Ở Nhật lâu năm, đừng để bản thân mắc phải hội chứng tâm lý kỳ lạ này

Mỗi người trong chúng ta đều có những nỗi sợ riêng khó lý giải, điều này xuất phát từ những tác động bên ngoài của môi trường sống hoặc cũng có thể từ chính bản thân mỗi người. Ví dụ có người mắc phải bệnh sợ độ cao (acrophobia), sợ sấm sét (astraphobia), sợ bay (pteromerhanophobia) và rất nhiều nỗi sợ vô hình khác.

Nỗi sợ hãi lớn nhất mà đa số người Nhật mắc phải đó là một căn bệnh tâm lý gọi là taijin kyofusho (対人恐怖症) – chứng sợ hãi khi gặp người khác, một trong những hội chứng kỳ lạ nhất thế giới.

Ảnh はたらく人・学生のメンタルクリニック

Xã hội Nhật Bản vận hành theo nguyên tắc gây áp lực về chất lượng của một nhóm thông qua kỳ vọng lên từng cá nhân. Vì thế cá nhân dễ mắc phải hội chứng taijin kyofusho thường là những người luôn phải sống trong sự kỳ vọng cao.

Họ thường cảm thấy sợ hãi vô căn cứ, lo âu quá độ về ngoại hình cũng như thái độ cử chỉ của họ khi đối diện với người khác. Ngoài ra, dù phát triển rất bình thường nhưng người bệnh luôn trong trạng thái bất an rằng hành vi, suy nghĩ của họ khác với cộng đồng họ đang sống.

Taijin kyofusho được liệt vào DSM-5 (Cẩm nang chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần).

Các triệu chứng

Ảnh Doctors Me(ドクターズミー)

Taijin Kyofusho cũng có các triệu chứng tương tự với bệnh ám ảnh xã hội hay các rối loạn lo âu xã hội khác, bao gồm:

  • Hay đỏ mặt
  • Tránh eye-contact (tiếp xúc ánh mắt) với người khác
  • Run rẩy, không thể đứng yên
  • Khó nói chuyện
  • Đổ mồ hôi
  • Đau bụng, dạ dày
  • Muốn chạy trốn khỏi không gian hiện tại

Ngoài ra Taijin Kyofusho còn được chia làm các nhóm phụ, mỗi loại có những triệu chứng riêng biệt

  1. Sekimen-kyofu là sợ hãi đỏ mặt
  2. Shubo-kyofu là lo âu về cơ thể
  3. Jiko-shisen-kyofu là nỗi sợ ánh nhìn của người khác
  4. Jiko-shu-kyofu là lo lắng về mùi hương cơ thể

Taijin Kyofusho khác với các căn bệnh ám ảnh xã hội (Social Phobia) ở phương Tây

Như các bạn cũng biết, Social Phobia là hội chứng của một số người phương Tây, sợ hãi bản thân bị xấu hổ trước mặt người khác. Thế nhưng Taijin Kyofusho lại là vấn đề khác, đó là khi bạn không chỉ xấu hổ vì bản thân, mà còn xấu hổ vì lo lắng người khác sẽ xấu hổ vì bạn.

Ảnh Valdosta Today

Chính vì coi trọng giá trị cộng đồng, người Nhật có xu hướng tự đổ lỗi cho mình vì các vấn đề xảy ra quanh họ. Các nạn nhân trong thảm họa bom nguyên tử Hiroshima đã từng liên tục xin lỗi lẫn nhau, xin lỗi vì những người khác đã ra đi trong khi họ vẫn sống sót, dù rằng đó chẳng phải là lỗi của họ.

“Tôi xin lỗi” – một người vừa nói vừa cúi gập người, trong khi da trên tay vẫn đang bong ra từng lớp. “Tôi rất xin lỗi vì tôi còn sống còn con bạn thì không”, “Tôi xin lỗi vì đã không thể mất đi mạng sống của mình thay cho bà ấy”,…Nhà văn Lydia Millet từng viết “Sự lễ độ, phép lịch sự của họ từ lâu đã được biết đến, nhưng trái tim của họ thì chưa”.

Có thể nói taijin kyofusho không chỉ là căn bệnh tâm lý cá nhân, đó là vấn đề xã hội. Cũng chính từ nguyên nhân này mà nước Nhật có những thanh thiếu niên sẵn sàng sống dơ bẩn trong cái ổ chuột của riêng họ, thay vì bước ra ngoài và giao tiếp với cộng đồng. Cũng bởi căn bệnh này mà rất nhiều người Nhật suy nghĩ tiêu cực, và tệ nhất là tự kết liễu bản thân.

Ảnh blogman55.com

Đã gọi là bệnh tâm lý, đó hẳn không phải thứ để bị đem ra chế giễu. Ví dụ, bạn không có quyền lên án, trêu ghẹo những người này là yếu đuối, nhu nhược, bởi bạn không cùng hoàn cảnh với họ. Chúng ta cũng không nên đứng từ góc nhìn xã hội của quốc gia này mà phán xét vấn đề của quốc gia khác.

Điều cần thiết là tìm ra phương pháp hiệu quả để giúp những con người lặng lẽ này có thể hòa nhập với cộng đồng. Những biện pháp chữa trị hiện tại cho taijin kyofusho được đề xuất như thư giãn nhẹ nhàng, thiền, viết nhật ký, học cách chấp nhận bản thân mình (từ ngoại hình đến tính cách), và đặc biệt, những người này rất cần sự giúp đỡ của gia đình. Với một số trường hợp bệnh đã phát triển nặng thành trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực, người bệnh nên gặp bác sĩ tư vấn và dùng thuốc theo quy định.

Ảnh ばいばい対人恐怖症

Trong xã hội hiện đại, khi những mối lo ngại không còn là miếng cơm manh áo, con người bắt đầu đòi hỏi được chứng minh bản thân. Thế nhưng quá trình này không hề dễ dàng, đặc biệt trong môi trường cạnh tranh cao và nhiều áp lực như Nhật Bản. Một cá nhân không giải quyết được vấn đề nhưng nhiều người có thể hỗ trợ thêm rất nhiều thứ cả về sức lực và tinh thần. Đó chính là lý do sẵn sàng mở lòng và có khả năng than thở với người khác cũng là một kỹ năng cần thiết.
Chúng ta nên học tập người Nhật những điều tốt, nhưng đừng tạo áp lực với chính mình như người Nhật nhé!
Sachiko
Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: