Nhật Bản hiền hòa nhưng hòa nhập không dễ

Sang Nhật được gần 2 năm, Long đã từng cảm thấy băn khoăn về quyết định của mình khi chọn xứ Mặt trời mọc làm nơi bắt đầu chặng đường mới. Cứ đi là sẽ tới, nhưng đôi khi vấn đề là “Bao lâu?”; Long từng đấu tranh rất nhiều và vẫn đang trên chặng đường nỗ lực từng ngày để khẳng định mình. “Cứ đi là sẽ tới!”, thật mừng là cậu luôn tin như vậy trong cả những giây phút nản lòng nhất.

Những băn khoăn khó tỏ của chàng trai sáng giá

Long là sinh viên miền Nam đầu tiên dũng cảm nghe theo tiếng gọi của trái tim để ra Hà Nội trở thành sinh viên ĐH FPT ngay từ những ngày đầu mới thành lập. Nhưng cậu không chỉ gây ấn tượng cho người khác bởi quyết định “đột phá” đó, mà còn bởi việc bền bỉ đứng trong hàng ngũ những sinh viên FU nổi bật trong lứa của cậu.

Tốt nghiệp FU hạng xuất sắc, chàng trai Long An khăn gói về quê một thời gian cho đỡ nhớ mẹ rồi bắt đầu chuyến hành trình dài ngày sang Nhật Bản. Cụ thể thì cậu thẳng tiến đến tập đoàn SBI Holdings ở Tokyo để làm việc. Ngay từ khi chưa nhận bằng tốt nghiệp, cậu cùng 3 bạn đồng môn đã được tuyển thẳng sang Nhật, đúng là một tin tốt và đáng ngưỡng mộ lúc đó. Cứ nghĩ mà xem, dân Nhật vẫn còn thất nghiệp nhiều lắm ý chứ mà họ lại tuyển sinh viên Việt Nam mới tốt nghiệp một trường Đại học Việt Nam sang làm việc, còn lo cho nhà cửa ăn uống các kiểu. Đúng là tin tốt!

Ai cũng biết Nhật là môi trường rất tốt để rèn luyện và trưởng thành, Long khăn gói sang Nhật. Đây không phải lần đầu cậu sang Nhật. Thuộc diện sinh viên hàng top của FU, cậu từng sang Nhật theo chương trình hợp tác với tổ chức JODC của Nhật để học tập văn hóa và kiến học tại các công ty ở Nhật Bản. Cậu cũng từng sang Nhật theo chương trình trao đổi sinh viên trước đó. Đại khái, đây chẳng phải lần đầu tiên xa nhà, cũng không phải lần đầu tới Nhật, người Nhật thì nổi tiếng tử tế và công ty thì có danh tiếng (tập đoàn tài chính hàng đầu Nhật Bản – SBI Holdings), nói chung là không có gì phải lo.

Thế mà vài tuần, rồi vài tháng, cậu bắt đầu lo nghĩ. Chuyện thì không có gì phức tạp cả. Mọi chuyện đều ổn. Chỉ là… cậu cứ băn khoăn mãi. Ở nhà, cậu là sinh viên xuất sắc. Đi thực tập hay đi làm, lúc nào cũng được giao những việc khó khăn, nhiều thách thức. Công việc vì thế mà tràn đầy hứng thú với một kẻ thích thử thách như cậu, hay với bất kì anh chàng xuất sắc nào. Thế mà sang đây, việc khó chẳng tới tay. Cậu được giao làm những công việc nhẹ nhàng và dễ dàng. Long bắt đầu băn khoăn, thậm chí bắt đầu chán.

“Hay là quay về Việt Nam”, câu hỏi đặt ra không có lời giải đáp. Chàng trai giỏi giang của bố mẹ, chàng trai xuất sắc của FU, chàng trai trông đợi làm những việc quan trọng hơn nhiều lần công việc cậu đang làm lúc đó; nếu quay về VN, cậu sẽ có cảm giác “bằng bạn bằng bè” khi tiếp nhận những vị trí tốt, những công việc khó, lại không phải băn khoăn “tối nay ăn gì” vào lúc 9-10h đêm mỗi ngày, không phải nhớ nhà hay lên cơn thèm Việt Nam.

Ôi cái nỗi lòng của những đứa trẻ xa nhà, có ở vào hoàn cảnh 3 năm hay 5 năm tới mới thấy đường bay hẳn về nhà, thì may ra mới hiểu.

Câu chuyện Nhật Bản của Long không phải câu chuyện quá mới hay cậu chưa được chuẩn bị trước khi sang Nhật.

Với truyền thống văn hóa đặc trưng của mình, mỗi công ty Nhật Bản giống như một gia đình, đề cao kinh nghiệm, sự gắn bó trung thành, cũng như tín nhiệm người bản xứ. Ở Việt Nam, Long là thanh niên nghiêm túc xuất sắc, vốn tiếng Nhật và hiểu biết văn hóa Nhật tốt, ra trường đi làm lương chục triệu. Vẫn còn đường lui cho cậu. Việt Nam luôn sẵn sàng đón cậu về. Ở trong một xã hội mà đến ngôn ngữ (tiếng Nhật) còn cần học hỏi thêm, và cảm giác như mình không thể hoặc sẽ mất rất lâu để có thể hòa nhập vào cộng đồng như-một-người-Nhật-thật-sự quả không đơn giản. Hẳn sẽ mất đến hàng năm trời. Trong khi tuổi trẻ của cậu có hạn và đã muốn vùng vẫy lắm rồi.

Winners never quit

Ở lại chứ! Long chọn ở lại và đối diện với thách thức.

Câu chuyện về văn hóa Nhật Bản cậu đã học, nhưng giờ mới thật sự trải nghiệm.

Nếu cuộc sống thời đi học giúp người ta cởi mở và dễ trò chuyện, trao đổi với nhau, kết thân và làm mọi điều như những thanh niên trẻ khoác áo học trò vẫn làm; thì đời sống công sở lại hơi khác.

“Tiếng Nhật của mình cũng khá, thế mà sang đây, nhiều lúc cảm giác mình như người xa lạ. Họ nói câu chuyện vui mà mình mãi không cười được. Cảm giác lạc lõng lắm”, Long kể.

Cả những câu chuyện như người Nhật rất tốt bụng, rất giúp đỡ, và cũng rất gắn bó với công ty cũng là một áp lực không nhỏ. Bước vào gia đình người khác đòi hỏi thời gian và cả việc hòa nhập cái tôi. Gia đình nào càng nền nếp, càng gắn bó, và càng khác biệt văn hóa, càng khó.

“Mình làm tốt mọi việc cần làm. Việc dễ. Việc đơn giản. Việc mà chính mình thấy nhàm chán. Lẫn công việc đòi hỏi nhiều năng lực hơn. Việc gì cần làm cũng làm tốt nhất có thể. Ở Việt Nam hay đùa nhau là “Sống bằng niềm tin”, nhưng ở Nhật, niềm tin là thứ tối quan trọng. Uy tín có khi là tất cả. Và để đạt được điều đó, bạn phải làm việc như một người Nhật: Tận tụy, hết lòng, từ việc nhỏ tới việc nhỏ nhất. Vượt qua được ngưỡng đòi hỏi của cái tôi, vượt qua được thách thức về sự bền bỉ, kiên nhẫn, bạn sẽ có cơ hội chứng tỏ được năng lực.” Long giản dị kể về 2 năm ở Nhật.

Vẫn chưa chém gió được, nhưng đã coi Nhật Bản là nhà

Lần trò chuyện gần đây nhất, Long – nay đã là một chàng trai bận rộn quen thuộc với guồng quay Nhật Bản chia sẻ nhiều rạng rỡ: “Ôi, vẫn chưa chém gió được bằng tiếng Nhật. Nhưng giờ đã thấy gắn bó và muốn ở đây lâu lâu thêm chút nữa rồi”.

Chuyển từ trăn trở “về hay ở?” sang trạng thái gắn bó thật chẳng dễ dàng.

Nhiều người tin rằng mỗi đất nước phát triển là một miền đất hứa. Ở trên những mảnh đất hứa, ta lại cố gắng tìm đường tắt để vươn tới những mục tiêu muốn, vươn cao và cao hơn nữa. Nhưng bước ra một vùng trời khác, có khi bạn phải học lại từ cách chào hỏi, nói năng, tập lại từng lần phát âm, và dường như bước qua tuổi rèn giũa học hành một lần nữa khi điều gì cũng phải học lại từ đầu. Văn hóa, phong tục tập quán, quan điểm hay đơn giản là cách bước xuống tàu điện ngầm sẽ dạy bạn biết mình hoàn toàn có thể thành một người lớn rất khác.

Và chẳng có đường tắt nào trên những vùng đất hứa. Mỹ, Anh, Singapore, Hàn Quốc, Đức, Pháp v.v… không có, Nhật Bản càng không có.

Nếu bạn từng nuôi giấc mơ Nhật, yêu say đắm văn hóa xứ hoa anh đào, cứ biết rằng chặng đường đến Nhật đã không dễ, thì chặng đường trên đất Nhật càng không đơn giản.

Chỉ là, nếu bạn đã ở FU, đường tới Nhật của bạn sẽ đơn giản hơn. Và đã qua thời gian rèn giũa ở FU, việc ở Nhật sẽ thuận lợi hơn. Chứ khó khăn, thì vẫn còn đầy rẫy.

Dù sao, Nhật Bản cũng là một thử thách tuổi trẻ đáng để FUers dấn thân.

NgaNTT2

(Theo Cóc Đọc số 56)

Du học sinh đột tử trước khi bảo vệ luận án thạc sĩ tại Nhật Bản

Du học sinh Việt Nam được khen thưởng sau khi cứu sống người tự tử ở Nhật Bản

Hơn 90% du học sinh Việt ở Nhật bỏ học, vì sao?

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: