Vào cửa hàng mua kẹo, các em nhỏ Nhật Bản được dạy bài học đạo đức “nhớ đời”
Bạn đã bao giờ nghe đến Dagashiya (駄菓子屋) chưa ?
Đây là những cửa hàng bán kẹo và đồ chơi đầy màu sắc, thiên đường ma mị với bất kỳ đứa con nít nào ở thời đại của tôi.
Giờ đây, với sự có mặt của siêu thị và hằng hà cây số các cửa hàng tiện lợi, số lượng các Dagashiya ngày càng ít đi.
Ảnh: dosukoimonachan.blog46.fc2.com
Những món trong bức ảnh này chỉ khoảng tầm 10 đến 30 Yên là cùng. Vậy mà thời đó chúng là cả một bầu trời hạnh phúc của bọn nhóc 4-5 tuổi.
Điều lạ là khách đến quán chủ yếu là trẻ em, không hề có người lớn đi kèm. Anh trai, chị gái sẽ dẫn theo em nhỏ. Nếu em nào nhà không có anh chị em, sẽ sang nhà bên “mượn tạm” một anh nuôi nào đó để “dắt díu” đến quán.
Nếu bạn hỏi làm sao bọn trẻ có tiền để mua kẹo thì câu trả lời đó là tiền tiêu vặt.
Mỗi đứa trẻ ở Nhật đều được dạy dỗ để tự lập, tất nhiên cả trong vấn đề tiền bạc. Mỗi lần giúp mẹ sẽ nhận được tiêu vặt và dần dần tiết kiệm. Và tất cả “gia tài” hầu như đều tiêu tốn cho tiệm Dagashiya đó.
Tôi nhớ có lần mình mang hẳn 100 Yên, vừa nắm chặt đồng xu vừa chạy như bay đến và chọn ra một món yêu thích.
Vì chỉ có đúng 100 Yên nên tôi phải đắn đo nhiều lắm mới chọn được.
Nếu mình chọn hẳn món 100 Yên thì sao?
Hoặc mua 10 món giá 10 Yên lại có lợi hơn chăng?
Chính việc cầm trên tay đồng tiền mình “vất vả” kiếm được mới khiến các em hiểu được giá trị của nó. Hơn nữa việc tiêu tiền như thế nào là quyền quyết định của mỗi em. Nên dù hối tiếc hay mãn nguyện thì cũng trở thành bài học quý giá theo chúng đến khi trưởng thành.
Chủ quán Dagashiya thường là những cặp vợ chồng già.
Ảnh: tjokayama.jp
Nên những đứa trẻ đến mua hàng thường phải nói chuyện một chút với ông bà. Từ đó mà hình thành tính cách dạn dĩ, không ngại người lạ. Ngoài ra, dù không có ba mẹ nhưng các em vẫn cố gắng tự xếp hàng đợi đến lượt, nếu không biết cách ăn thì sẽ nhìn anh chị và học theo.
Hơn thế nữa, một đức tính quan trọng mà các em học được ở tiệm Dagashiya nữa. Đó là sự trung thực. Không như những siêu thị có hệ thống quản lý, camera nghiêm ngặt, các cụ còn “chẳng buồn” kiểm kê hàng hoá, thế nên nếu có tình trạng ăn cắp vặt xảy ra thì hoàn toàn có thể trót lọt được.
Thế nhưng chính những đứa trẻ khác sẽ ngăn “tên trộm bé nhỏ” lại bằng cách lên tiếng ngay. Vì vậy mà dù yêu thích món đồ ấy đến thế nào thì chúng tôi chỉ còn cách kiếm tiền tiêu vặt để mua mà thôi.
Hình ảnh một chiếc máy Gacha Gacha cổ
Ảnh: saihokuhobito.blog137.fc2.com
Thời đó với 20 Yên và 100 Yên, chúng tôi còn chơi được cả trò “quay số trúng thưởng” nữa. Cho tiền vào và xoay, tất cả bí ẩn sẽ nằm trong chiếc bóng nhựa tròn khiến bất cứ đứa trẻ nào thời ấy cũng đam mê. Đó là máy Gacha Gacha như các bạn thấy trên đây.
Thật ra đây chỉ là trò “cờ bạc” may mắn dành cho con nít mà thôi.
Thế nhưng chính điều này cũng mang lại những bài học đắt giá. Nếu mải chơi Gacha Gacha thì bạn sẽ không có tiền mua kẹo. Và tệ nhất là khi quả bóng mình chọn phải, lại không chứa món đồ yêu thích, lúc đó cảm thấy cả thế giới như sụp đổ trước mặt vậy.
“Cờ bạc” là thứ như vậy. Nếm trải từ bé cũng chính là cách để sau này chúng không sa vào còn đường đen tối đó.
Đó là những bài học mà Daigashiya và máy Gacha Gacha dạy chọ bọn trẻ thời Showa chúng tôi.
Và trên hết, thứ tôi học được cuối cùng đó là câu chuyện vui sau đây:
Lúc tôi lên 5, 6 tuổi, mỗi ngày mẹ cho tôi 100 Yên tiền tiêu vặt để đến tiệm kẹo mua quà vặt. Thế nhưng ngày qua ngày tôi tiết kiệm và có tháng để dành được 2000- 2500 Yên.
Thế nhưng khi tôi vào tiểu học, mẹ nói với tôi thế này.
“Giờ con đã lớn rồi, nên mẹ sẽ gom tiền tiêu vặt lại và phát cho con 1000 Yên mỗi tháng”.
1000 Yên tiền giấy ư?
Được cầm trên tay tờ tiền giấy, so với xu lẻ thì tôi cảm thấy mình thực sự đã trở thành người lớn. Tuy nhiên ngồi ngẫm lại thì với 1000 Yên đó thì chẳng phải tiền tiêu vặt của tôi đã hụt đi một nửa hay sao?
Đúng là một bài học nhớ đời.
Kengo Abe
Thì ra đây mới là nghề nghiệp số 1 trẻ em Nhật Bản thường mơ ước
“Sốc” với nguy hiểm tiềm ẩn từ 5 món đồ chơi yêu thích được trẻ em Nhật thường ngày vẫn dùng
“Để mẹ giữ tiền lì xì cho”- “Sự trấn lột tàn nhẫn” không riêng gì trẻ em Việt Nam