Bệnh tháng 5 tiếp nối bệnh tháng 4, bảo sao tỷ lệ tự sát ở Nhật lại cao đến vậy

Tháng 4 và tháng 5 là thời điểm đẹp nhất của mùa xuân ở Nhật. Thời tiết ấm áp, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, muôn hoa đua nở, đặc biệt là hoa Anh Đào. Thế nhưng đi kèm với những điểm tốt, thời gian này người Nhật phải đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo, đặc biệt đối với sinh viên đại học. Người Nhật gọi đó là “Shigatsu-byo” (căn bệnh tháng 4)  “Gogatsu-byo” (căn bệnh tháng 5).

Ảnh All About(オールアバウト)

Đó không hẳn là một dịch bệnh theo đúng nghĩa đen mà chỉ là cách gọi, từ lóng cho những triệu chứng phấn khích quá đà, quá tham vọng thử cái gì đó mới mẻ. Ví dụ, một sinh viên mắc căn bệnh tháng 4 sẽ vạch ra rất nhiều kế hoạch, đăng ký tham gia rất nhiều khóa học mà bản thân sinh viên ấy không thể theo kịp kế hoạch của chính mình.

Ảnh Fujinsei

Nguyên nhân của căn bệnh tháng 4 bắt nguồn từ phong tục, quan niệm của người Nhật vào thời điểm “nhạy cảm” này. Tháng tư được xem là khởi đầu của một cuộc sống mới, là khi các học sinh tất bật với những kỳ thi đầu vào, bắt đầu học kỳ mới, hoặc với những salary-man, đó là thời điểm bắt đầu một giai đoạn mới của công ty. Rất nhiều người, đặc biệt là sinh viên năm 1 có kỳ vọng và động lực khá cao cho cuộc sống sinh viên vừa bắt đầu của họ.

Ảnh Eugene Matusov’s Webs

Và hệ quả của căn bệnh tháng 4 chính là căn bệnh tháng 5. Sau khi “hưng phấn thái quá” bạn sẽ bị rơi vào giai đoạn “hụt hẫng” thậm chí “trầm cảm”. Triệu chứng của căn bệnh tháng 5 gần giống với triệu chứng của bệnh trầm cảm. Nếu bạn mắc bệnh, bạn lúc nào cũng ở trạng thái năng lượng bằng 0, cảm thấy chán nản với những thứ mình từng hứng thú, thậm chí không có động lực để làm những công việc vệ sinh thông thường.

Ví dụ, sinh viên đại học sau khi quá “năng động” đăng ký nhiều khóa học, tham gia nhiều hoạt động dưới tác động của căn bệnh tháng 4, dần dần sẽ nhận ra rằng không thể ôm đồm một lúc quá nhiều việc. Chưa kể những thực tế không như mong đợi khiến sinh viên ấy dễ rơi vào trạng thái “vỡ mộng” – đó là khi trầm cảm bắt đầu thống trị.

Ảnh 字媒體ZiMedia

Nguyên nhân chính của căn bệnh tháng 5 chính là sự thay đổi về môi trường khiến nhiều người gặp áp lực, cảm thấy bị hành hạ không chỉ về mặt thể xác lẫn tâm hồn. Căn bệnh tháng 5 phát triển mạnh vào khoảng tuần thứ 2 của tháng 5, điều này liên quan đến chế độ nghỉ lễ tại Nhật.

Có 4 kỳ nghỉ lớn vào thời điểm cuối tháng 4 đầu tháng 5, vì thế đa phần sinh viên sẽ được nghỉ học. Sau kì nghỉ, các sinh viên cảm thấy sốc khi phải quay trở lại guồng quay học tập sau khi được xả hơi thư giãn.

Ảnh 【Beauty answers】ビューティアンサーズ

Như các bạn thấy, căn bệnh này xảy ra với hầu như mọi người Nhật, và nguyên nhân chủ yếu liên quan đến các phong tục và sự bố trí ngày nghỉ của nước Nhật. Hai căn bệnh ở vào hai thời điểm ngay sát nhau sẽ khiến rất nhiều người bị Stress. Có người vượt qua đến cuối tháng 5, nhưng cũng có người mất thời gian lâu hơn để thích nghi.

Để phòng ngừa căn bệnh tháng 4 và tháng 5, người Nhật đã đề ra một số các biện pháp, chủ yếu liên quan đến việc điều chỉnh tâm lý.

Ảnh Daily Onigiri

  • Đầu tiên, đừng đặt quá nhiều kỳ vọng ở bản thân. Bạn có thể cảm thấy hào hứng khi chuẩn bị bước vào môi trường mới, nhưng đừng “ảo tưởng” khả năng mà biến kỳ vọng thành gánh nặng.
  • Cần giữ sự giao tiếp với mọi người, đặc biệt với những người đi trước để học hỏi kinh nghiệm. Họ sẽ giúp bạn nhanh chóng làm quen với môi trường và lấy lại cân bằng.
  • Ngủ đủ giấc, đừng ăn chơi (hoặc làm việc, học tập) quá sức.
  • Trước khi nhận một việc gì đó, hãy tự lượng sức bản thân, lên kế hoạch chi tiết, dài hạn để thực hiện và đừng nhận thêm bất kỳ việc gì khác. Người ta không đánh giá cao bạn khi bạn làm nhiều việc, người ta đánh giá bạn qua kết quả bạn làm với 1 việc nào đó.

Bây giờ đã qua tháng 5, mùa cao điểm của những căn bệnh. Hoa Anh Đào vẫn còn đang nở ở một số vùng tại Nhật, hãy tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên và sống thật khỏe mạnh, đừng tự mình gây bệnh cho mình các bạn nhé !

Sachiko
Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: