“Tomare” – Thông điệp giao thông “độc nhất vô nhị” trên đường phố Nhật

Trong hệ thống Luật giao thông quốc tế, ngoài các biển báo, cột đèn giao thông, một trong những dấu hiệu mà bạn luôn phải quan sát, đó là vạch kẻ đường.

Ví dụ:

Vạch cho người đi bộ, vạch chỉ nơi dừng đỗ của cảnh sát giao thông…

Đây cũng là một trong những chi tiết dễ bị bỏ qua, khiến người đi đường thường xuyên bị cảnh sát bắt lỗi vi phạm, như lấn vạch, lấn tuyến…

Luật giao thông đường bộ Nhật Bản cũng quy định rất rõ ràng về hệ thống vạch kẻ đường hay còn gọi là  道路標示(Dourohyoji).

Thế nhưng trong tất cả các loại đó, bạn để ý có một loại vạch kẻ đường rất thường thấy ở đường phố Nhật không? Đó là …

“Tomare= dừng lại” được viết bằng sơn trắng. Đây là quy định được gọi là 法定外 (ngoài luật định) vì vậy về mặt pháp lý, Tomare viết trên đường sẽ không có hiệu lực xử phạt như biển báo Tomare viết trên biển tam giác ngược màu đỏ. Bởi chức năng của nó là giúp người tham gia giao thông dễ quan sát và dừng lại hơn (vì đôi khi biển màu đỏ có thể bị khuất). Ở những nơi có vạch này thường sẽ xuất hiện biển Tomare, khi nhìn thấy bộ đôi này bạn cần dừng lại quan sát an toàn toàn khoảng 10 giây rồi mới đi tiếp, không chỉ vì có thể bị phạt mà còn vì an toàn của bản thân và người xung quanh nữa.

Ngoài ra, bạn còn có thể bắt gặp hình vẽ này. Hình một chiếc xe đạp phái dưới “Tomare” viết bằng Hiragana.

Tiếng Nhật gọi là.

自転車ストップマーク(Jitensha sutoppu maaku ).

Nếu nhìn thấy ký hiệu này, người đi xe đạp phải dừng lại một khoảng thời gian ngắn để quan sát rồi mới đi tiếp. Nơi vẽ ký hiệu này khác với “Tomare”, có thể ở ngay lối ra vào công viên, khúc cua, vỉa hè… Nhưng chức năng và hiệu lực pháp lý lại giống với “Tomare” phía trên. Nó không được quy định trong Luật Pháp Nhật Bản.

Tương tự ký hiệu cảnh báo người đi bộ

 

Biển báo tam giác đỏ chữ “Tomare” trắng.

Khi gặp biển báo này tại giao lộ, bạn phải chờ các phương tiện ưu tiên đi qua và xác nhận an toàn, sau đó mới được đi tiếp. Biển báo này thường được đặt ở nơi giao nhau không có đèn đỏ. Ví dụ từ hẻm nhỏ ra đường lớn hoặc nơi có rào chắn giao cắt và đường ray.Vì đây là “hàng thật” nên đừng bỏ qua nó dù chỉ một lần  nhé! Kẻo bị cảnh sát hỏi thăm đấy. Thêm một thực tế nữa đó là chữ Tomare trên đường và trên biển báo thường đi thành một bộ, nên dù bạn có nguỵ biện rằng vạch Tomare trắng không nằm trong quy định giao thông thì chắc chắn ở đó sẽ còn “bóng dáng” một biển báo Tomare đỏ mà bạn đã vô tình bỏ qua.

 

Nhìn vào sự so sánh biển báo này trên đây, ta có thể thấy từ năm 1950, Nhật cũng sử dụng tiếng Anh “STOP” và biển hình bát giác như cả thế giới. Thế nhưng từ năm 1960 lại hoàn toàn chuyển về Kanji. Và cuối cùng đến năm 1963 thì đổi thành hình tam giác và giữ nguyên đến bây giờ. Hướng đến Olympic 2020, bạn sẽ ngày càng bắt gặp biển có chữ “STOP” phía dưới Kanji nhiều hơn trước.

Bởi Olympic là dịp mà rất nhiều du khách nước ngoài đến Nhật và không ai cũng có thể hiểu tiếng Nhật nên những thành phố lớn như Osaka và Tokyo đang thay đổi các biển báo theo dạng này. Thậm chí họ còn xét đến việc quay về thời sử dụng biển báo hình bát giác trước đây nữa.

Vậy có bao giờ bạn tự hỏi tại sao vừa có Hiragana vừa có Kanji trên các ký hiệu “Dừng chặn” này không?

Không có lý giải rõ ràng cho sự khác nhau này. Tuy nhiên, vì 止まれ được viết bằng Kanji nên người lớn, cụ thể là những người lái xe hơi sẽ dễ dàng đọc được. Còn ký hiệu dành cho người đi xe đạp hoặc đi bộ dành cho nhiều đối tượng hơn, trong đó có trẻ em. Thế nên việc viết Hiragana là cần thiết để các em nhỏ cũng hiểu được ý nghĩa và làm theo.

Thêm nữa, khi đọc Kanji chỉ cần nhìn vào phần chữ Hán là dễ dàng hiểu nghĩa, thay vì とまれ cần đến 3 chữ mới có thể hiểu được. Nên những tài xế xe hơi, xe tải sẽ nhanh chóng nhìn ra tín hiệu để đảm bảo an toàn. Có lẽ vì lý do này mà ngày càng các biển báo ở Nhật viết bằng Kanji thay vì Hiragana như trước đây.

Ngoài ra những ký hiệu sơn trắng này còn là nguồn cảm hứng của rất nhiều nghệ sĩ từ nhiếp ảnh gia đến Anime… Vì đây là những đặc trưng “rất” Nhật mà.

 

 

Chee
Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: