Chỉ 11% người Nhật sẵn sàng chiến đấu vì quê hương – Câu chuyện về ‘Anh hùng Tổ Quốc’ – ‘Tội đồ gia đình’ Hajime Fujii

Chàng phi công trẻ tuổi người Nhật bị cấm tham gia đội quân Kamikaze (quân cảm tử Nhật Bản) cho đến khi nhận được tin dữ từ gia đình. Xả thân cứu nước nhưng anh không thể cứu được gia đình nhỏ của mình…

 


Đây là câu chuyện buồn về một phi công trẻ Nhật Bản, đã từng bị Chính phủ Nhật Bản “giấu nhẹm” trong một thời gian dài.

Hajime Fujii sinh ngày 30 tháng 8 năm 1915 tại Ibaraki, anh là con cả trong một gia đình có 7 anh em. Sau khi gia nhập quân đội và trở thành một trong những tay súng có kỹ năng, anh được cử đến chiến trường tại Trung Quốc. Không may, Hajime bị thương nặng vào thời gian này và phải quay về nước. Lúc này, anh kết hôn với Fukuko, một y tá chiến trường và có 2 người con gái đáng yêu.

Nguồn Cronkite Zine

Sau khi tốt nghiệp Học viện không quân vào năm 1943, Hajime được giữ lại giảng dạy tinh thần kỷ luật và nhân cách cho các chiến sĩ tại trường đào tạo Không quân Kumagaya. Anh đã truyền tinh thần yêu nước và lòng trung thành tới những người lính trẻ, và cũng chính anh dạy cho họ rằng trong tình huống bị bao vây bởi địch, bản thân phải là người tự phá hủy máy bay của mình để bảo vệ bí mật quốc gia và giữ gìn danh dự người lính. Theo một số ít học sinh còn sống sót của Hajime, anh luôn khẳng định rằng sẵn sàng chết cùng họ nếu có thể.

Nhưng sự thật là anh không thể, một phần vì vết thương cũ hạn chế khả năng điều khiển máy bay, phần khác vì Hajime là người có gia đình.

Bối cảnh lịch sử

Khi tham chiến tại Chiến tranh thế giới thứ II, Nhật Bản không hề có ý định thành lập đội cảm tử Kamikaze. Thế nhưng khi chiến thắng chớp nhoáng không đến như kế hoạch của họ, người Nhật đã thay đổi. Kế hoạch Kamikaze được lập ra để gây thiệt hại lớn với quân Đồng Minh.

Nguồn Premium Beat

Bên cạnh đó, khi ấy Nhật Bản chỉ là quốc gia mới công nghiệp hóa, hầu hết công nghệ của họ nhập từ Mỹ và Châu Âu. Khi Mỹ áp lệnh trừng phạt lên Nhật Bản vì chiếm Trung Quốc, mọi chuyện trở nên tồi tệ, vì vậy mà trận Trân Châu Cảng đã xảy ra. Khi Nhật Bản đang mắc kẹt trong cuộc chiến, người “anh em” Đức chẳng giúp đỡ được gì nhiều vì còn vướng phải chiến dịch người Do Thái.

Với kỹ thuật công nghệ như hiện tại, về cơ bản, Nhật Bản không thể thắng nổi Mỹ. Sau hàng loạt những thiệt hại về người và của, Nhật không còn đủ nguồn lực để sản xuất máy bay và tàu chiến, đồng thời mất đi rất nhiều binh sĩ dày kinh nghiệm, tình thế lúc này hết sức khó khăn.

Nguồn AmeriForce Media

Năm 1944, thất vọng vì những gì bỏ ra không được đền đáp, quân đội Nhật thành lập đơn vị đặc biệt tokkōtai hoặc shimbu-tai – Đội quân cảm tử thành lập từ Hải quân và Lục quân Nhật Bản. Hajime, với những tâm huyết truyền dạy lại cho thế hệ lính đời sau, tất nhiên cũng bày tỏ nguyện vọng được tham gia đội quân này.

Từ “Anh hùng Tổ quốc”

Không may, những thành công từ quá khứ đã phản bội anh, quân đội từ chối cho Hajime ra trận vì tôn trọng những hy sinh của anh trong trận chiến tại Trung Quốc. Ngoài ra, Nhật Bản chỉ chọn những người lính độc thân vào đội quân cảm tử này.

Nguồn Dzisiaj dowiedziałem się

Càng ngày càng có nhiều học trò của Hajime một đi không trở lại, nỗi đau này dằn vặt anh thời gian dài, như thể bản thân là một kẻ phản bội. Anh lại tiếp tục nộp đơn nhưng một lần nữa bị từ chối. Anh bắt đầu nổi điên, như một quả bom chỉ chực bùng nổ, như một con quỷ chỉ chờ ngày hiện hình, Hajime bắt đầu đổ lỗi cho vợ con mình vì sự vô dụng của bản thân.

Ban đầu, Fukuko hết lòng ngăn cản chồng ra trận, thế nhưng sau khi nhìn thấy được nỗi đau không nguôi nghỉ của chồng, cô đã đưa ra một quyết định khó ai tin được.

Đến “Tội đồ gia đình”

Sáng ngày 14 tháng 12 năm 1944, Fukuko mặc bộ Kimono đẹp nhất lên mình và cho cả 2 đứa con gái, một đứa mới 3 tuổi và đứa còn lại 1 tuổi. Sau đó cô viết cho chồng một lá thư với nội dung “Anh cứ yên tâm lên đường ra trận, đừng quan tâm đến gia đình, mọi người sẽ đợi anh”.

Nguồn Bill Gordon

Fukuko cùng hai con đến bên bờ sông Arakawa, gần trường dạy của Hajime và gieo mình xuống dòng nước lạnh giá. Cảnh sát tìm thấy thi thể 3 mẹ con vào sáng hôm sau và cho Hajime biết. Đêm hôm đó, anh viết thư cho đứa con đầu lòng, hy vọng đứa trẻ sẽ chăm sóc mẹ và em cho đến khi bố đến với họ. Sau đó, anh cắt ngón tay, dùng máu viết tâm thư cho quân đội, đó là lần thứ 3 Hajime cầu xin quân đội cho anh gia nhập đội quân cảm tử.

Nguồn wgordon.web.wesleyan.edu

Lần này, anh đã thành công.

Ngày 8/2/1945, Hajime trở thành phi đội trưởng phi đội cảm tử số 45. Sáng sớm ngày 28/5, 9 chiến đấu cơ thuộc phi đội này bay tới đảo Okinawa, áp sát hai khu trục hạm USS Drexler và USS Lowry của Mỹ.

Tiêm kích của Hajime Fujii lao thẳng vào USS Drexler, phát ra tiếng nổ dữ dội, khiến con tàu bị chìm trong vòng 5 phút và làm 158 thủy thủ Mỹ thiệt mạng. Đồng thời Hajime cũng hy sinh.

Câu chuyện về gia đình kỳ lạ này mãi về sau mới được phép công bố. Đây là minh chứng cho mặt trái của chiến tranh, mâu thuẫn trong tình yêu nước – nhà, trách nhiệm và danh dự người lính với nghĩa vụ của một người chồng, người cha.

Nguồn en.rocketnews24.com

Chiến tranh đã trôi qua, Nhật Bản từ nước thua trận đã vươn lên thành một cường quốc kinh tế. Từ đó đến giờ Nhật Bản đã phục hồi và phát triển quá nhanh và cũng đã có quá nhiều điều đổi khác. Trong một nghiên cứu của WIN Gallup International, chỉ 11% người dân Nhật Bản sẵn sàng chiến đấu vì đất nước của họ, thấp nhất trong số các quốc gia trong danh sách.

Không phải vì họ không yêu nước, mà vì giáo dục càng phát triển, họ càng thấu hiểu những mất mát chiến tranh mang lại. Có hy sinh cho quốc gia cũng không tránh khỏi trở thành kẻ tội đồ, vì thế người Nhật luôn cầu nguyện cho hòa bình thay vì nghĩ đến việc sẽ tham gia một cuộc chiến vô nghĩa khác vì quyền lực của những kẻ thống trị.

Đây cũng chính là ước mơ của rất nhiều người trên hành tinh này, dù rằng đâu đó vẫn có những vùng đất đắm chìm trong khói bụi chiến tranh.

Sachiko

Chuyện về 1 phụ nữ, 32 người đàn ông trên đảo, nỗi buồn chiến tranh và bài học cuộc sống

Nhật Bản: Một quân đội không chiến đấu

8 dấu hiệu cho thấy Nhật Bản đang dần biến mất khỏi thế giới

 

 

 

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: