Thân thiện quá, người Nhật bị động vật ‘lờn mặt’
Hằng năm có rất nhiều du khách đến Nhật Bản để trải nghiệm nền văn hóa lâu đời, ẩm thực phong phú. Bên cạnh đó họ còn thích thú với thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ của nơi này. Nhật Bản có sự đa dạng sinh học, từ cảnh núi rừng tuyết phủ trắng xóa ở vùng phía Bắc Hokkaido đến khí hậu nhiệt đới đặc trưng của vùng biển Okinawa.
Đây cũng chính là nhà của rất nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm.
Chồn Tanuki
Khỉ tuyết tắm suối nước nóng
Không giống người Việt con gì cũng ăn được, người Nhật rất yêu mến động vật, đặc biệt là động vật hoang dã. Nơi đây chính là vùng “đất lành chim đậu”, ngay cả qụa cũng có thể nhởn nhơ bay qua bay lại trên đường phố Nhật Bản.
Kể cả hươu – loại động vật chỉ có thể được nhìn thấy trong sở thú ở Việt Nam, cũng thảnh thơi “hưởng ké” máy lạnh.
Tại sao thú hoang dã Nhật Bản lại dạn như vậy nhỉ?
Thông thường động vật hoang dã rất sợ con người. Thế nhưng điều này không đúng ở Nhật.
Rất nhiều người Nhật thích cho động vật ăn như một trò tiêu khiển. Họ cho ăn từ những con vật bình thường như chó, mèo đến cả Tanuki (Chồn núi), gấu, cá, khỉ, hươu,…Đặc biệt, các du khách, thợ chụp ảnh khi muốn săn hình của các con vật này thường dùng thức ăn để dụ chúng đến gần. Chính vì nhu cầu này, thức ăn cho động vật được bán rất phổ biến tại đền, chùa, công viên và một số các điểm vui chơi giải trí khác.
Làm sao nỡ từ chối những ánh mắt ngây thơ ấy đây!
Thế nhưng một số nơi bắt đầu cấm hoạt động này. Nguyên nhân vì nếu làm như thế, động vật hoang dã sẽ trở nên ‘lờn mặt’ con người.
Thức ăn ta cho chúng vốn không phải thức ăn mà chúng lẽ ra nên ăn. Cho động vật ăn thức ăn của người sẽ khiến chúng gần người hơn, không những thế chúng sẽ quen với khẩu vị của người. Từ đó, động vật hoang dã sẽ có xu hướng phá hoại vườn tược của nông dân để tìm kiếm thức ăn.
Chính phủ Nhật Bản điều tra được khoảng 20 tỷ yên thiệt hại do động vật hoang dã phá hoại mùa màng vào năm 2006, quả là con số đáng báo động.
Câu chuyện về Tỳ Linh Nhật Bản, từ loài động vật cần được bảo tồn đến động vật gây hại chính là ví dụ điển hình cho vấn đề này.
Tỳ Linh được liệt vào danh sách động vật cần được bảo tồn vào năm 1950. Sau khi được Chính phủ Nhật Bản liệt vào danh sách “Báu vật thiên nhiên đặc biệt”, chúng được cảnh sát bảo vệ, tạo môi trường thuận lợi để sinh sống. Số lượng loài động vật này tăng dần lên, và đạt con số chóng mặt trong thời gian ngắn.
Đến lượt Cơ quan Lâm nghiệp bắt đầu lo lắng về sự phá hoại của Tỳ Linh lên mùa màng, và bắt đầu thắt chặt các biện pháp quản lý. Thậm chí, người ta cho phép săn Tùy Linh ngoài phạm vi bảo tồn.
Dù có yêu mến động vật, cũng nên nhớ rằng các loài trên là động vật hoang dã, và cần được sống trong môi trường tự nhiên của chúng. Chúng không phải là thú nuôi, nên không được ăn thức ăn của thú nuôi hay thậm chí của con người.
Mori Chack đã tạo ra hình ảnh con gấu chán đời kinh dị để ủng hộ quan điểm trên.
Vì thế, khi định cho chim ăn ở công viên, hãy xét đến việc những con chim này sẽ bu bám và phá phách bạn nhé! Có những thứ chỉ nên ngắm thôi bạn ạ.
Sachiko