Cấm chơi cầu trượt, cấm mang dép kẹp… Nhật Bản đang cố gắng sản sinh ra “thế hệ Robot sống”?

撤去 (Tekkyo) hay 禁止(Kinshi) là những cụm từ thể hiện sự cấm đoán. Dạo quanh đường phố, tàu điện hay một số nhà hàng Nhật, bạn sẽ chóng mặt với tần suất xuất hiện của các biển báo “cấm…” hoặc một dạng khác là dải băng màu vàng.

Như:

Cấm hút thuốc : タバコ禁止 (Tabako Kinshi)

Cầm xâm nhập: 立入禁止 (Tachiiri Kinshi)

Cấm sử dụng điện thoại: 携帯電話使用禁止(Keitaidenwa shiyou kinshi)

Ảnh: irasutoya

Chung quy, mục đích chính của việc xây dựng các quy định cấm ở một số khu vực nhất định là để bảo vệ sự an toàn của cộng đồng hay những đối tượng đặc biệt, dễ rơi vào tình huống nguy hiểm nếu thiếu các quy định cấm kể trên. Như : trẻ em, người cao tuổi, người tàn tật…

Thế nhưng, trong thời gian gần đây, sự xuất hiện của quá nhiều các biển cấm, khiến cho một bộ phận người dân và cộng đồng mạng ở Nhật cảm thấy bức bối cũng như ngột ngạt với cuộc sống ở chính quê hương mình. Nếu vì những trò nghịch dại của một số khác hoặc cá nhân người lớn nhận thấy rằng nó nguy hiểm mà cấm đoán con em mình. Thì đó có hẳn là biện pháp bảo vệ chúng toàn diện hay chỉ đang ép chúng vào khuôn khổ của những quy tắc mà thôi?

Chiếc cầu trượt “ám ảnh”…

Bạn đã bao giờ nhìn thấy chiếc cầu trượt nguy hiểm nhất Nhật Bản chưa?

Được xây dựng với mục đích thu hút khách du lịch, chiếc cầu trượt dài 60m dẫn từ trên đỉnh đồi xuống chân đồi đặt tại tỉnh Eihime. Vào những ngày mưa, cầu dễ trơn trượt làm người chơi không thể giảm tốc độ dễ dẫn đến chấn thương khi đập xuống nền gạch. Tháng 4 năm ngoái, một bé trai đã đập đầu vào thanh chắn của cầu trượt dẫn đến vết thương dài 10 cm trên đỉnh đầu.

Ảnh: whats.be

Từ đó, mà nhiều phụ huynh cho rằng nó quá nguy hiểm với con em mình và đề nghị nhà chức trách có biện pháp xử lý.

Giờ đây biểu tượng hơn 50 năm của thị trấn nhỏ đã mất đi vì giữ an toàn cho tính mạng con trẻ. Người dân trong vùng khi được hỏi, cũng chẳng biết đây là tin vui hay tin buồn, chỉ biết lắc đầu bảo: “sự thay đổi của thời đại thật sự lớn quá”…

Các bà mẹ lên tiếng

Một số bà mẹ có con nhỏ cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình khi so sánh với xã hội Nhật trước kia.

“Cấm chơi bóng trong sân

Cấm chơi nhảy dây ở công viên

Cấm các thanh sắt

Cấm mang đồ ăn vặt

Cấm đội mũ trùm đầu

Cấm mang dép kẹp khi đi chơi 

Hễ có chút nguy hiểm là cấm hết. Ai chắc chắn việc loại trừ những thứ đó sẽ bảo vệ con em, chứ tôi thì không.

Xung quanh mọi người có xảy ra tình trạng này không? Đến cả công viên mà không chơi bóng được thì biết cho con đi đâu chơi bây giờ”.

Sau khi chủ đề “cấm đoán” của bà mẹ trên được đăng tải, đã có rất nhiều phụ huynh khác cũng bày tỏ ý kiến cá nhân.

Cùng lướt qua một số quan điểm nổi bật nhé.

“Sau vụ chấn thương của em nhỏ do chơi xích đu hay cầu tuột ở công viên tỉnh Gifu thì đi đâu cũng thấy các biến cấm đề phòng nguy hiểm hết”.

Ảnh: mamastar.jp

Ảnh: mamastar.jp

“Tôi thấy nhớ những trò này quá đi. Hồi đó chẳng biết gì, ngồi vào thì thấy nó xoay mòng mòng, sợ đến nỗi không biết ra khỏi đó như thế nào. Đúng là với người lớn thì đó chẳng là gì nhưng với trẻ em, nó tựa như tàu lượn siêu tốc hay mấy trò mạo hiểm vậy. Thế nhưng chỉ cần cẩn thận một chút thì chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Thêm chút “sợ hãi” thế này thì mới vui chứ”

“Bọn trẻ ngày nay thật tội nghiệp. Tuy lớn lên ở thành phố, xung quanh tôi là những khu chung cư cao tầng nhưng hồi đó chúng tôi không thiếu trò để chơi. Có thời, tôi và cậu bạn nối khố đã dở các nắp cống bằng tre lên để bắt giun hoặc lội xuống cống rãnh để bắt… tôm. Hái hoa, bắt bướm, lộn nhào như thể siêu nhân… hầu như không có gì là tôi chưa trải qua. Ngày nào về nhà, mẹ tôi cũng mắng vì người tôi đầy bùn đất và bốc mùi”

“Bảo vệ trẻ em là phụ, người lớn chỉ sợ bị trách móc than phiền nên mới “cấm vận” hàng loạt như vậy”

Còn rất nhiều ý kiến khác cả ủng hộ lẫn phản đối. Thế nhưng nhìn chung, đa số họ đều nhận thức được cuộc sống của trẻ em trong thời đại này “khó khăn” hơn trước đây rất nhiều, tất nhiên tôi đang nói về mặt tinh thần chứ không phải vật chất.

Ảnh: irasutoya

Và đúng như người dân tỉnh Eihime phát biểu về tin tức chiếc cầu trượt bị phong toả đã nói, có lẽ nguyên nhân đến từ sự thay đổi của thời đại. Càng ngày, giữa người và người càng mất đi sự tin tưởng. Thay vì chờ họ ý thức thì cấm đoán ngay từ đầu có lẽ sẽ tốt hơn.

Còn bạn, bạn nghĩ thế nào về quan điểm của các bà mẹ trên cũng như chiều hướng phát triển của xã hội Nhật hiện đại? Hãy chia sẻ cho Japo biết suy nghĩ của các bạn nhé!

Chee 

Đây là lý do tại sao iPhone Nhật không thể tắt được âm thanh khi chụp hình

Top 25 ga tàu và 14 tỉnh ở Nhật dễ gặp biến thái nhất

Nỗi ám ảnh mùa đông của nữ giới Nhật mang tên…những tên biến thái mặc Jacket

 

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: