhật, Âm nhạc thấm dần vào tâm hồn, ngấm sâu nuôi dưỡng và trở thành một phần trong cuộc sống.
Chương trình đào tạo
Từ bậc tiểu học, các em sẽ được làm quen với nhịp, phách trong âm nhạc. Bằng cách sử dụng những カスタネット (Castanet), các em sẽ biết cách giữ nhịp điệu. Từ những kiến thức cơ bản này, thầy cô sẽ dần dần gieo niềm đam mê Âm nhạc vào tâm hồn từng đứa trẻ.
Ngoài ra, các em nhỏ còn được học cách chơi một số nhạc cụ cơ bản như Kèn Pianica hay Soprano Recorder (sáo dọc).
Các em đã làm ra những nhạc cụ đáng yêu này bằng chính đôi tay của mình đấy.
Là một dân tộc sống theo tập thể, cách người Nhật học Âm nhạc cũng phần nào thể hiện đặc điểm này. Các lớp học nhạc ở Nhật được chia thành nam và nữ để làm thành một dàn hợp xướng. Không những thành lập câu lạc bộ, cuộc thi hợp xướng giữa các trường là sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Hình ảnh những dàn hợp xướng học sinh rất phổ biến trong các bộ phim truyền hình Nhật Bản. Các học sinh tự chọn bài hát, chỉ định nhạc trưởng, người đệm nhạc, phân tông, bè giữa các thành viên và làm thành một sản phẩm âm nhạc hoàn chỉnh. Để làm được điều này không chỉ cần khả năng cảm thụ âm nhạc, mà còn tinh thần hợp tác, làm việc nhóm giữa các thành viên với nhau.
Các hoạt động liên quan đến âm nhạc tại trường học
Như đã nói ở trên, Âm nhạc bồi dưỡng tâm hồn bằng cách xâm nhập từ từ vào đầu óc, như một phần trong cuộc sống hằng ngày.
Chính vì thế, thay vì tiếng chuông hay tiếng trống vào lớp, tan trường như ở một số quốc gia trong đó có Việt Nam, bạn có thể nghe thấy một đoạn âm thanh có nhạc điệu báo hiệu giờ học. Ai yêu thích văn hóa Nhật Bản chắc chẳng còn xa lạ gì với âm thanh quen thuộc này nữa đúng không?
Bên ngoài những buổi học chính thức, các bạn học sinh đam mê Âm nhạc có thể gia nhập, sinh hoạt tại các Câu lạc bộ. Ví dụ Câu lạc bộ nhạc nhẹ (K-on), Câu lạc bộ Âm nhạc cổ điển, Câu lạc bộ hợp xướng, Câu lạc bộ đàn dây, Câu lạc bộ Guitar,…
Cuối cùng mời các bạn thưỏng thức lại đoạn hợp xướng rất nổi tiếng đã lấy đi không ít nước mắt của khán giả trong bộ phim “Một lít nước mắt”.
Sachiko
Sức ảnh hưởng bất ngờ từ một ý tưởng thi thố karaoke ao làng đến các cuộc thi âm nhạc quốc tế
Nào cùng ôn lại những giai điệu vang bóng một thời Việt Nam có nguồn gốc từ âm nhạc Nhật Bản
Bất chấp nóng 40 độ, lý do hàng nghìn người Nhật vẫn cháy hết mình cùng âm nhạc là gì?