Áo Dài và Kimono, bạn bình chọn cho bộ quốc phục nào?

Áo dài hay Kimono?

Những năm gần đây, sau sự kiện kỷ niệm 45 năm quan hệ Việt-Nhật, mối bang giao giữa hai nước ngày một tốt đẹp và thăng hoa hơn bao giờ hết.

Trong sự giao thoa đó, văn hoá là lĩnh vực vô cùng quan trọng, giúp củng cố sự hiểu biết lẫn nhau và tôn vinh nét đặc trưng từng dân tộc.

Bạn thích văn hoá nào của nước Nhật? Văn hoá hiện đại Otaku, văn hoá ứng xử trong công sở hay văn hoá Samurai truyền thống…?

Nhắc đến quốc phục Nhật Bản, cả thế giới đều biết đó là Kimono. Nghe danh Việt Nam, hẳn đó phải là Áo dài!

Vậy để chọn một trong hai, bạn sẽ “bỏ phiếu” cho bộ quốc phục nào ?

Hãy cùng Japo làm một so sánh vui để tìm ra trang phục bạn yêu thích nhé!

1.Các bộ phận

Quan sát hai bức ảnh sau đây, các bạn sẽ thấy sự khác biệt:

 

Trong khi áo dài chỉ có 12 phần thì Kimono lại có đến 16 bộ phận. Thoạt nhìn, tưởng chừng như Kimono chỉ cần quấn lại và thắt chặt bằng một chiếc Obi là xong.

Nhưng không đâu, chính vì trông quá đơn giản nên việc mặc Kimono lại càng khó hơn bao giờ hết.

Hình ảnh trên chỉ là chiếc áo ngoài cuối cùng mà bạn thường thấy. Thế nhưng, bên trong lại có rất nhiều bộ phận khác như hình dưới.

Vì thế, hầu như chỉ những ai đã học qua trường lớp hoặc có chứng chỉ mặc Kimono mới có thể mặc được. Vậy nên, bạn đừng hiểu nhầm rằng hễ ai là người Nhật cũng mặc được Kimono cho người khác hoặc thậm chí tự mặc cho mình đâu nhé.

Còn áo dài, có thể nó sẽ khiến bạn lúng túng vào lần mặc đầu tiên, nhất là ở phần cổ áo. Thế nhưng những lần sau đó, ai cũng có thể mặc nó dễ dàng.

Sự khác biệt về khí hậu cũng ảnh hưởng ít nhiều đến các phần trang phục. Trừ mùa hè, hầu như mùa nào ở Nhật cũng man mát, thậm chí cực lạnh vào mùa đông, thế nên Kimono gồm nhiều lớp, nhiều tầng cũng là vì lý do giữ ấm cơ thể. Còn Việt Nam, nhất là về phía nam, quanh năm nắng nóng, thế nên áo dài chỉ đơn giản gồm một lớp duy nhất.

2.Chủng loại 

ÁO DÀI 

Dựa theo mục đích sử dụng, ta có thể chia ra 3 loại áo dài chính: đó là áo dài học sinh, áo dài thường và áo dài đám cưới.

Gần đây có thêm kiểu áo dài cách tân với nhiều biến tấu thú vị và không kém phần nữ tính.

KIMONO

Trong cuộc đời mỗi người Nhật, họ ít nhất phải trải qua 4 nghi lễ lớn đó là 冠婚葬祭 (Kan- kon- sou- sai) bao gồm lễ trưởng thành, lễ cưới, lễ tang và lễ cúng tổ tiên. Mỗi nghi lễ như vậy lại ứng với một loại Kimono khác nhau.

Vào lễ trưởng thành, lúc này các cô gái vừa tròn đôi mươi, chưa lập gia thất sẽ mặc kiểu Furisode có tay áo dài.

Đám cưới truyền thống sẽ mặc Shiromuku trắng tinh khiết.

Lúc tham dự tang lễ sẽ mặc Mofuku đen tuyền…

Tính ra có hơn 10 loại Kimono khác nhau. Mỗi loại một cách mặc, một công dụng khác nhau.

Thế nhưng, tôi đảm bảo với bạn rằng hầu như người Nhật chẳng ai mặc qua cả 10 bộ trong suốt những năm cuộc đời đâu.

 

3.Giá cả

Về áo dài, bao gồm cả tiền vải và tiền công thợ may, chi phí cho một bộ áo dài theo Size của bạn rất đa dạng, dao động từ khoảng 300.000 VNĐ trở lên.

Trong đó, áo dài cưới có giá khá cao vì mức độ cầu kỳ, loại vải cũng như danh tiếng nhà thiết kế.

Các bộ áo dài bán sẵn hiện nay cũng không chênh lệch mấy với giá áo dài đặt may. Thế nên, các cô gái Việt Nam có thể sở hữu 2, 3 bộ áo dài là chuyện bình thường.

Kimono lại khác, bạn khó có thể tìm thấy nhà người Nhật hiện nay có sẵn Kimono trong tủ.

Bời vì, giá mua hay may một bộ Kimono vô cùng đắt đỏ, rẻ nhất có thể từ 100,000 Yên (Khoảng hơn 20 triệu VNĐ) chưa kể các bộ phận nhỏ như áo lót, Obi, dép guốc, trâm cài và giỏ xách tay… Thế nên, nói người Nhật nào sở hữu một bộ Kimono đồng nghĩa với sở hữu cả gia tài cũng không ngoa chút nào.

Chưa kể, nếu đặt may cũng chỉ có thể diện 1,2 lần rồi cất vào tủ áo, thế nên nhiều người Nhật chọn phương án an toàn, đó là thuê Kimono.

Từ lễ 7-5-3 cho con trẻ hay tham dự đám tang, với khoảng trên dưới 10,000 Yên (Hơn 2 triệu VNĐ), họ có thể thuê một bộ để mặc vào từng dịp.

Nói đi cũng phải nói lại, việc một chiếc Kimono lên đến hàng chục triệu đến trăm triệu cũng có lý do của nó. Nhờ sự tỷ mỉ trong quá trình may hoàn toàn thủ công cũng như chất liệu vải và sự bảo quản kỹ càng mà tuổi thọ của Kimono rất dài. Thậm chí có thể truyền qua nhiều đời cháu, chắt…

4.Mức độ phổ biến

Nhắc đến độ phổ biến trong cuộc sống của hai quốc phục này, áo dài có vẻ nhỉnh hơn.

Học sinh Việt Nam bắt đầu mặc áo dài từ cấp 3. Có trường mặc 3 ngày/ tuần, có trường mặc cả tuần như là đồng phục bắt buộc.

Hơn nữa, áo dài cách tân hiện nay tạo sự thoái mái và năng động hơn cho các cô gái nên còn được lựa chọn làm trang phục dạo phố hay đi chụp hình cùng bạn bè.

Giờ đây, ngoài những dịp lễ Tết thì áo dài trở nên gắn bó mật thiết với cuộc sống của phụ nữ, thiếu nữ Việt Nam hơn.

Còn ở Nhật, bạn khó bắt gặp hình bóng các cô gái Nhật xúng xính Kimono nếu không phải là ngày lễ. Nếu có chăng thì đó là các cô gái nước ngoài hay dân du lịch trải nghiệm mặc Kimono hay chụp ảnh Check-in thôi.

Thế nhưng, một kiểu áo truyền thống khác khá giống Kimono lại rất được nữ giới Nhật ưa chuộng, nhất là vào mùa hè, đó là Yukata. Bởi giá thành không quá cao nên thay vì Kimono, các thiếu nữ dễ dàng “sắm” cho mình một bộ để đêm pháo hoa được nắm tay người yêu dạo phố.

5.Những người đẹp xứ Phù Tang đã từng mặc qua áo dài Việt

Sau đây là 3 gương mặt mỹ nhân Nhật Bản làm” điêu đứng” giới mày râu khi mặc áo dài, không thua kém nữ giới Việt. Đó là ai vậy nhỉ?

“Em gái mưa” Nozoki Sasaki vẫn giữ nguyên nét ngây thơ và khoe gọn thân hình mảnh mai trong tà áo dài tím. 

Thiên thần Rena Takeda trong phim “Trường học địa ngục” cũng đã thực hiện bộ ảnh tại thủ đô Hà Nội trong đó có Áo dài truyền thống.

Cô nàng “nhà nghèo” Inoue Mao thủ vai chính trong phim Hana Yori Dango thướt tha trong tà áo dài đượm chút hoài cổ.

Kết

Mỗi quốc phục đều có một quá trình lịch sử hình thành và phát triển để có được hình dáng như ngày hôm nay.

Tuy nhiên có một điểm chung duy nhất, đó là ý nghĩa đằng sau mỗi tấm áo:

Tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ. Nếu Việt Nam là vóc dáng thon gọn lộ chút da thịt ở phần eo, thì Kimono lại gợi vẻ quyến rũ từ chiếc cổ trắng ngần, tôn vinh nước da của người phụ nữ Nhật Bản.

Vậy, còn bạn, nếu được chọn lựa, bạn sẽ “bầu” cho quốc phục nào?

Chee 

Ở Nhật Bản, nơi nào cho thuê Kimono rẻ, đẹp?

Vì sao con gái Nhật mặc Kimono”kín như bưng”nhưng để hở ra duy nhất bộ phận này?

Bí ẩn bộ Kimono rùng rợn khiến 3/4 Tokyo xưa chìm trong biển lửa

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: