Nghịch lý nửa dân số Nhật không tôn giáo, nhưng thích kết hôn trong nhà thờ và chết ở chùa?

Nhật Bản là dân tộc không quan tâm mấy đến tôn giáo. Nhìn vào sự “hỗn tạp” trong đời sống tôn giáo của họ các bạn sẽ hiểu.

初詣に神社 (Hatsumode ni Jinja)

結婚式は教会 (Kekkonshiki wa Kyoukai)

葬式はお寺な日本人!(Soushiki wa Otera na Nihon jin!)

Viếng đền đầu năm thì đến Thần Điện

Kết hôn thì vào nhà thờ

Đám tang lại tìm đến Chùa chiền

Đó là người Nhật!

Đây là những lời trích từ cuốn sách “Người Nhật không cần tôn giáo” (Nihon jin ni “Shyukyou” iranai) của tác giả Neruke. Đây là tên vị trụ trì chùa Antai thuộc phái Soto (1 trong 13 tông phái của Phật giáo Nhật Bản hiện nay), điều đặc biệt là ông không phải người Nhật mà là người Đức.

Trong quá khứ, ông theo đạo Thiên Chúa nhưng sau này lại rẽ sang con đường Phật giáo. Phàm là người đã có kinh nghiệm trải qua cả 2 tôn giáo nên ông có thể xem xét trực quan đời sống tôn giáo của người Nhật.

Theo số liệu năm 2016, số lượng người Nhật không theo bất kỳ tôn giáo nào là 57%, chiếm hơn 1 nửa dân số.

Ở Việt Nam, số lượng người dân không có tôn giáo cũng không hề ít, tuy nhiên điều đáng chú ý là dù mang danh nghĩa “Mushukyou (無宗教)”, nhưng người Nhật vẫn có một số hoạt động tôn giáo rất thú vị.

Theo phong tục Nhật Bản, có 4 nghi thức quan trọng của một đời người, đó là “ 冠婚葬祭 “ (Kan- kon- sou- sai) bao gồm lễ trưởng thành, lễ cưới, lễ tang và lễ cúng tổ tiên. Đây là 4 phong tục tồn tại xuyên suốt chặng đường sống của một người Nhật bất kể tôn giáo. Dù là một người không theo tôn giáo thì người Nhật vẫn có quyền lựa chọn cưới ở đâu và chết ở nơi nào. Thậm chí là người đã theo một tôn giáo, điều 20 Hiến pháp hiện hành vẫn đảm bảo cho họ quyền tự do lựa chọn tôn giáo khác.

Trước hết, hiện nay lễ cưới chủ yếu được tổ chức ở nhà thờ hay Thần Điện. Thế nhưng, nhà thờ vẫn luôn chiếm tỷ lệ cao hơn cả. Lý do đó là vì tài chính. Cưới theo kiểu Nhật đặc biệt đắt đỏ từ tiền thuê trang phục cho cô dâu chú rể đến người điều hành buổi lễ.

Nếu sống ở Tokyo, bạn có thể đến Meiji Jingu để chiêm ngưỡng các đám cưới truyền thống được tổ chức thường xuyên ở đó.

Chỉ nhìn thôi bạn cũng có thể cảm nhận sự đắt đỏ của đám cưới truyền thống đấy.

Vì thế mà giới trẻ hầu như sẽ lựa chọn cưới ở nhà thờ để tiết kiệm chi phí.

Về đám tang, người Nhật quan niệm rằng Thần đạo đề cao lẽ sống, còn khi chết đi đức Phật sẽ hướng chúng ta về cõi an lạc, đầu thai luân hồi. Vì thế người Nhật ưu tiên tìm đến cửa Phật và mời các cao tăng về để tụng kinh và cầu siêu cho người đã khuất.

Thế nhưng dù Phật giáo có phát triển mạnh mẽ đến thế nào thì Thần đạo vẫn được xem là tôn giáo quốc gia và gắn liền trong sinh hoạt của mỗi người Nhật cho dù họ có theo bất cứ tôn giáo nào hoặc không có tôn giáo.

Người Nhật tuy có “ngược đời” nhưng nếu tìm hiểu sâu, ta có thể thấy những nghịch lý đó lại hoàn toàn không “nghịch” chút nào phải không các bạn?

Chee

Những vụ án tôn giáo đẫm máu “chấn động” lịch sử nước Nhật

Giật mình trước cách người Nhật thay đổi Tone giọng

Cơn ác mộng của giao thông Nhật Bản bắt nguồn từ các tài xế “thất thập cổ lai hy

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: