Người Nhật dạy trẻ cách “cho và nhận” thông qua việc cấy ghép các bộ phận cơ thể

Hầu hết các chương trình giảng dạy cho học sinh tiểu học ở Nhật không dạy trẻ con nói hay viết những điều chung chung như học tập tốt, lao động tốt; “phải” hiếu thảo với ông bà cha mẹ, “phải” làm bài tập về nhà đầy đủ trước khi đến lớp…

Môn đạo đức lớp 1 toàn bài tập thực hành kiểu: quan sát xem ông bà cha mẹ cười tươi vào lúc nào, em nghĩ nên làm gì để cho người thân của mình vui vẻ mỗi ngày và thực hiện thử xem kết quả ra sao.

Đó chính là những bài học thực tiễn cho trẻ em áp dụng vào cuộc sống một cách hiệu quả và thiết thực nhất.

Ngoài trường học ra thì chính phủ cũng ủng hộ các cơ quan, tổ chức tạo điều kiện sao cho các em có ý thức được tốt, xấu, đúng, sai… từ những việc làm của bản thân, và “Second Life Toys” (Tạm dịch: Những đồ chơi tái sinh) là một trong những chương trình mang ý nghĩa như thế.

Đây là một tổ chức ở Nhật Bản được thành lập với hy vọng nâng cao nhận thức về “cho và nhận” thông qua hình thức cấy ghép các bộ phận lại với nhau.

Tổ chức này thay thế những phần cũ của thú nhồi bông đã bị hỏng bằng những “bộ phận” mới, khiến món đồ chơi trở nên hoàn chỉnh như lúc đầu.

Điều hay nhất đó là mọi người đều được khuyến khích cùng tham gia chiến dịch bằng cách quyên góp những món đồ chơi không còn dùng đến nữa.

“Người hiến tặng” sau đó còn được nhận một lá thư từ “người nhận”, cảm kích khi sự quyên góp của họ giúp thay đổi cuộc sống của người khác nhiều tới mức nào.

Mới nhìn vào thì có vẻ đây là một việc bình thường, tuy nhiên đằng sau ý tưởng thú vị và đáng yêu này là một thông điệp đầy tính nhân văn và vô cùng ý nghĩa.

Hiến tặng bộ phận cơ thể là vấn đề chưa thực sự nhận được nhiều sự quan tâm tại Nhật Bản, theo thống kê thì danh sách người đang chờ đợi được hiến tặng lên đến con số 14.000 nhưng chỉ có khoảng 300 người mỗi năm được hiến tặng các bộ phận mà mình cần.

Chiến dịch này được gửi gắm kỳ vọng sẽ thay đổi điều đó bằng cách nâng cao nhận thức của con người về ý nghĩa tái sinh của việc hiến tặng các bộ phận trên cơ thể.

Tổ chức “Second Life Toys” hy vọng rằng thông qua những món đồ chơi sẽ giúp mọi người (bao gồm cả trẻ em và người lớn)  cảm nhận được niềm vui của “cho và nhận”, thì mọi người trong xã hội sẽ dễ dàng chấp nhận hy sinh cho nhau và khi đó cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn.

Và đó là một trong những đức tính đáng ngưỡng mộ của người Nhật, mà chúng ta cũng như nhiều dân tộc trên thế giới cần phải học tập theo.

Mời các bạn xem thêm video bên dưới để hiểu rõ hơn nhé.

Ảnh tham khảo second life toys

Hải Âu

Vì sao trẻ em Nhật Bản lại có sức khoẻ tốt hàng đầu thế giới?

Trẻ em Nhật Bản cần chuẩn bị gì trước khi vào lớp 1

Trẻ em Nhật tự chi tiêu tiền bạc như người lớn

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: