Lý do kỳ lạ khiến người Nhật xuống tóc nhưng không phải để đi tu
Một người phụ nữ Nhật Bản cạo đầu vì đi trễ, Idol Nhật Bản cạo đầu vì hẹn hò, vận động viên nổi tiếng cạo đầu vì không thể bảo vệ lời hứa giành chức vô địch,…
Nguồn Iromegane
Cạo đầu ở Nhật không hẳn là từ bỏ trần đời, để lại cuộc sống phàm tục trước kia, hướng về vùng thanh tịnh, nói đơn giản hơn là quy y cửa Phật, tịnh tâm tu hành.
Theo một cách nào đó, cạo đầu mang ý nghĩa của một sự trừng phạt, như một hình thức hối lỗi tạ tội tại đất nước Nhật Bản.
Người Nhật đã quen với điều này ngay từ khi còn học phổ thông, đặc biệt tại các câu lạc bộ thể thao. Cho dù vì lỗi lầm của một cá nhân khiến cho đội nhận lấy thất bại, không chỉ người đó mà tất cả mọi thành viên cũng sẽ đồng loạt xuống tóc, như một hình thức thể hiện sự đồng lòng trong team.
Nguồn Iromegane
Năm 2013, vì Scandal tình ái, thành viên Mineghishi Minami của AKB48 đã cạo đầu để bày tỏ sự hối lỗi với Fan hâm mộ.
Kawauchi – Vận động viên Marathon Nhật Bản, sau khi lỡ mất chức vô địch Tokyo Marathon đã cạo đầu tạ tội trước những người đặt kỳ vọng vào anh (dù anh phải dừng lại ở vị trí thứ 14, đây cũng không phải kết quả quá tệ).
Nguồn Rainydayrunner
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Yoshio Mori – người chủ trì cho Thế vận hội Toyko 2020 từng cạo đầu xuất hiện trước công chúng. Đó là cách ông chịu trách nhiệm trước những chỉ trích vì sự chuẩn bị thiếu chu đáo của Hội đồng Tokyo Olympic. Ông nói ” Bởi vì tất cả mọi người bảo tôi phải chịu trách nhiệm…” Liệu đó có phải là sự hối lỗi thành ý?
Nguồn Sankei
Đó là những minh chứng rõ ràng nhất. Thế nhưng tại sao cạo đầu ở đất nước này lại mang ý nghĩa khác lạ như vậy?
Tại Ấn Độ – nơi khởi nguồn của Phật giáo, người ta tin rằng cạo đầu là hành động đầu tiên để bước vào thế giới tự do, đồng thời cũng là hành vi tự kỷ luật bản thân. Cạo đầu từng là hình thức xỉ nhục và là hình phạt cho người phạm tội của người Ấn thời xưa. Phong tục này du nhập vào Trung Quốc và Nhật Bản, giữ nguyên ý nghĩa hình phạt.
Nguồn 24h
Cạo đầu là một phần của 禊 (Misogi) – Nghi lễ làm sạch, đây là cơ hội cho người phạm tội thừa nhận lỗi lầm, tự trừng phạt bản thân để thể hiện tinh thần dám chịu trách nhiệm. Bên cạnh cạo đầu, Misogi cũng bao gồm cọ rửa thân thể ở biển hoặc sông.
Nhìn từ góc độ Phật học, tóc là biểu tượng của những tà niệm về thế gian, là thứ sẽ cản trở nhà sư trên con đường giác ngộ (trong tiếng Nhật gọi là 悟り – Satori). Đó cũng chính là lý do muốn tu hành làm sư, người ta phải cạo trọc đầu. Tuy nhiên nghi thức này có được thực hiện hay không, còn tùy thuộc vào giáo phái.
Nguồn st-andrews.ac.uk
Thế nhưng ở các quốc gia châu Âu, cạo trọc đầu mang ý nghĩa xu hướng thời trang hơn là quan niệm. Có những cô gái cảm thấy bản thân sẽ “ngầu” hơn với kiểu đầu trọc thay vì tóc dài thướt tha. Điều này cũng chẳng có gì lạ vì Phật giáo vốn không phát triển tại các quốc gia phương Tây.
Nguồn Pinterest
Cạo đầu hay không, thật ra đó cũng chỉ là hình thức. Người khác có thể cảm nhận được sự hối lỗi của bạn tại thời điểm đó, nhưng suy cho cùng, những biểu hiện về sau của bạn mới là cái người khác thật sự quan tâm. Vì thế khi phạm phải lỗi lầm, biết đứng ra nhận trách nhiệm là một phần, bạn cũng nên lập ra những kế hoạch để không phạm phải sai lầm một lần nữa.
Vì tóc lâu mọc lắm, lần sau bạn sẽ chẳng còn tóc mà cạo nữa đâu !
Sachiko
Sachiko