Từ vụ việc sếp ép nhân viên ăn mì cay – Không phải ai cũng biết mình là nạn nhân của “bạo lực công sở”

Bên cạnh những điểm sáng của một nền giáo dục tiên tiến, bạo lực học đường luôn là vết nhơ khó lòng xoá bỏ trong lịch sử giáo dục Nhật từ sau khi cải cách. Bóc lột tiền, hành hạ tinh thần, tra tấn thể xác, dồn bạn học đến đường cùng đến nỗi chỉ biết chọn con đường chết….Không phải tất cả nhưng đó đang là những gì lẩn khuất sau học đường Nhật Bản hiện nay.

Thế nhưng, bạn biết không, vấn nạn bắt nạt không chỉ diễn ra duy nhất ở trường học đâu. Ngay tại công sở, nơi những người lớn biết suy nghĩ và đủ chín chắn đang cống hiến cho xã hội thì trong “bóng tối” lại có một số kẻ mạnh giẫm đạp, lạm quyền, dày vò kẻ yếu…

Tiếng Nhật gọi là Pawahara – パワハラ .

Từ này có phát âm na ná với Sekuhara viết tắt là Sexual harassment, cũng là một thực trạng nhức nhối đang diễn ra tại một số doanh nghiệp Nhật hiện nay – Quấy rối tình dục.

Khác với Sekuhara, đối tượng của Pawahara thường không phân biệt giới tính. 

Ảnh: http://www.irasutoya.com/

Cũng như ở học đường, cách thức “tra tấn” ở công sở không có nhiều khác biệt.

Đơn cử như vụ việc xảy ra từ 3 năm trước nhưng gần đây mới bị “phanh phui”. Vụ việc xảy ra ngay tại văn phòng cảnh sát tỉnh Kumamoto. Được biết, từ tháng 9/2015 đến tháng 10 năm ngoái, bị cáo là trưởng phòng tuần tra ngoài 50 tuổi có hành vi hành hạ nhiều cấp dưới của mình. Ông nhiều lần hét lớn tiếng, đá vào chân, nện vào đầu những nhân viên mà mình “ngứa mắt”. Thậm chí, ông còn bắt nhân viên ăn mì Soba cực cay mặc dù người đó không thể. Những sự việc đó liên tiếp xảy ra khiến cho rất nhiều nhân viên sợ hãi và lần lượt nghỉ việc dù mới bắt đầu chưa đến 1 tuần.

Chỉ sau khi nhận thấy sự khác lạ từ bộ phận tuần tra, sở cảnh sát tỉnh Kumamoto mới bắt đầu tổ chức khảo sát toàn bộ nhân viên để tìm ra nguyên nhân.

Để trừng phạt hành vi bạo lực công sở, ông này bị cắt giảm 3 tháng lương và đón nhận “thế nào gọi là chỉ bảo đúng đắn” từ cấp trên.

Ảnh:http://www.irasutoya.com/

Nói về các mối nguy hiểm tiềm tàng từ Pawahara, nạn nhân không chỉ bị tổn thương về thể xác mà còn ít nhiều gây rối loạn tâm lý. Một số triệu chứng cho thấy dấu hiệu của bệnh tâm thần ở nạn nhân của bạo lực công sở đó là:

●Mới sáng sớm đã tự nhiên bật dậy

●Cảm giác tuyệt vọng, không muốn bước chân đến công sở

●Ăn mặc luộm thuộm

●Từ công việc đến chuyện riêng, chẳng thiết tha làm gì

●Không thể tập trung

●Nếu được thì chỉ muốn ở 1 mình

●Lúc nào cũng bất an, sốt ruột

●Muốn biến mất khỏi thế giới

●Nhàm chán với mọi thứ

●Không thiết ăn uống

●Đầu nặng trĩu, hay đau nhói

●Không có lý do nhưng thường bật khóc

Để phòng tránh hiện tượng bạo lực công sở, nhiều công ty thường tổ chức các buổi hội thảo, tuyên truyền về hậu quả cũng như cách phòng tránh hay giải quyết Pawahara. Hằng năm, còn có những buổi khảo sát kín trong toàn thể nhân viên để tìm kiếm và kịp thời giúp đỡ nạn nhân khi họ không thể trực tiếp lên tiếng.

 Ảnh:http://www.irasutoya.com/

Dành đến những bạn đang sắp sửa bước vào hoặc đang cố gắng hết sức trong môi trường làm việc khắc nghiệt ở Nhật, hãy nhận thức rõ sự khác nhau giữa chỉ dẫn nhiệt tình và bắt nạt bằng bạo lực từ đồng nghiệp hoặc cấp trên. Đừng im lặng chịu đựng vì sợ mất việc. Bởi nếu họ sa thải trong khi bạn là nạn nhân thì công ty đó chẳng xứng đáng với nỗ lực mà bạn đã bỏ ra đâu.

Chee 

“Những bông hoa công sở”và mặt tối của nữ nhân viên văn phòng Nhật Bản

Những lỗi trang phục ít ai biết khi làm việc tại công ty Nhật

Một số câu phỏng vấn khi xin việc vào Công ty Nhật

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: