Tại sao các câu lạc bộ thể thao ở Nhật luôn có một nữ quản lý?
Nhắc đến hai từ “quản lý”, điều gì hiện lên trong đầu bạn đầu tiên?
Có thể là những ông sếp khó tính lúc nào cũng đưa ra yêu cầu vô lý cho nhân viên. Hoặc trong ngành giải trí, Quản lý (Manager) tương đương với những kẻ bóc lột, ngồi mát ăn bát vàng trên tài năng và sự khổ luyện của người khác?
Những kẻ yêu chủ nghĩa tự do chắc cũng chẳng muốn ai quản lý mình có phải không?
Thế nhưng ở Nhật, trên một số khía cạnh, hai từ “quản lý” lại tạo cảm giác khá dễ chịu. Chí ít là trên quan niệm của đàn ông.
Nếu là Fan của Manga, Anime, chắc cũng nhiều lần bạn nghe nói đến nhân vật nữ quản lý tại các câu lạc bộ thể thao. Làm thế nào mà một cô gái lại có thể “quản lý” cả một đội tuyển toàn những anh chàng khỏe mạnh? Tất nhiên là được, vì họ không làm nhiệm vụ của huấn luyện viên, mà quản lý về cuộc sống, sinh hoạt, đảm bảo điều kiện về sức khỏe của từng thành viên trong đội.
Cụ thể hơn, công việc của nữ quản lý này là giặt giũ đồng phục cho các thành viên, cổ vũ đội khi có trận đấu, chuẩn bị dụng cụ và theo sát tình trạng thể lực của đội cũng như là người sẵn sàng đứng ra đòi lại quyền lợi cho đội khi có tranh chấp xảy ra.
Chính vì thế, các cô gái này không chỉ hiền lành, giỏi quán xuyến nội trợ mà còn rất hoạt bát, năng động và mạnh mẽ. Có rất nhiều câu chuyện tình tay ba tay tư giữa nàng quản lý và các thành viên trong đội, cũng bởi nữ quản lý này giống như Madona (cô nàng lý tưởng) của hầu hết mọi chàng trai.
Lo lắng cho đội bất chấp thời tiết
Người luôn theo sát và hiểu rõ nhất về đội của mình
Cùng khóc, cùng cười,…
Họ là những nữ thần luôn âm thầm làm tròn nhiệm vụ của mình
Các Nữ quản lý (Joshi Manager) này giữ vai trò khá quan trọng trong văn hóa trường học ở Nhật Bản. Bởi vậy mà họ xuất hiện rất nhiều trong truyện tranh, hoạt hình lấy đề tài học đường. Một trong những nhân vật Joshi Manager được yêu thích nhất là Minami Asakura trong Manga bóng chày nổi tiếng Touch.
Các câu lạc bộ, đặc biệt là câu lạc bộ thể thao luôn tồn tại những sự cạnh tranh khốc liệt. Chính vì thế không khí luyện tập giữa các đội rất căng thẳng. Một thành viên nữ có vai trò “quản lý” không chỉ làm những việc lặt vặt, hậu cần mà còn đem lại cho đội sự hưng phấn và động lực để thi đấu.
Sẽ thật huy hoàng nếu cả đội có thể đoàn kết lại và giành được tấm huy chương danh giá về cho cô quản lý đáng yêu đúng không?
Ngoài môi trường học đường, hình thức Joshi Manager này cũng đã từng được áp dụng thành công trong môi trường doanh nghiệp.
Đó là câu chuyện về những Joshi Mane Bento, bạn đã từng nghe qua?
Tập đoàn phát triển dữ liệu hàng đầu Nhật Bản Dwango, có công ty con là Niwango, chính là tập đoàn đang vận hành trang Web chia sẻ Video trực tiếp lớn ở Nhật – Nico Nico Douga đã từng thử nghiệm hình thức Joshi Manager này.
Là một công ty truyền thông với rất nhiều kỹ sư nam, không khí làm việc trong công ty lúc nào cũng căng thẳng. Các nhân viên nam này thường làm việc đến tận khuya và đó cũng là nguyên nhân khiến họ đi làm trễ vào hôm sau.
Chính vì thế, chủ tịch của Dwango đã suy luận rằng ông cần thuê những nữ nhân viên. Thế nhưng họ không làm nhiệm vụ của các nam nhân viên, mà sẽ trở thành những “cô nàng đưa cơm hộp” trong bộ đồng phục thể dục trường học.
Không phải ai cũng có được cơm hộp. Các nam nhân viên muốn được trao cơm hộp phải đến đúng giờ, và quan trọng, hoàn thành bài tập thể dục qua Radio (Radio Taisou) chủ quản bởi các cô gái này. Nếu hoàn tất các thủ tục trên, nhân viên được nhận một con tem và sẽ có cơm hộp vào giờ ăn trưa.
Cách này không những giúp nhân viên đi làm đúng giờ, mà còn giúp họ giữ gìn vóc dáng và sức khỏe thông qua bữa trưa dinh dưỡng cùng các bài tập thể thao hợp lý. Điều này lại càng thu hút hơn khi có các cô gái đáng yêu ở trong văn phòng công ty. Quả là một ý tưởng “thiên tài”.
Không những phát thức ăn trưa, họ còn là chủ quản cho bài tập thể dục giữa giờ
Tuy nhiên chiêu thức này một thời gian đã từng bị xem là hành động xem thường phụ nữ. Phe tiêu cực nghi vấn rằng tại sao phụ nữ lại phải làm những công việc tương tự với người giúp việc nhà, hoặc tệ hơn “mua vui” cho cánh đàn ông.
Sẽ thật tệ nếu những người đàn ông mặc định phụ nữ phải làm những công việc như vậy. Thế nhưng nếu những người phụ nữ này tình nguyện làm Joshi Manager vì họ yêu thể thao, hoặc đơn giản vì họ muốn làm việc có ích cho người khác thì sao?
Bạn nghĩ thế nào về vai trò của những nữ quản lý này? Liệu các đội tuyển thể thao ở Việt Nam có nên tuyển nữ quản lý không nhỉ?
Sachiko
Những bông hoa công sở và mặt tối của nữ nhân viên văn phòng Nhật Bản
Những “nữ diễn viên” của môn nghệ thuật truyền thống không chấp nhận phái nữ
Cửa hàng nhân viên nữ “không mặc quần trong” ở Nhật đã đi đâu về đâu?