Nữ nhiếp ảnh gia người Việt Maika Elan được vinh danh trên tạp chí nổi tiếng nước ngoài với bộ ảnh Hikikomori

Nữ nhiếp ảnh gia người Việt Maika Elan được vinh danh trên tạp chí nổi tiếng nước ngoài với bộ ảnh Hikikomori.

Maika Elan đã có cơ hội đến sống và làm việc tại Nhật Bản trong 6 tháng, và cô đã chọn cho mình một đề tài dường như chỉ có ở Nhật để chụp. Kết quả trả về cho những kiên trì và nỗ lực của nhiếp ảnh gia này là những tấm ảnh đầy cảm xúc và sự công nhận từ tạp chí Musée Magazine.

Mới đây nữ nhiếp ảnh gia người Việt Maika Elan lại thêm một lần nữa được vinh danh trên tạp chí Musée Magazine với bộ ảnh về chủ đề Hikikomori – những người trẻ Nhật Bản chọn cuộc sống thầm lặng và xa lánh cộng đồng. Đây không phải lần đầu những thước ảnh đẹp đẽ và ngập tràn cảm xúc của Maika được các tờ báo nước ngoài vinh danh, thế nhưng, mỗi lần chia sẻ, những câu chuyện qua ảnh của cô vẫn khiến không ít người phải suy ngẫm ít nhiều.

Dưới đây là cuộc phỏng vấn được ghi lại giữa Cailin Loesch và Maika Elan về thành quả công việc của cô, được đăng tải trên Musée Magazine chỉ cách đây mới ít ngày.

Ảnh: Maika Elan

Cailin Loesch (CL): Tôi đã đọc về bạn trên tờ Địa lý Quốc gia (National Geographic, một tạp chí địa lý tự nhiên và xã hội nổi tiếng của Mỹ) rằng một số “Rental Sister” (những người giúp đỡ các Hikikomori và đưa họ trở về tái hòa nhập cộng đồng) như Oguri Ayako của tổ chức New Start, đôi khi phải nói chuyện với những người lánh đời đó tới hàng tháng liền, sau đó gọi điện thoại để rồi dè dặt tiến đến trước cửa phòng ngủ của họ trước khi được đồng ý cho phép vào phòng.

Tôi biết rằng đôi khi bạn phải mất tới 5, 6 lần viếng thăm một Hikikomori để được phép chụp lại những bức ảnh của họ. Vậy bạn đã làm gì trong những lần ghé thăm đầu tiên? Bạn đã thuyết phục họ như thế nào?

Maika Elan (ME): Ban đầu, sau khi tôi được Oguri giới thiệu tới họ, tôi phải gửi hồ sơ của chính mình cho các gia đình có người thân là Hikikomori để họ đồng ý cho phép tôi tới nhà. Vào lần gặp gỡ đầu tiên, tôi không được phép vào nhà mà thường phải ngồi ngay trước cửa hoặc hẹn gặp ở quán cafe; chờ đợi Oguri – thường là mất tới 2 tiếng. Hai hoặc ba buổi nói chuyện tiếp theo, tôi đã có thể vào nhà và ngồi trong phòng khách trong khi Oguri và các Hikikomori nói chuyện với nhau trong phòng ngủ.

Thông thường sau 3 hoặc 4 buổi như vậy, tôi sẽ được phép đến phòng riêng của Hikikomori cùng với Oguri, và sau 5 hoặc 6 buổi gặp mặt liền như thế, tôi sẽ được phép chụp hình. Vì vậy, trong sáu tháng ở Nhật Bản, trong hàng chục chuyến viếng thăm khác nhau ở Tokyo và Chiba, tôi đã đi theo Oguri để tìm và chụp ảnh các đối tượng của cô, những người đã trở thành mẫu ảnh của tôi. Một số Hikikomori có thể nói được một chút tiếng Anh nhưng không tốt – ngay cả các Rental Sister cũng thế – vì vậy chúng tôi phải sử dụng phần mềm Google dịch rất nhiều!

Ảnh: Maika Elan

CL: Tôi biết rằng việc làm cho những đối tượng được chụp ảnh cảm thấy thoải mái là điều tối quan trọng, nhưng tôi có thể tưởng tượng được mức độ quan trọng của việc này khi chủ đề được chụp khá nhạy cảm, khi mà bạn đang làm việc với những người coi cuộc sống kín đáo của họ là trên hết và không muốn có liên hệ gì với người khác. Bạn có một phương pháp cụ thể gì để giúp các Hikikomori cảm thấy thoải mái không?

 ME: Tôi nghĩ rằng trên thực tế, việc bản thân tôi là phụ nữ đã khiến họ cảm thấy an lòng hơn. Hơn nữa, tôi là một người ngoại quốc, do đó họ cũng có xu hướng muốn giúp đỡ tôi. Mỗi khi đi và chụp, trong lòng tôi chỉ tâm niệm hai điều: chân thành và kiên nhẫn. Chân thành với nhân vật – đó là điều kiện tiên quyết. Khi tôi gặp bất kỳ người nào, tôi cũng nói rõ ràng mục đích của tôi khi chụp hình, và nếu họ đồng ý, tôi sẽ nói rõ luôn nơi mà những bức ảnh sẽ được đăng tải. Và hơn nữa, đây chỉ là một dự án mà tôi tự thực hiện. Tôi chịu tất cả mọi trách nhiệm. Tôi không bao giờ nâng cao quan điểm bản thân hoặc làm nhắm tới những tham vọng hào nhoáng để thăng tiến sự nghiệp và công việc. Để hiểu được nhân vật, trước tiên bạn phải cho họ cơ hội để hiểu được thứ mà họ đang tham gia vào – vì đôi khi họ là những người duy nhất phải đối mặt với những hệ lụy sau cùng của mọi thứ chứ không phải tôi.

CL: Bạn có trò chuyện với các Hikikomori về cảm xúc của họ khi được chụp ảnh không, và họ có chia sẻ câu chuyện của mình không? Họ cảm thấy thế nào về việc chia sẻ về cuộc sống của bản thân? (dù bản thân họ đã là những người rất lánh đời)

ME: Trên thực tế, hầu như Hikikomori không quá quan tâm vì họ chưa sẵn sàng trở lại cộng đồng, vì vậy họ không quá quan trọng về việc thế giới có biết về cuộc sống của họ hay không. Họ đồng ý cho tôi chụp ảnh vì họ muốn giúp tôi nhiều hơn, giúp tôi thấy được các khía cạnh cuộc sống của họ. Họ chỉ đơn giản muốn cảm thấy mình hữu ích, ít nhất là đối với tôi.

Ảnh: Maika Elan

CL: Bạn đã từng thừa nhận rằng trước dành thời gian gặp gỡ và tìm hiểu các Hikikomori, bạn đã từng nghĩ họ là những kẻ “ích kỷ và lười biếng”. Điều gì làm thay đổi suy nghĩ của bạn? Bạn có nhớ một khoảnh khắc cụ thể nào đó đã làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ đó không?

ME: Tôi không có một khoảnh khắc cụ thể nào cho cảm xúc đó, mọi thứ chỉ đơn giản được đúc kết từ quá trình gặp gỡ và trao đổi với các Hikikomori. Khi tôi tiếp xúc với họ, tôi thấy họ tuy sống trong nhà nhưng vẫn tiếp tục theo dõi cuộc sống ngoài kia, và họ vẫn tiếp tục học hỏi những điều mới và nghiên cứu nhiều mảng thuộc về sở thích của họ. Một số Hikikomori tôi gặp thậm chí còn nói rất nhiều và tỏ ra rất tò mò; họ liên tục hỏi về đất nước của tôi và yêu cầu tôi kể chuyện cho họ nghe.

Có một Hikikomori còn rất trẻ thậm chí còn biết đến một bài hát tiếng Việt và hát nó cho tôi nghe. Một số người gọi họ là những kẻ lười biếng, nhưng trong thực tế, họ bị tê liệt bởi nỗi sợ xã hội và bị mắc kẹt lại ở góc an toàn của bản thân và không thể trốn thoát. Họ biết rằng đó là hành vi tiêu cực, nhưng tự khóa mình trong phòng làm cho họ cảm thấy “an toàn” và họ không muốn thay đổi. Cha mẹ của các Hikikomori cũng biết rằng tình trạng của con cái mình trong xã hội sẽ bị ảnh hưởng nếu họ tiết lộ lối sống của họ, rằng thường thì họ sẽ dần trở lại bình thường sau nhiều tháng hoặc nhiều năm. Hầu hết các vị phụ huynh đều cảm thấy việc con cái trở thành Hikikomori là sự thất bại trong việc nuôi dạy con cái, điều đó làm họ cảm thấy giống như đang tự tay bỏ rơi đứa con đẻ vậy.

Ảnh: Maika Elan

CL: Là một nhiếp ảnh gia, bạn tập trung vào khía cạnh nào khi tìm kiếm khung hình cho những người ẩn dật này? Làm thế nào để bạn lột tả sự cô đơn và lối sống bị cắt ra rìa xã hội của họ?

ME: Việc triển khai dự án chụp ảnh Hikikomori bắt đầu tiến hành khi tôi đến Nhật và sống ở đó 6 tháng với tư cách là nghệ sĩ thường trú của Japan Foundation Asia Center  (03/2016 – 09/2016). Tuy nhiên, nó cũng liên quan đến công việc trước đây của tôi mà tôi đã làm khi còn ở Việt Nam. Nếu bạn nhìn vào các dự án tôi đã từng thực hiện (www.maikaelan.com), hầu hết các câu chuyện bằng ảnh trước đây của tôi có liên quan đến việc chụp hình người và lột tả những câu chuyện của họ.

Tôi luôn luôn say mê và tò mò về những mối quan hệ giữa con người (như trong The Pink Choice), cách mà con người đối mặt với bệnh tật (như trong bộ ảnh Like My Father), và mối quan hệ giữa con người và động vật (như những tấm hình trong Aint Talkin ‘Just Lovin’). Hikikomori là một sự lựa chọn hoàn toàn khác biệt khi các mẫu ảnh tôi lựa chọn lại chọn cách sống cắt đứt khỏi xã hội, không có một mối liên kết được duy trì nào, không liên quan tới gia đình, bạn bè, xã hội …

Một cách thú vị, đó là một mối quan hệ “không liên kết”. Đồng thời, do bản thân mới tới Nhật lần đầu tiên, tôi chỉ thực hiện các dự án liên quan tới các vấn đề chỉ có mặt ở Nhật Bản, những vấn đề phát sinh từ những góc khuất văn hóa xưa cũ của đất nước này. Hikikomori là sự lựa chọn hoàn hảo cho khát vọng này. Người ta ước tính có hơn 1 triệu người Nhật mắc phải hội chứng Hikikomori (khoảng 1% dân số) – nhiều hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Tôi nghĩ rằng khi tôi chụp ảnh các Hikikomori ngay trong căn phòng của chính họ, nơi mà họ cảm thấy an toàn nhất, họ sẽ cảm thấy bản thân được thoải mái và làm chủ không gian cũng như cảm xúc của chính mình; vì thế công việc của tôi đơn giản chỉ là nắm bắt mọi khoảnh khắc mà thôi.

Ảnh: Maika Elan

CL: Tôi được biết rằng bạn sẽ tiếp tục dự án này của mình bằng cách tập trung ống kính vào các Rental Sister. Bạn muốn lột tả điều gì thông qua những tấm ảnh về họ?

ME: Những gì tôi muốn bộc lộ qua những tấm ảnh này không phải là cuộc sống của các Hikikomori mà là những mối quan hệ giữa họ với các Rental Sister. Đối với tôi mối quan hệ này rất quan trọng, bởi vì ngay cả sau nhiều năm vô vọng, khi gia đình và bạn bè và chính bản thân Hikikomori không thể tự kéo mình ra khỏi phòng riêng, bằng cách nào đó, các Rental Sister lại làm được việc. Họ có một sức mạnh tuyệt vời. Mong muốn của tôi là đưa Oguri, một Rental Sister tiêu biểu, trở thành nhân vật chính của tôi. Cô ấy có một công việc đặc biệt khi hàng ngày phải gặp các Hikikomori. Cô ấy là người sẽ kể câu chuyện này chứ không phải là tôi.

Ảnh: Maika Elan

CL: Bạn có rút ra được kinh nghiệm gì sau dự án này không? Kiểu như một câu chuyện hay một bài học từ các Hikikomori khiến bạn thay đổi suy nghĩ chẳng hạn?

ME: Tôi đã học được rằng xã hội Nhật Bản rất đa dạng, và họ tôn trọng sự lựa chọn cá nhân của mỗi người. Nhật Bản có rất nhiều người chỉ làm việc và cống hiến cho các công ty và doanh nghiệp, nhưng họ không chắc chắn rằng bản thân mình có đang cảm thấy hạnh phúc. Dường như lúc đầu Hikikomori là một vấn đề, khi mà nó chủ yếu xảy ra với những người trẻ và làm cho đất nước này mất đi một phần lớn lực lượng lao động trẻ. Nhưng mặt khác, nó góp phần vào dòng chảy tự nhiên giúp xã hội trở nên cân bằng hơn khi có những người dám bỏ qua tất cả các quy tắc và thay vào đó sống theo sở thích cá nhân của chính mình.

Ảnh: Maika Elan.

Theo Nam Thanh/ Helino

Hội chứng “sợ”người da trắng ở Nhật là có thật?

Những câu nói tưởng vô hại của cánh đàn ông lại khiến chị em phụ nữ cảm thấy tổn thương

Sailor hay Blazer? Cuộc tranh cãi không hồi kết của nữ sinh Nhật Bản

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: