Câu chuyện về những người Nhật không bao giờ chạm được đến giấc mơ đại học
Ngay tại đất nước có nền kinh tế từng đứng thứ hai trên thế giới như Nhật Bản, nhiều mảnh đời cũng không đạt được ước mơ của mình khi… không có tiền học đại học.
Anh Akihisa Takeda năm nay 34 tuổi, sinh ra trong một gia đình có bố mẹ làm giáo viên trường ở tỉnh Chiba, Nhật Bản. Cuộc sống gia đình anh khá ổn định với bố mẹ có thu nhập ổn định, họ có vài bất động sản ở Chiba và ngoại ô Tokyo. Hiện tại anh đang làm ở một tổ chức giáo dục ở Tokyo với thu nhập đủ để trang trải cho gia đình bao gồm hai vợ chồng và một con trai.
Cuộc sống của anh có lẽ cũng không khác biệt nhiều lắm so với bất kỳ người làm công ăn lương nào ở Nhật Bản hay ở Việt Nam, nhưng có riêng một điều mà mãi đến khi quan hệ giữa chúng tôi trở nên thân tình, anh mới chia sẻ.
Takeda cho biết anh tốt nghiệp trường đại học cách đây đã 12 năm nhưng đến bây giờ vẫn chưa trả xong nợ học phí. Anh kể: “Cậu biết không, giáo dục ở Nhật thực sự đắt đỏ. Học trường rẻ tiền ra trường khó kiếm việc sẽ trở thành gánh nặng của bố mẹ, bố mẹ nuôi mình mãi rồi con tốt nghiệp ra trường lại phải nuôi tiếp. Nhưng học trường tốt thì học phí lại cao muốn chết luôn. Chẳng bố mẹ nào có đủ khả năng như vậy, nhưng thôi cũng nhờ chính phủ mà mình được vay học phí. Giờ mỗi tháng họ vẫn trừ đều vào tài khoản của tôi. Có tháng hết tiền tôi cố tình rút trước ngày họ trừ tiền thì y như rằng tháng sau họ gửi giấy đến nhà kêu đi đóng trả. Nói chung không thể tránh được đâu”.
Câu chuyện về những người Nhật không bao giờ chạm được đến giấc mơ đại học – Ảnh 1.
Anh Takeda cho biết anh phải trả nợ ít cũng khoảng 4 năm nữa mới hết nợ học phí học từ thời đại học. Điều này khiến tôi khá bất ngờ bởi xét theo gia cảnh thì gia đình anh cũng không khó khăn. Tôi xin phép hỏi anh một câu khá riêng tư: “Cậu từng kể với tôi rằng bố mẹ cậu có căn nhà cho thuê dưới Chiba, khoản đó có giúp bù được tiền trả nợ học phí không?” Takeda đáp: “Đó là khoản để bố mẹ tôi còn lo cuộc sống tuổi già”.
Như vậy, anh Takeda đến từ một gia đình trung lưu Nhật, nhưng để tốt nghiệp đại học, anh phải nợ học phí đến 16 năm. Và anh không phải trường hợp duy nhất. Từ nhiều người bạn Nhật tầm ngang tuổi với tôi, khoảng 30 đến 40 tuổi mà tôi gặp sau này, khi hỏi ra họ cũng cho biết họ cũng vẫn đang nợ học phí.
Tôi học trong trường cấp ba trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, sau đó học lên Đại học Sư phạm, những trường này có số học sinh/sinh viên các tỉnh lẻ rất cao. Gia cảnh của nhiều người trong số đó khá khó khăn nhưng tôi thấy rất hiếm người phải nợ học phí lâu như Takeda.
Nói đến tình trạng này không phải để chê bai gì hệ thống giáo dục Nhật nhưng thực sự để có được tấm bằng đại học ở đất nước này quá khó khăn và vất vả, chưa nói đến vấn đề áp lực thi cử mà riêng chuyện tài chính thôi đã khiến nhiều người cực kỳ khổ sở.
Học phí cho việc học Đại Học ở Nhật cực kỳ đắt đỏ (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa).
Kết quả cuộc khảo sát năm 2014 của Bộ Giáo dục Nhật Bản thực hiện với những cơ sở đào tạo bậc đại học trở lên cho thấy mức học phí hàng năm rơi vào khoảng gần 90 man (180 triệu đồng Việt Nam). Tuy nhiên con số trên chưa kể đến phí đầu vào khoảng 27 man (54 triệu đồng Việt Nam).
Ngoài ra, nếu tính cả một số chi phí đi kèm khác, một năm học đại học ở Nhật tiêu tốn ước khoảng 1,43 triệu yên (gần 300 triệu đồng Việt Nam). Đó là hoàn toàn chưa hề nói đến sinh hoạt phí của sinh viên trong quá trình học.
Như vậy với bốn năm học đại học, ước tính học phí mỗi sinh viên phải bỏ ra rơi vào khoảng 5,72 triệu yên, tương đương khoảng 1,2 tỷ đồng chưa kể sinh hoạt phí. Học phí của các trường cao đẳng cũng không thấp hơn nhiều so với con số trên.
Số tiền học phí như trên không hề nhỏ ngay cả với rất nhiều gia đình Nhật. Chính vì vậy, tình trạng nợ học phí vô cùng phổ biến. Những năm gần đây, dân số Nhật giảm nhưng điều đó lại không đồng nghĩa với việc học phí sẽ nhẹ đi để thu hút sinh viên. Khoảng 40 năm trước đây, học phí đại học mỗi năm trung bình khoảng 18 man, đến năm 1987, con số này là 50 man và đến năm 2002 là 80 man. Rồi con số đó tiếp tục tăng đều đặn qua các năm.
Theo một tính toán khác của Hiệp hội sinh viên Nhật (JASSO), cứ 2,6 người Nhật đi học các bậc học từ cao đẳng trở lên thì có 1 người nợ học phí. Một tính toán khác công bố vào năm 2012 cho thấy số lượng người Nhật mất khả năng trả nợ học phí tăng nhanh chóng mặt. Ở thời điểm năm 2012, số lượng người Nhật mất khả năng trả nợ học phí cao gấp 10 lần so với năm 2004.
Việc được đi học đại học, rất tiếc phải nói rằng là ước mơ của quá nhiều người Nhật. Bạn có thể biết đến nước Nhật với nền kinh tế từng đứng thứ hai trên thế giới, với những thành phố nổi tiếng xa hoa như Tokyo, Osaka hay Kyoto, nhưng cũng đừng quên rằng, còn hàng chục nghìn người Nhật khác không bao giờ chạm đến được giấc mơ đại học bởi gia đình họ không có đủ tiền.
Không phải ai cũng có thể thực hiện được ước mơ học đại học tại Nhật Bản (ảnh chỉ mang tính chất minh họa).
Chi phí cuộc sống quá cao cũng lý giải cho việc tại sao phụ nữ Nhật sợ sinh con. Ở Nhật, để nuôi được một đứa trẻ từ khi nó sinh ra cho đến khi 18 tuổi đòi hỏi một sự đầu tư quá lớn về tâm sức và tiền bạc của bố mẹ. Tại nhiều nước thuộc thế giới thứ ba, người ta quan niệm rằng cứ đẻ con ra rồi khắc nuôi được nó lớn, nuôi sướng cũng là nuôi mà bỏ mặc nó lớn lên như cái cây hoang giữa xã hội cũng là nuôi. Người Nhật thì không như thế. Họ đặt ra một tiêu chuẩn cực kỳ khắt khe về việc nuôi dạy trẻ con. Từ quần áo, cặp sách, đồ dùng cá nhân đến cả suất ăn cơm trưa của học sinh cũng phải đạt đúng tiêu chuẩn của trường. Mỗi bậc cha mẹ có con bắt đầu đi học lớp một không khỏi toát mồ hôi vì đủ thứ chi phí khác nhau.
Ngoài ra, chương trình học tập của Nhật cũng đòi hỏi cha mẹ buộc phải tham gia rất nhiều vào các hoạt động ngoại khóa do nhà trường tổ chức, vì thế nên không chỉ đầu tư tiền bạc, cha mẹ còn phải bỏ ra rất nhiều công sức.
Cấp 1 đã đành, lên cấp 2 cấp 3, tiền học chính vốn đã không hề rẻ, cha mẹ phải đổ tiền cho con đi học thêm rất nhiều. Anh Takeda như đã nói đến ở đầu bài kể lại câu chuyện của những năm anh học phổ thông: “Mẹ hô đưa thêm tiền để đóng học phí, và thế rồi bố cứ cố gắng làm nhiều hơn, và rồi mẹ cũng cố gắng làm nhiều hơn nữa, nuôi hai anh em tôi đến khi 18 tuổi bố mẹ cũng phờ phạc cả người rồi.”
Và những gia đình như anh Takeda còn có điều kiện nuôi con được đến học đại học, chịu đủ chi phí học chính học thêm. Nhưng còn hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu gia đình khác không đủ khả năng nuôi con đến đại học, con họ buộc phải bỏ học từ khi mới hết cấp hai hoặc cấp ba, rồi đối diện với một tương lai bất định, bấp bênh… Họ không dám kết hôn, không dám sinh con đẻ cái bởi đến bản thân họ còn không lo nổi nói chi đến mơ về một cuộc sống gia đình.
Vậy đó, nhìn vào nước Nhật, bạn hãy đừng chỉ nhìn vào những câu chuyện về sự giàu có xa hoa, những con số tăng trưởng kinh tế cao, mà hãy luôn nhớ rằng, xã hội nào cũng vậy, luôn có nhiều người cùng khổ mà chúng ta chẳng bao giờ có thể tưởng tượng được hết.
Bài viết của tác giả Ngọc Diệp – một nhà báo Kinh tế hiện đang có khoảng thời gian học và làm việc tại Nhật.
Theo Ngọc Diệp/ Tri Thức Trẻ
“Cuộc đối đầu” không hồi kết giữa trường công lập và dân lập Top đầu nước Nhật
Cuộc sống”trong mơ” của sinh viên 5 trường đại học này khiến bất kỳ dân Nhật nào cũng “phát thèm”
Sau khi vào đại học, cuộc sống của những học sinh ưu tú sẽ như thế nào?