Tội ác trong những quán cà phê động vật nở rộ khắp mọi nơi
Cà phê động vật không còn là mô hình kinh doanh xa lạ tại nhiều quốc gia, nhất là những nước châu Á. Nơi đây cho phép thực khách vừa nhâm nhi một tách cà phê, vừa cưng nựng những con vật đáng yêu. Tuy nhiên, những nhà hoạt động xã hội kêu gọi mọi người không nên tiêu tiền vào những quán cà phê kiểu này.
Những quán cà phê được nhiều người tìm đến khi tới Nhật Bản. Video: YouTube.
Tháng 11 năm ngoái, chính phủ Thái Lan cùng tổ chức bảo vệ quyền động vật Watchdog Thailand phối hợp điều tra hoạt động của Kitties & Bears Cafe, một quán cà phê chó mèo hút khách du lịch tại Bangkok.
Cảnh sát buộc tội chủ quán không tuân thủ điều kiện cam kết trong giấy phép kinh doanh. Trước đó anh ta đã để 7 con mèo chết vì suy giảm sức khỏe khi mở quán cà phê mèo tại Singapore.
Người ta cáo buộc rằng động vật ở Kitties & Bears Cafe cũng bị bỏ rơi. Một bác sĩ thú y từ Watchdog Thailand đã lấy mẫu máu và nước bọt từ chúng để phục vụ công tác điều tra.
Song đây không phải trường hợp duy nhất, chính quyền thành phố Tokyo từng buộc chủ quán The Cat’s Paw đóng cửa một tháng vì bạo hành động vật. Theo đó, quán cà phê nổi tiếng này rộng 30m2 nhưng có tới 62 con mèo, nhiều con rất già và sức khỏe kém. Sống chen chúc trong điều kiện chăm sóc nghèo nàn, lũ mèo cũng lây bệnh cho nhau.
Cà phê mèo là dịch vụ hốt bạc tại Bangkok. Ảnh: Mango Zero.
Yachiyo Kurihara, đại diện trung tâm phúc lợi động vật Tokyo, nói với Guardian: “Chúng tôi đã cảnh cáo và yêu cầu quán cà phê phải chăm sóc lũ mèo tốt hơn, nhưng họ làm ngơ. Họ đã vi phạm luật bảo vệ quyền lợi của động vật nên chúng tôi phải hành động”.
Nicky Trevorrow, quản lý của tổ chức Bảo vệ mèo ở Anh, trả lời BBC: “Cà phê mèo không phải môi trường phù hợp cho những con vật này, bởi chúng phải sống trong môi trường chật hẹp, tiếp xúc với nhiều người. Mèo cần không gian sống ổn định, thậm chí nhu cầu này nhiều hơn chó”.
Thực tế cà phê mèo không phải trào lưu xuất hiện tại Nhật Bản đầu tiên. Quán cà phê mèo đầu tiên mở cửa tại Đài Loan từ năm 1998. Mô hình này nở rộ tại xứ sở mặt trời mọc từ 2004. Từ cà phê mèo, các chủ quán đầu tư vào nhiều loài động vật khác để hút khách như chim, nhím, cú, thỏ, rắn hay thậm chí cả dê. Một quán bar tại quận Ikebukuro ở Tokyo còn nuôi một đôi chim cánh cụt trong bể cho khách chụp ảnh, theo Telegraph.
Thường một con nhím phải chơi với khoảng 2-4 khách mỗi lần. Video: YouTube.
Những tổ chức bảo vệ động vật không ngừng lên án mô hình kinh doanh này. PETA cáo buộc nhiều quán cà phê cú đang ngược đãi các con vật: “Cú là loài chim săn mồi có khả năng nghe và nhìn rất chuẩn xác. Chúng cần sống trong môi trường có thể bay lượn và đi săn. Thật độc ác khi chối bỏ cơ hội để động vật hoang dã sống theo bản năng bằng cách nhét chúng vào không gian bó hẹp, bị con người làm phiền liên tục”.
Một nhà sinh học từ Viện Phúc lợi Động vật (AWI) chỉ trích những quán cà phê nhím: “Thật vô nhân đạo khi đối xử với chúng như vậy. Một số con nhím có thể thích nghi, nhưng về bản năng hoang dã, chúng không thích bị ai đụng chạm vào người”.
Hơn nữa, những quán cà phê nhím thường mở cả ngày, trong khi loài động vật này sống về đêm nên việc con người làm phiền cả ngày sẽ khiến chúng căng thẳng.
Theo Vnexpress
Không cần “cầu mưa” Giáng Sinh này đã có quán cà phê chống cô đơn “chào đón” bạn
Quán cà phê cho nam giới thỏa thích ngắm chân phụ nữ ở Nhật Bản.
Nhật Bản có một món đồ uống nhìn qua tưởng là cà phê mà hoá ra không phải