Điều gì đã khiến quốc gia có mức sống cao như Nhật Bản vẫn phải chống chọi với tình trạng vô gia cư?

Một đất nước tiến bộ như Nhật Bản vẫn tồn tại tình trạng người vô gia cư. Họ không có nhà mà lang thang nay đây mai đó, sống tạm bợ ở công viên hoặc ga tàu. Thế nhưng trong một số trường hợp, vì sự an toàn, những mái nhà tạm bợ này cũng bị cảnh sát tịch thu.

Nhật Bản đang bước vào mùa đông lạnh giá, cứ tưởng tượng nếu bạn đang vật vã chống rét, những người vô gia cư này còn vất vả hơn bạn gấp mấy lần nữa.

Đã bao giờ bạn tự hỏi, tại sao những người này lại trở thành vô gia cư như vậy? Trước khi chui rúc vào bóng đêm họ cũng đã từng có một quá khứ đầy hào quang, cho đến khi…

Một anh chàng tốt nghiệp đại học năm 22 tuổi và bắt đầu làm việc tại trụ sở chính của một doanh nghiệp thương mại lớn. Anh ta nhận lương cao và sống cuộc đời khá dư dả. Thế nhưng sau khi đi làm được 1 năm, anh chàng cảm thấy năng lực của mình đang không được nhìn nhận một cách đứng đắn. Vì suy nghĩ như vậy, anh đã bỏ việc.

Thông qua lời giới thiệu của người quen, anh chàng bắt đầu làm việc trong một công ty có quy mô nhỏ hơn nhưng hoạt động cùng lĩnh vực với công ty trước.

Dù lương bổng bằng nhau, nhưng những quyền lợi khác của anh lại tệ hơn trước. Cấp trên khắc nghiệt, suốt ngày bị la mắng, tăng ca, làm thêm như cơm bữa, không thể chịu nổi, anh chàng lại nghỉ việc sau 1 tháng.

Cứ bỏ việc giữa chừng như thế, đến lần tìm việc sau, chẳng còn ai muốn nhận anh chàng nữa. Mà dù có tìm được cậu ấy cũng nghỉ việc sau 10 ngày đi làm.

Sau 4 lần như vậy, tôi nghe nói rằng cậu đã mất hẳn động lực tìm việc.

Tóm lại, cậu ấy không chủ động tìm kiếm, làm việc mà cậu ấy thích, lại nghe theo lời giới thiệu của người khác. Một công ty được cho là tốt với người này nhưng liệu có thực sự phù hợp với người kia. Với suy nghĩ “Công ty này thật tệ !”, tình trạng tìm việc rồi lại bỏ việc sẽ không bao giờ buông bỏ cậu.

Trong công việc, nếu không thể chịu đựng, mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ. Đi làm đồng nghĩa với kiếm tiền, mà đồng tiền luôn đi kèm với những thứ khó chịu, chướng tai gai mắt. Đó là quy luật cuộc sống, bạn từ bỏ một nơi, sau đó đến nơi khác, những thứ đáng ghét cũng sẽ không từ bỏ bạn.

Không chỉ trong quá trình làm việc, cách tiêu tiền cũng là vấn đề lớn.

Tất nhiên khi làm ra tiền bạn sẽ muốn mua thứ này thứ kia, nhưng không có nghĩa là bạn có thể mua được chúng ngay lập tức. Nếu không biết lên kế hoạch chi tiêu hợp lý, bạn rất dễ bị stress.

Thêm 1 nguyên nhân nữa khiến những người này mất việc và rơi vào tình trạng vô gia cư. Đó là LÒNG TỰ TRỌNG.

Dù cho có khó khăn, thiếu thốn về vật chất, lòng tự trọng và cái Tôi to như quả núi sẽ ngăn họ chia sẻ và yêu cầu giúp đỡ từ người quen. Cứ như vậy, đến tiền tiết kiệm cũng không còn, nhà cũng chẳng giữ được nữa.

Ở Nhật có một chế độ đặc biệt gọi là 生活保障 (Seikatsu hoshō) – Bảo đảm cuộc sống.

Nếu bạn đến cơ quan địa phương và báo cáo tình trạng của bạn, chính phủ sẽ hỗ trợ cho người dân một khoản tiền đủ trang trải cuộc sống. Đáng tiếc thay, cũng chính vì Lòng tự trọng, những người vô gia cư thậm chí bỏ qua quyền lợi này.

Thiết nghĩ, thay vì chết cóng trên các băng ghế trong công viên giữa thời tiết giá lạnh, sao họ không tìm đến cơ quan có thẩm quyền, nhận lấy khoản tiền miễn phí trên, ngoài ra còn được đào tạo nghề nghiệp để tìm được việc mới.

Tốt nhất là ngay từ đầu, đừng dễ dàng từ bỏ hoặc lãng phí công việc hiện tại của bạn.

Ấy vậy mà, trên toàn nước Nhật có hơn 6000 người vô gia cư như vậy. Thế mới thấy, chế độ có tốt bao nhiêu, đất nước có giàu mạnh bao nhiêu, tình trạng vô gia cư vẫn luôn tồn tại và trở thành nỗi ám ảnh với bất kỳ quốc gia nào.

Kengo Abe

Không giống bất cứ đâu trên thế giới, người vô gia cư Nhật Bản sẽ khiến bạn sửng sốt

Bài học về “lòng tự trọng” từ một người Nhật vô gia cư

Hệ thống y tế của Nhật có gì khác so với các quốc gia phát triển khác?

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: