Đánh rơi đồ ở Nhật – Tại sao không lo bị mất?

Ở Việt Nam, nếu bạn để quên điện thoại di động, đặc biệt tại những địa điểm ăn uống vỉa hè, chỉ sau 5 phút thôi, điện thoại của bạn đã “không cánh mà bay”.

Thế nhưng tại Nhật Bản, dù bạn để quên đồ ở bất kì đâu, bạn vẫn sẽ nhận lại được. Kể cả trong trường hợp đánh rơi ví tiền chứa khoảng 3000 man hơn 1 năm, bạn vẫn có khả năng sẽ được “đoàn tụ” với nó tại đồn cảnh sát. Theo khảo sát 75.000 dân du lịch toàn thế giới, Tokyo chính là thành phố an toàn nhất.

Vào năm 2014, Cục cảnh sát Tokyo đã nhận được tổng giá trị đồ đánh rơi lên tới 3,33 tỷ yên, trong đó 2,47 tỉ yên đã được trả lại đúng với chủ sở hữu.

Tại sao chỉ có ở Nhật, bạn mới có thể yên tâm “đánh rơi đồ” trong khi đồ đánh rơi sẽ “mãi mãi ra đi” nếu bạn ở một đất nước khác.

Dưới đây là 5 lý do giải thích cho hiện tượng kì bí trên.

  1. Sự thân thiện của các đồn Cảnh sát

Mỗi khi đánh rơi đồ và tìm kiếm lời khuyên từ mọi người, họ sẽ khuyên bạn “Hãy đến đồn cảnh sát”.

Ngày còn bé, bất kì người Nhật nào cũng được giáo dục rằng “Khi nhặt được đồ đánh rơi, hãy đem đến nộp cho đồn cảnh sát”. Không riêng gì người Nhật, ai cũng từng học điều trên trong môn Giáo dục công dân, nhưng ở Nhật, người dân có thể tuân thủ quy tắc đạo đức này một phần cũng vì sự thân thiện đến từ các đồn Cảnh sát.

Bởi lẽ, nếu ở Việt Nam, chẳng ai muốn dính dáng gì đến cảnh sát, chưa kể đến việc không phải dân Việt Nam nào cũng biết đồn cảnh sát nằm ở đâu để nộp. Vậy nên khi nhặt được đồ đánh rơi, nếu không “cuỗm” luôn, người ta cũng sẽ chọn cách để lại chỗ cũ cho số phận quyết định.

Thế nhưng người Nhật nắm được đầy đủ các quy trình giao nộp cũng như nhận lại đồ đánh rơi tại đồn cảnh sát. Và các bốt cảnh sát chính là nơi giữ đồ vô chủ đáng tin cậy nhất. Đồn cảnh sát ở Nhật có rất nhiều và dễ tìm. Theo thống kê vào ngày 1 tháng 4 năm 2006 trên toàn nước Nhật có khoảng 6363 bốt cảnh sát và 48700 nhân viên làm trong ngành.

Bên cạnh đó, khi nhặt được đồ đánh rơi ở Nhật, hành động mà người dân nghĩ đến đầu tiên là giao nộp cho cảnh sát, thay vì mất thời gian phân vân xem nên mặc kệ nó hay liên lạc trực tiếp đến người bị mất đồ. Cảnh sát sẽ làm việc đó thay bạn.

2. Tỉ lệ phạm tội thấp

Bạn đang thắc mắc điều này thì có liên quan gì đến việc tìm đồ thất lạc. Thật ra là có đấy. Cảnh sát ở các quốc gia khác bận rộn điều tra những vụ án lớn, từ giết người cướp của đến vi phạm giao thông,… họ không rảnh lấy một giây để quan tâm đến việc tìm đồ thất lạc.

Ở Nhật không phải là không có những vụ án nghiêm trọng, nhưng số lượng các vụ án như thế không nhiều. Lực lượng cảnh sát đông đúc có thể chia nhỏ lực lượng và giữ lại một bộ phận để đảm bảo nhu cầu này cho người dân.

Để đảm bảo tính công bằng, cảnh sát Nhật xem các vụ giao nộp đồ rơi có giá trị 3000 yên với những bóp tiền giá trị từ 1 đến 5 yên do trẻ em nộp là như nhau. Đồ đánh rơi không chỉ là ví tiền mà đôi khi còn là túi xách, dù, chưa kể đến chai bia, giấy vệ sinh,…Một số trường hợp cảnh sát có thể tìm được người thất lạc đồ, cũng có nhiều trường hợp đồ đánh mất giá trị không lớn thế nên nó sẽ vĩnh viễn ở lại đồn cảnh sát.

Cảnh sát Nhật Bản sẽ phải giải quyết tất cả những trường hợp kể trên. Hằng năm có khoảng 26 triệu trường hợp giao nộp đồ như vậy.

Thế mới thấy cảnh sát Nhật phải kiên nhẫn và “có tâm” như thế nào với công việc.

3. Giáo dục đạo đức ở Nhật

Người Nhật tin vào Thần đạo và các vị thần, đặc biệt là Thần Mặt trời ( Cũng vì thế mà Nhật Bản còn được gọi bằng cái tên “Đất nước Mặt trời mọc”), do đó mọi đứa trẻ ngay từ khi còn bé đã được giáo dục rằng.

“Không được làm chuyện xấu vì nghĩ không có ai biết. Bất cứ lúc nào bạn cũng đang bị theo dõi, vì Mặt trời lúc nào cũng chiếu trực tiếp vào bạn”.

Dù có núp kĩ thế nào mặt trời cũng sẽ rọi đến bạn

Chính vì thế, khi nhặt được đồ đánh rơi, theo nguyên tắc đạo đức, người Nhật sẽ không bao giờ “bỏ túi riêng”. Đương nhiên nói như thế không có nghĩa là mọi công dân Nhật Bản đều tuân thủ nguyên tắc này. Cũng có ngoại lệ nhưng trường hợp này rất hiếm.

đây là cách trẻ em Nhật sẽ làm khi thấy có người đánh rơi ví tiền

4. Sự đoàn kết

Ai cũng biết người Nhật sống theo cộng đồng. Ở Nhật có một cụm từ “出る杭は打たれる” (Deru kui wa utareru) hàm ý nếu bạn làm khác số đông, bạn sẽ bị mọi người ghét bỏ.

Trong một số trường hợp, cụm từ trên sẽ bị nghĩ theo nghĩa tiêu cực, nhưng nếu xét về sự đoàn kết, đó là một mặt tốt.

Tại một số các tiệm tạp hóa hoặc trung tâm thương mại tại Nhật, thỉnh thoảng bạn sẽ nghe thấy tiếng thông báo rằng “Xe của khách hàng biển số… đang bật đèn”. Khi đó bạn biết rằng, chiếc xe đó đang gặp trục trặc và cần hỗ trợ. Mục đích thông báo là để mọi người cùng giúp đỡ hoặc thông cảm nếu chiếc xe đó có gây ra trở ngại gì cho giao thông.

Chính vì tâm lý cộng đồng này mà dù làm bất kì việc gì, người Nhật cũng sẽ đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Họ cảm thấy trách nhiệm và mối liên kết với mọi người trong cùng một tập thể, vì thế việc nhặt đồ đánh rơi và trả lại người mất cũng là một nghĩa vụ họ phải thực hiện với tư cách là một công dân của cộng đồng chung.

5. Quy định về sở hữu trong Luật

Luật pháp Nhật Bản quy định rằng “ Trong vòng 3 tháng nếu như đồ bị mất không tìm được chủ nhân, chúng sẽ thuộc về người giao nộp”.

Ngoài ra Luật còn quy định rằng “Trong trường hợp tìm lại được đồ bị mất, chủ sở hữu phải chi một số tiền có giá trị 5% tổng giá trị vật bị mất cho người tìm thấy đồ”.

Chính vì thế khi phát hiện đồ đánh rơi, hãy đến giao nộp cho đồn cảnh sát. Bạn sẽ có thể nhận được một khoản tiền thưởng hoặc có thể sẽ sở hữu luôn món đồ nếu không có người đến nhận lại.

Tất nhiên đồ của bạn có thể sẽ trở lại nếu bạn đánh rơi chúng và được người tốt bụng nhặt được. Thế nhưng nếu bạn bị ăn cắp, có khả năng món đồ ấy sẽ một đi không trở lại. Ở đâu cũng có người tốt và kẻ xấu, Nhật Bản cũng chẳng phải ngoại lệ.

Nói Luật pháp và con người Nhật Bản tốt cũng có cái đúng, nhưng tốt nhất khi sống và làm việc ở bất kì đâu, cảnh giác và cẩn thận là hai đức tính không bao giờ thừa. Hãy biết để bảo vệ bản thân mình hơn bạn nhé.

Sachiko

Với bút sáp “không màu” trẻ em cũng dễ dàng trở thành hoạ sĩ

Tá hoả” với tục lệ bắt trẻ em cõng Mochi trên lưng rồi bò

Ca sĩ thần tượng Nhật Bản bị bắt vì mua dâm trẻ em 15 tuổi

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: