Bài hát gây tranh cãi – Tâm trạng đứa trẻ bị bạo hành bởi chính mẹ ruột của mình

Đã từng có một thời bài hát này làm nổ ra tranh cãi trong cộng đồng, bài hát có tên “MAMA” sáng tác bởi Mei Fumizuki. Tuy có tên là Mama nhưng đây không phải là ca khúc ca ngợi tình mẹ thiêng liêng. Bài hát được viết dưới góc nhìn của một cậu bé, là nạn nhân của nạn lạm dụng và bạo lực gia đình, gây ra bởi chính người mẹ của mình.

Ảnh Iromegane

Rất nhiều khán giả sau khi nghe bài hát đã cho rằng nội dung của nó quá bạo lực, không phù hợp trình diễn nơi công cộng. Trong số đó cũng có ý kiến rằng “Bài hát làm tôi cảm động, nếu bạn là nạn nhân của bạo lực gia đình từ chính bố mẹ mình, đừng im lặng, hãy tố cáo, họ không đáng để được tôn trọng”.

Nội dung

Mẹ không cần con sao? Hay mẹ định vứt luôn con cùng với túi rác ấy

Cuộc sống cực khổ quá sao? Mẹ không cần ai ở cạnh mẹ sao?

Mẹ ơi, con xin lỗi.

Con chẳng hiểu gì, cũng chẳng làm được gì.

Nhưng mẹ ơi, con sẽ ngoan mà, vì con chỉ có mỗi mẹ mà thôi.

Mẹ ơi, tại sao vậy? Phải chăng là ý của Thượng đế, rằng cuộc sống của con là vô nghĩa. 

Con đã trở thành thiên thần, con sẽ luôn bảo vệ mẹ

Vì mẹ quá yếu đuối, mẹ không thể sống một mình được đâu, phải không?

Mẹ ơi con xin lỗi, dù rằng con có lớn lên cũng chẳng giúp ích gì cho mẹ,

Nhưng mẹ là người mẹ duy nhất của con, dù rằng con không thể gặp lại mẹ nữa.

Mẹ ơi, tại sao vậy? Phải chăng là ý của Thượng đế, rằng cuộc sống của con là vô nghĩa. 

Mẹ ơi, con xin lỗi. Con không thể ở bên cạnh mẹ nữa.

Ngày mai sẽ không còn chào đón con, thế nhưng với con, mẹ vẫn là người mẹ duy nhất.

Con sẽ không bao giờ ghét mẹ đâu.

Mẹ ơi, tại sao vậy? Phải chăng là ý của Thượng đế, rằng cuộc sống của con là vô nghĩa. 

Mẹ ơi, tại sao vậy? Con sẽ để dành cho mẹ 1 nửa đôi cánh của con nhé !

Từ năm 2014, số vụ bạo lực gia đình ở Nhật Bản tăng đột biến. Nửa đầu năm đó, đã phát hiện hơn 300 vụ trên toàn quốc. Bài hát nhẹ nhàng đề cập đến vấn đề trên, không quá nặng nề nhưng đủ làm nhói lòng của rất nhiều người. Dù nội dung gây ám ảnh và tạo cảm giác khó chịu cho người nghe thế nhưng đồng thời cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho người Nhật trước tình trạng đáng báo động này.

Ảnh TED ideas7

Tại Nhật, ranh giới giữa bạo lực và kỷ luật gia đình rất mơ hồ. Chính vì thế, rất khó để ngăn cản những vụ bạo lực dù rằng chúng xảy ra ngay trong nhà hàng xóm của bạn.

Thế nhưng hiện nay, người Nhật được khuyến khích báo cáo, tường trình các vụ nghi ngờ là bạo lực gia đình xảy ra trong khu vực sinh sống của họ với chính quyền địa phương, nhằm ngăn chặn kịp thời và cứu giúp người bị nạn.

Dù bài hát nhận được nhiều ý kiến trái chiều, tác giả Mei Fumizuki đã để lại thông điệp của mình với cả mặt tích cực và tiêu cực

“Tôi muốn chia sẻ với các bạn cảm xúc của tôi về bài hát.

Gần đây chúng ta nghe tin tức về bạo lực trẻ em trong gia đình rất nhiều. Giết đứa con của chính mình là hành động bất thường. Đó là khi bạn để phần con chiến thắng phần người, cũng có thể do người mẹ/người bố đã từng trải qua những mất mát, sự thiếu thốn tình thương. Nhưng vấn đề của bài hát không nằm ở đó.

Ảnh cắt từ Clip

Cái tôi muốn truyền tải ở đây là tình yêu vô điều kiện của đứa con với bố mẹ của mình, tôi muốn nhiều người biết đến, hiểu được tâm tư tình cảm của những đứa trẻ – nạn nhân của những bạo hành gia đình, đặc biệt tới những phụ huynh đang dần đánh mất linh hồn”

Liệu chúng ta nên đánh giá bài hát này theo cách nào: một bài hát khắt khe, đau buồn về cái chết bi thảm của đứa con trai, đồng thời là nạn nhân bạo hành gia đình, hay những ca từ đẹp đẽ ngợi ca vào tình thương yêu bất diệt vô điều kiện của trẻ em với cha mẹ chúng. Tôi sẽ để bài hát cho mọi người cùng đánh giá.

Sachiko

 

Sachiko
Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: