Ở Nhật, không cần mua sách, cứ thoải mái “coi cọp”?
Ai cũng biết Nhật Bản có trình độ dân trí cao với 100% dân số đều biết đọc, biết viết. Chính vì thế người Nhật đọc rất nhiều, từ sách báo đến tạp chí,…Những người không đọc ở Nhật thường bị xem là “BAKA” – đồ ngốc.
Các tài liệu giấy chưa bao giờ đánh mất vị thế của nó ở Nhật, ngay trong thời đại công nghệ thông tin và sự bùng nổ của các thiết bị thu phát truyền hình, mà Nhật Bản cũng là một trong những quốc gia đi đầu.
Bạn thường bắt gặp hình ảnh rất nhiều người Nhật đứng tại các sạp báo hoặc cửa hàng tiện lợi, không phải để mua hàng mà chỉ chăm chú dán mắt vào một quyển sách, hay một tờ tạp chí nào đó. Đó chính là một trong những nét văn hóa rất đặc trưng tại Nhật, Tachiyomi (立ち読み) – đứng đọc.
Tachiyomi quả là một giải pháp tiện lợi cho những người không có tiền, nhưng vẫn muốn đọc sách. Ngoài ra, Tachiyomi cũng là thú tiêu khiển số một để giết thời gian trong lúc chờ đợi bạn, xe buýt hoặc tàu lửa.
Đứng đọc? Sao lại phải hành xác như thế nhỉ. Nếu muốn đọc sách, chỉ cần đến thư viện, hoặc mua sách về nhà, tìm một chỗ mát mẻ thoải mái để đọc, không phải dễ chịu hơn sao?
Không giống người Việt Nam, người Nhật không ngại đứng. Họ đã phải đứng rất lâu trên những chuyến tàu đông ních người, thậm chí đứng hàng dài chờ đến lượt mình tại những nhà vệ sinh công cộng. Tôi đã từng chứng kiến cảnh hàng người dài dằng dặc trước cửa nhà vệ sinh công cộng, nhưng không một ai la ó hay tỏ thái độ khó chịu. Mọi người rất trật tự, bình thản và trông ai cũng như đang nghĩ xa xăm đến vấn đề khác. Ngoài ra ở Nhật không chỉ có văn hóa đứng đọc Tachiyomi, mà còn có văn hóa đứng ăn Tachigui (立ち食い).
Mặt trái của Tachiyomi
Tachiyomi là một biện pháp rất tiện lợi. Thế nhưng cũng từ đó sinh ra nhiều vấn đề.
Có rất nhiều người đến tiệm sách hoặc Konbini với cùng một lý do Tachiyomi. Mà một khi bị cuốn hút vào một quyển sách hay tờ tạp chí, họ có thể đứng đó hàng giờ. Điều này gây cản trở cho vấn đề kinh doanh của các cửa tiệm. Thậm chí có người đứng ngáng giữa lối vào của tiệm sách, đọc say sưa một quyển sách yêu thích.
Ngoài ra, việc đọc sách mà không mua sách, ở Việt Nam hay được gọi bằng cụm từ “coi cọp” là một hành vi thất lễ với tác giả cuốn sách cũng như người bán. Có người không những đọc, còn chụp ảnh lại những đoạn họ thấy hay và bổ ích. Nếu thế thì bán sách để làm gì nữa khi bạn có thể lấy thông tin bạn cần mà không phải bỏ tiền túi ra mua?
Các cửa hàng cũng có chiêu thức để hạn chế tình trạng này, đó là họ bọc bìa kín một số các quyển sách.
Thế nhưng…
Không thể cấm Tachiyomi? Tại sao?
Dạo gần đây, người Nhật, đặc biệt là các thanh niên trẻ không có thói quen đi nhà sách với mục đích mua sách nữa. Nếu không phải để Tachiyomi khi chờ đợi cuộc hẹn hay tàu, xe, họ sẽ chọn đặt mua sách qua Amazon thay vì lựa chọn sách tại hiệu sách.
Với một cái Click chuột, bạn đã có thể tìm được đề sách yêu thích trên trang bán hàng tự động. Việc này nhanh hơn nhiều so với việc mất cả buổi tìm kiếm tại nhà sách. Nếu cứ thế này chẳng mấy chốc các tiệm sách ở Nhật sẽ chẳng còn khách hàng.
Chính vì thế, ngày càng nhiều cửa tiệm cho phép khách hàng đứng đọc gọi là 「立ち読みを許可している店」( Tachiyomi wo kyoka shiteiru mise). Một điều thú vị là, doanh thu tại những cửa tiệm này lại cao hơn so với các cửa tiệm cấm Tachiyomi.
Lý do vô cùng đơn giản: “vì nơi đó cung cấp giá trị miễn phí”. Sau một thời gian Tachiyomi, bạn sẽ dễ dàng tìm ra được quyển sách mà bạn muốn mua. Nếu không mua sách bạn cũng có thể mua các sản phẩm đi kèm như bánh kẹo, thức uống tại tiệm khi đọc sách. Quả là tiện cả đôi đường.
Ở Việt Nam hiện nay đang mở rất nhiều tiệm sách có khu đọc sách riêng, ngoài ra trình bày bìa sách của những quyển sách cũng ngày càng trở nên hấp dẫn và bắt mắt hơn. Tất cả những việc này nhằm khuyến khích người dân quan tâm đến việc đọc sách hơn, đặc biệt hướng tới lứa tuổi thanh thiếu niên.
Người Nhật, dù cho có bận rộn đến đâu, họ cũng sẽ cố gắng giành ra khoảng thời gian để đọc sách, trau dồi thêm những điều họ muốn biết về cuộc sống. Trong sách có rất nhiều thứ mà báo, đài, TV hay kể cả nhà bác học Google cũng không thể lý giải cho bạn được.
Bạn có nhớ lần cuối cùng bạn đọc sách là khi nào, và tên quyển sách gần đây nhất mà bạn đọc là gì không?
Sachiko