Thực hư việc người Nhật “ghiền” hành xác, thích xếp hàng?

Xếp hàng ở Việt Nam, chỉ cần chờ tầm 15 phút thôi đã thấy đầu như bốc khói, khi thỉnh thoảng lại có vài người khách đến sau chen lên trước. Chưa kể đến việc một số bạn xếp hàng nhưng không rõ là đang đứng hàng nào, xếp hàng cho mình chưa xong, còn phải giữ chỗ cho bạn của mình vừa mới rời hàng đi vệ sinh.

Người Việt Nam, nếu thấy nhiều người đứng chờ, dù là không bận, cũng sẽ bỏ đi chỗ khác. Thế nhưng người Nhật vẫn sẽ kiên trì xếp hàng đến cùng.

Nhắc đến xếp hàng, có lẽ Nhật Bản là một trong những quốc gia đi đầu, tiên phong. Không khó để thấy hầu hết các nhà hàng, tiệm cà phê, những điểm công cộng của Nhật đều có một hàng người dài đằng đẵng ở phía trước. Dù số lượng người rất đông và thời gian chờ đợi dài, thế nhưng hàng người vẫn im lặng, nghiêm túc vô cùng trật tự.

Xếp hàng được xem như một nét văn hóa đặc trưng ở Nhật. Người Nhật xếp hàng không chỉ vì đó là nguyên tắc, luật lệ mà họ buộc phải tuân theo. Một số người Nhật còn phát cuồng với việc xếp hàng. Đối với họ, chờ 3-4 tiếng để ăn một món ăn là chuyện hết sức bình thường.

Hôm nay, Japo muốn bàn đến nguyên nhân đằng sau văn hóa xếp hàng và sở thích xếp hàng kỳ lạ của người Nhật. 

Một trong những nơi có hàng khách dài nhất tại Tokyo là nhà hàng Eggs’n Things chuyên về Pancakes. Vào giờ cao điểm, hàng người có thể kéo dài tận mấy con phố. Thời gian chờ đợi để được ăn có thể lên đến tận 2 giờ đồng hồ.

Có thể vì Pancakes ở đó quá ngon đến mức không ăn không thể về. Cũng có thể do thời gian chế biến Pancakes tốn nhiều thời gian. Thế nhưng bỏng ngô thì sao?

Tại Harajuku có một thương hiệu bỏng ngô tên là Garrett Popcorn. Thời gian chờ trung bình ở đây là 1 tiếng, cho dù bỏng ngô có thể được chế biến hoàn toàn tự động bằng máy móc.

Tương tự với Ramen – thức ăn nhanh của người Nhật. Dù bạn chỉ mất 5 phút để nấu mì, và thêm 5 phút để ăn mì. Thế nhưng người Nhật vẫn sẵn sàng chờ 1-2 tiếng đến khi có bát mì để ăn.

Ở Nhật có một khái niệm “行列のできる店” (Gyouretsu no dekiru mise) – Các quán ăn muốn ăn phải xếp hàng. Nghe tên thôi đã thấy mệt mỏi rồi. Ấy vậy mà rất nhiều nhà hàng ở Nhật đã sử dụng cái tên này như một chiêu thức Marketing. Chiến lược thành công khi nhờ đó mà những cửa hàng này thu hút thêm ngày càng đông thực khách thay vì mất khách như chúng ta dự đoán.

Tiệm cà phê xếp hàng chủ đề Detective Conan ở Harajuku

Không riêng gì cửa hàng ăn uống…

Ở Nhật có khá ít công viên giải trí lớn, trong khi nhu cầu của dân chúng lại khá đông. Chính vì thế các công viên chủ đạo tại Nhật như Disneyland, Fuji Q Highland gần núi Phú Sĩ, và Universal Studios Japan ở Osaka thu hút một lượng lớn khách du lịch hằng năm.

Bạn cứ tưởng tượng, Fuji Q Highland chỉ mở cửa 9 giờ 1 ngày thế nhưng để chơi những trò chơi phổ biến trong đó, bạn phải xếp hàng có khi hơn 3 giờ đồng hồ. Như vậy 1/3 thời gian của bạn sẽ chỉ dùng cho việc xếp hàng mà thôi.

Trường hợp tương tự xảy ra khi tham gia các sự kiện lớn ở Nhật, ví dụ đại sự kiện Comiket. Sự kiện này được tổ chức 2 lần trong năm vào mùa hè và mùa đông, tập hợp hàng trăm ngàn người.

Mùa hè ở Nhật đúng là ác mộng với cái nắng nóng như thiêu như đốt vậy mà sự nhiệt tình của các Fan hâm mộ không hề suy giảm. Thế nhưng cho dù bạn có bắt chuyến tàu đầu tiên đến nơi diễn ra sự kiện, bạn cũng đứng trước nguy cơ phải đợi đến 5 tiếng trước khi được vào trong.

Vậy câu hỏi lớn đặt ra là, tại sao người dân ở Nhật lại quá kiên nhẫn như vậy? Làm sao họ có thể quen với văn hóa xếp hàng khắc nghiệt này.

Chúng ta thấy gì khi nhìn vào một hàng dài người chờ đợi. Nếu bạn thấy ở đó sự tốn thời gian và mệt mỏi, thì người Nhật thấy chất lượng sản phẩm. Hàng càng dài càng chứng tỏ rằng sản phẩm đó được nhiều người yêu thích, tin dùng.

Không chỉ người mà xe cũng xếp hàng rất nghiêm túc

Rất nhiều thương hiệu nổi tiếng với hàng dài người chờ đợi, và chưa bao giờ để khách hàng phải thất vọng vì chất lượng phục vụ.

Không chỉ xét về chất lượng, nhiều người xếp hàng tại một địa điểm chứng tỏ địa điểm đó đang HOT và cần phải tham gia ngay nếu không muốn tụt hậu. Thế mới thấy người Nhật vẫn rất nặng về tâm lý số đông.

Không phải người Nhật thích xếp hàng. Rất nhiều người Nhật cũng ghét phải chờ đợi, thế nhưng dù vậy họ vẫn nghiêm túc xếp hàng vì những lý do sau (Theo dữ liệu từ JAPAN VIEW – Matome Japan)

  • Tôi hiểu rằng giá trị của xếp hàng sẽ mang lại thức ăn ngon và món đồ tốt.
  • Danh tiếng của cửa hàng đó rất tốt, tôi cũng muốn thử
  • Nếu thời gian vẫn cho phép thì xếp hàng cũng không sao
  • Chờ cũng được, dù gì tôi cũng muốn ăn ( muốn mua) món đó mà
  • Thấy người ta xếp hàng, cũng muốn thử xếp hàng.

Dù có thể đủ kiên nhẫn chờ đợi, điều làm Nhật Bản trở nên đặc biệt đó là sự nghiêm túc và trật tự của hàng người. Làm sao bình tĩnh được khi số lượng hàng có hạng mà lượng người lại không suy giảm đi chút nào. Sẽ thế nào nếu người phía trước bạn vừa được nhận món hàng cuối cùng trong ngày. Hôm ấy chắc chắn phải là ngày tồi tệ lắm.

Ngay cả ở Mỹ, vào Black Friday, hàng người cũng nhanh chóng rơi vào hỗn loạn khi họ cố gắng tranh nhau món hàng cuối cùng.

Người Nhật làm gì trong quá trình chờ đợi?

Vì phải xếp hàng quá nhiều, dường như người Nhật đã quen với việc xếp hàng. Trong quá trình xếp hàng, họ có thể trò chuyện đủ thứ trên đời với bạn bè, lướt điện thoai, ngắm cảnh bên đường,…

Nếu chẳng may không thể có món đồ trong ngày hôm nay, họ sẽ quay lại sớm hơn vào ngày hôm sau.

Bạn sẽ chẳng thể thắng nổi người Nhật ở sự kiên trì đâu.

Nếu có dịp, bạn có muốn thử thách bản thân với việc xếp hàng ở Nhật không?

Sachiko
Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: