Đại thảm họa động đất 100 năm trước sẽ lặp lại ở Tokyo?

Vào năm 1923, một trận động đất “kinh thiên động địa” đã làm rung chuyển cả Tokyo.

Trong tổng số 1.900.000 người chịu thiệt hại có đến 105.000 người thiệt mạng. Ước tính cho thấy, có 109.000 tòa nhà sụp hoàn toàn và 212.000 căn bị thiêu rụi trong thảm họa.

Thời điểm xảy ra động đất vào lúc 11:58 giờ địa phương, trùng với khoảng thời gian rất nhiều gia đình đang chuẩn bị bữa ăn trưa. Chính vì vậy, đi kèm với động đất là trận hỏa hoạn khủng khiếp lan nhanh trên diện rộng.

Theo lời bà tôi kể lại, nhờ nhảy xuống dòng sông mà bà tránh được ngọn lửa hung tàn truy đuổi. Tình thế lúc ấy hết sức nguy hiểm.

Bà may mắn thoát chết. Thế nhưng có rất nhiều người, dù đã chạy đến bờ sông nhưng không thể thoát được tử thần. Nhiều người không chết vì lửa mà chết đuối do sông cuốn trôi.

Tuy không trực tiếp chứng kiến, chỉ cần nghe kể lại tôi đã đủ thấy rùng mình. Nếu bây giờ, đại thảm họa ấy tái hiện tại Tokyo, chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ?

Khi ấy số dân tại Tokyo là 3.700.000 người. Nhưng hiện nay tại thành phố này, nhân khẩu đã lên đến 13.000.000 người.

Tôi có thể tưởng tượng được thảm cảnh sẽ xảy ra như sau:

1. Hiện tượng “hóa lỏng” đất nền.

Rìa Đông Tokyo là nơi có mặt bằng thấp. Đất ở đây ngang hoặc thậm chí thấp hơn cả mực nước biển. Phần đất gốc trước kia nằm trong biển do đó đất có bề mặt rất yếu, hiện tượng “hóa lỏng đất nền” thường xuyên xảy ra.

Khi bị hóa lỏng, phần đường nhựa nứt ra, nước từ dưới lòng đất bắn lên trên. Đường phố văn minh sẽ ngay lập tức trở thành đống hỗn độn, nhầy nhụa.

Đất bị hủy hoại ảnh hưởng đến phần mống của những căn nhà, dẫn đến hiện tượng nhà sập liên tiếp. Theo hiệu ứng Domino, vùng bị thiệt hại do động đất sẽ rất rộng, khó lường trước.

Vào lúc xảy ra trận động đất kinh hoàng năm 2011, một phần tỉnh Chiba, cách tâm chấn tận 300km cũng bị ảnh hưởng nặng nề do hiện tượng này gây ra.

2. Đại hỏa hoạn

Đã có rất nhiều người chết do hỏa hoạn gây ra bởi động đất tại Tokyo 100 năm về trước.

Tại sao đi kèm với động đất lại có hỏa hoạn? Một phần vì thời gian xảy ra động đất trùng hợp với khi các gia đình đang “thổi lửa nấu cơm”. Nhưng cũng một phần vì địa thế của Tokyo khá thoáng, gió mạnh thường xuyên thổi qua khiến ngọn lửa càng thêm dữ dội.

Bên cạnh đó, những căn nhà tại Tokyo được làm từ gỗ dễ bắt lửa. Đã có hơn 10.000 người chết do hỏa hoạn tại thành phố đông đúc này.

Không những thế, có rất nhiều nơi tại Tokyo, ví dụ như Adachi-ku, đường phố rất hẹp, phương tiện cồng kềnh như xe chữa cháy rất khó di chuyển.

Chính vì thế, nếu có hỏa hoạn, sẽ không có nhiều biện pháp con người có thể làm để hạn chế thiệt hại.

Chưa kể đến cơn ác mộng thật sự trong những trận hỏa hoạn, “vòi rồng lửa”. Vòi rồng lửa xảy ra khi xuất hiện chênh lệnh nhiệt độ áp suất giữa hai vùng không khí, tạo thành dòng đối lưu bốc ngùn ngụt lên trên, như những thực thần chực chờ nuốt chửng lấy con người.

Nhiệt độ bên trong các vòi rồng như thế này lên đến 1000 độ C. Cả khi bạn không nằm trong tâm bán kính nơi vòi rồng đi qua, bạn vẫn có khả năng bị ngạt hơi.

3. Sập nhà cao tầng và hệ thống đường xá

Tokyo là một thành phố hiện đại với hệ thống đường xá và các công trình cao ốc nhà chọc trời chằng chịt. Ngoài ra, có một số đường lộ băng trực tiếp qua tòa nhà.

Hiện tại, bạn đang đứng trên đường cao tốc, nhưng vào thời điểm xảy ra động đất 100 năm trước, dưới chân bạn là một con sông. Nhờ có con sông đó mà bà tôi mới thoát chết.

Thế nhưng, Tokyo đang ngày càng trở nên chật chội. Người ta vẫn đang tiến hành xây dựng thêm rất nhiều công trình, không còn nhiều đất trống nữa.

Đừng quên, rất nhiều đất ở Tokyo là do lấp sông mà thành, vì thế bề mặt đất rất yếu. Chắc bạn cũng có thế tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra với các công trình xây dựng “hạng nặng” đó khi có động đất rồi chứ?

4. “Cơn mưa kính” 

Nhà chọc trời ở Tokyo đa phần là nhà lắp cửa kính. Khi các căn nhà này sập, kính sẽ vỡ hàng loạt, rơi xuống như “mưa trút nước”.

Không chỉ có thế…

Trong trường hợp tòa nhà đó là văn phòng, mưa kính sẽ đi kèm với các món đồ nội thất khác như bàn ghế, tủ sách,… vô cùng nguy hiểm với người đang chạy trốn ở dưới.

5. Nguy cơ từ việc hạ thấp giá công trình

Giá thành ở Tokyo vô cùng đắt đỏ, điều này ai cũng biết. Vì thế, để cho thuê được một căn chung cư, rất nhiều người đã cố tình xây dựng với vật liệu rẻ, không đạt chuẩn chống động đất do Chính phủ Nhật Bản đề ra. Chính vì vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên khi các căn chung cư rẻ tiền này sập hàng loạt trong đại thảm họa.

6.Nguy hiểm từ các phương tiện sinh hoạt

100 năm về trước, đây không thật sự là một mối họa, vì cuộc sống người dân khi ấy khá đơn giản, không có nhiều phương tiện hỗ trợ như bây giờ.

Thế nhưng bây giờ Tokyo đã trở thành một nơi nguy hiểm. Theo bảng xếp hạng các thành phố có nguy cơ thiệt hại cao do thiên tai gây ra của SwissLife vào năm 2013,  Tokyo cùng với Yokohama có thứ hạng cao nhất.

Tối đa 29.000.000 người bị thiệt hại do động đất lớn tại vùng phụ cận Tokyo. Con số rất đáng báo động.

Theo thống kê của một công ty bảo hiểm Đức, Tokyo nguy hiểm hơn Los Angeles (Mỹ) 7,1 lần.

Những thông tin trên đã làm bạn hoảng sợ về những nguy cơ khi sinh sống tại Tokyo. May mắn thay, các trận động đất lớn như 100 năm trước được dự đoán chỉ xảy ra 1 lần trong khoảng từ 220 đến 400 năm. Thế nhưng, từ 2011, đã có rất nhiều trận động đất xảy ra tại Tokyo, và có thông tin rằng động đất lớn có thể xảy ra vào năm 2020.

Tôi biết có rất nhiều bạn trẻ tìm đến Tokyo như vùng đất mơ ước, thế nhưng bạn cũng nên cân nhắc những hiểm họa trên nhé trước khi đi nhé !

Kengo Abe

Không dùng đinh ốc, người Nhật cổ vẫn xây nên những kiến trúc chống động đất như thường

Nhật Bản chế tạo siêu phẩm đặc trị động đất

 

 

 

 

 

 

 

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: