Tại sao mỗi người Nhật đều sống tự trọng – nguyên nhân từ những điều đơn giản nhất

Chắc chắn ai cũng từng nghe qua rằng nền giáo dục ở Nhật Bản rất tốt. Thế nhưng tốt ở chỗ nào, liệu bạn đã biết chưa?

Để bàn về vấn đề này có vô vàn điều để nói, nhưng theo tôi, tiêu chí quan trọng nhất làm nên “tên tuổi” của nền giáo dục Nhật Bản chính là tính độc lập của nó. Hay nói một cách nôm na, ta gọi đó là giáo dục “tự cung tự cấp”. Đây cũng là nguyên nhân then chốt khiến cho người Nhật sống rất tự trọng và quy tắc.

Thế nào gọi là “tự cung tự cấp”, hãy phân tích theo từng khía cạnh nhé.

Tự xách cặp đến trường

Ngay từ bậc tiểu học, các em nhỏ đã phải đi học một mình, đồng thời tự xách và bảo quản cặp táp. Vì trên đường đi sẽ có rất nhiều nguy hiểm rình rập, các em học sinh trung học sẽ được giao nhiệm vụ đi kèm các em ở bậc thấp hơn. Nhưng chung quy lại, đây chỉ là chuyện của học sinh và không liên quan gì đến phụ huynh. Học sinh có thể tự giúp đỡ lẫn nhau khi gặp nguy hiểm, điều này làm nên một trong những đặc trưng không lẫn vào đâu của giáo dục Nhật Bản.

Chuẩn bị tiết học

Không có gì lạ nếu các em học sinh phải tự chuẩn bị cặp sách và viết chì trước mỗi buổi học. Ngoài ra học sinh cũng phải lau chùi bảng trước giờ học để giáo viên sử dụng.

Ở Nhật Bản, các em học sinh phải trực nhật. Lịch trực nhật giống như ở Việt Nam, sẽ được cán sự lớp phân công và quản lý, bất kì ai cũng phải thực hiện.

Tự dọn vệ sinh

Việc dọn dẹp lớp học, trường học, tất cả đều do học sinh đảm nhiệm. Không chỉ phòng học, mà cả hành lang, phòng thể dục, tất cả những không gian chia sẻ chung với lớp bên cạnh, cũng được các em dọn dẹp sạch sẽ.

Vì đó là môi trường sinh hoạt và học tập của học sinh, đương nhiên chúng phải là người chịu trách nhiệm lau chùi, dọn dẹp. Điều này dạy cho các em ý thức trách nhiệm ngay từ rất sớm.

Tự chuẩn bị bữa ăn 

Ở một số nơi tại Việt Nam, các em học sinh cũng phải trực nhật bao gồm dọn dẹp lớp học, chuẩn bị tiết học,… một số em phải tự mình di chuyển đến trường, bảo quản tài sản riêng. Thế nhưng đã bao giờ bạn nghe thấy chuyện tự chuẩn bị bữa ăn cho mình chưa?

Học sinh tiểu học ở Việt Nam học theo 2 dạng, học theo buổi và bán trú. Trong trường hợp ở bán trú, các em phải ăn và ngủ trưa tại trường. Thông thường, các trường học Việt Nam sẽ có một cô bảo mẫu làm nhiệm vụ chuẩn bị bữa ăn và chỗ ngủ cho các em.

Thế nhưng ở Nhật, học sinh phải tự làm cả phần này. Không hẳn là tự nấu món ăn, thế nhưng các em phải tự phân chia phần ăn cho nhau, và sau khi ăn cũng phải tự dọn dẹp. Đây là một điểm khác ở Việt Nam.

Ban đầu, việc chia phần sao cho đều nhau giữa các bạn trong lớp rất khó khăn. Thế nhưng sau khi làm quen, các em sẽ được huấn luyện nhiều kĩ năng cần thiết trong cuộc sống, chỉ thông qua bữa ăn trưa tưởng như đơn giản.

Học sinh chịu trách nhiệm phần bảng tin của trường

Ngoại trừ những thông tin khẩn cấp, tất cả những tin tức khác của trường đều do học sinh thông báo qua hệ thống loa.

Khi còn đi học tôi nằm trong ban truyền tin, và cũng từng làm nhiệm vụ đọc tin trên loa cho toàn trường. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in lần đầu tiên “vật lộn” với hệ thống máy móc phát thanh vô cùng phức tạp. May mắn thay không có tình huống xấu hổ nào xảy ra.

Thậm chí chăm sóc cả động vật…

Học sinh học cách nuôi một số loài động vật như gà, thỏ và thậm chí …ngựa.

Tất nhiên chúng không được nuôi để làm thức ăn rồi. Nhờ công việc chăm sóc động vật này, các em học sinh sẽ được dạy cách trân trọng và yêu mến thế giới tự nhiên.

Kết

Để được công nhận là một quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, Nhật Bản có chính sách để học sinh làm tất cả mọi thứ trong giới hạn cho phép.

Nếu như các em không thể tự lo cho bản thân, các em sẽ không thể trưởng thành. Đây cũng là nền tảng để hình thành tính độc lập, quyết đoán cho một con người hiện đại trong tương lai.

Một người trưởng thành hiểu được đạo lý là người được nuôi dưỡng trong môi trường có khả năng đánh thức tự trọng của họ

Bên cạnh đó, nếu bị ép buộc phải làm cái này cái kia, học sinh sẽ cảm thấy không thoải mái. Thay vì thế, hướng cho các em ấy tự suy nghĩ, tự tìm cách giải quyết, làm thế nào để đạt kết quả, như thế nào sẽ không phải thất bại, hay từ thất bại rút kinh nghiệm cho lần sau. Chính nhờ những cơ sở ban đầu này mà những đứa trẻ có thể trở thành những người trưởng thành biết suy nghĩ cho bản thân và cho xã hội.

Đây chỉ là một trong những đặc điểm khiến giáo dục Nhật Bản thành công như vậy. Hiện nay, mô hình này đang được các quốc gia khác tham khảo, trong đó có Trung Quốc.

Kengo Abe

Giáo dục Nhật Bản: Nhân cách quan trọng hơn kiến thức nhưng thi cử vẫn quyết định tương lai của học trò

Nhật Bản: Nền giáo dục âm nhạc hướng mỗi học sinh trở thành nghệ sĩ thực thụ

Thông điệp giáo dục trong các bộ phim điện ảnh Nhật Bản

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: