Nghịch lý: Người Nhật thật khó gần vì họ thân thiện với tất cả mọi người?

Những người nước ngoài sau khi đến Nhật du lịch, hoặc sinh sống thường có những nhận xét tích cực về phong cảnh, sự trật tự văn minh trong nếp sống con người cũng như môi trường sạch đẹp của những vùng ngoại ô Nhật Bản. Thế nhưng bên cạnh đó, họ cũng có những nhận xét như thế này về con người Nhật Bản:

“Kết bạn với người Nhật thật khó”

“Tôi thật sự không thể hiểu nổi người Nhật đang nghĩ gì”

“Chỉ nhìn được vẻ bề ngoài của họ mà thôi”

Thậm chí một số người nước ngoài khác còn nói nặng hơn như “Họ toàn là lũ đạo đức giả”.

Lý do đằng sau những nhận xét trên thật bất ngờ: Vì họ thân thiện với tất cả mọi người.

Ảnh TABI LABO

Đây là câu chuyện của anh T (một giáo viên dạy tiếng Anh người Mỹ tại Nhật).

Vài năm trước, T đến Nhật với tư cách du học sinh. Sau khi học xong, anh về nước 1 tháng, sau đó quay lại Nhật làm giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học. Khi sống ở Nhật, anh đã nhờ một số người bạn ngày xưa ở Nhật của mình giúp đỡ trong việc tìm kiếm nhà ở. Trong số đó, T thân nhất với Kenta, hai người thường đi uống chung với nhau. Có lần Kenta đến chơi với T ở Mỹ, T đã giới thiệu phòng ở và dẫn đi tham quan rất nhiều địa điểm nổi tiếng. Vì thế, khi bắt đầu cuộc sống ở Nhật, người mà T nghĩ đến đầu tiên chính là Kenta.

Ảnh Udemy

Tuy nhiên, lúc nhận được tin nhắn nhờ giúp đỡ của T, Kenta không hề phản hồi. Việc này khiến T cực kỳ thất vọng. Với trình độ tiếng Nhật lúc đó, T gặp rất nhiều khó khăn trong việc giao tiếp chứ đừng nói đến việc tìm được một căn nhà tốt.

Người giúp đỡ T thoát khỏi khó khăn hiện tại là Kenji, một người không thân với T lắm lúc còn đi học. Kenji không chỉ giới thiệu nhà cho T, thậm chí còn giúp đỡ rất nhiều trong các thủ tục nhà ở lằng nhằng tại Nhật.

“Không giống với người Mỹ, người Nhật ai cũng thân thiện như ai lúc ban đầu, thật khó để biết được ai mới là bạn thật sự của mình. Thế nhưng trong số những con người thân thiện đó, cũng có những người chỉ quan tâm đến bản thân mình. Ở Mỹ, với những người ích kỷ, họ sẽ thể hiện thẳng ra ngay từ đầu, và tôi sẽ không bao giờ làm bạn với những người như vậy. Thế nhưng ở đây, ai cũng có vẻ là người tốt cho đến khi bạn thật sự gặp khó khăn”.

Ảnh Amino Apps

Tất nhiên đây chỉ là câu chuyện của 1 người, và không phải người Nhật nào cũng giống với anh chàng Kenta nói trên. Tuy nhiên, chuyện của T đã gợi lên một số suy ngẫm về tính cách của người Nhật nói riêng và người châu Á nói chung.

Với người phương Tây, họ bộc lộ tính cách của mình khá thẳng thắn. Họ sẽ nhiệt tình với những người họ có cảm tình và tự giác tránh xa những người họ không ưa. Trong khi tính cách của người phương Tây nhất quán  dẫn đến thái độ nhất quán thì trái lại, người Nhật lại có thể thay đôi thái độ, cảm xúc linh hoạt tùy vào hoàn cảnh.  Sự khác biệt này khiến một số người phương Tây cảm thấy người Nhật đạo đức giả.

Ảnh The New York Times

Trong cách cư xử của người Nhật, đầu tiên họ coi trọng chữ 「和」(Wa) – Hòa. Giao tiếp không đơn thuần chỉ là giữa 2 người với nhau, mà là giữa tất cả mọi người có thể chứng kiến cuộc đối thoại. Để giữ hòa khí với tất cả mọi người, việc thay đổi thái độ của bản thân là chuyện bình thường ở Nhật. Chính sự khác biệt này khiến người nước ngoài bị sốc, thậm chí cảm thấy như bị phản bội. Có thể với người nước ngoài, người Nhật ấy là bạn thân thiết, thế nhưng với người Nhật ấy, mối quan hệ đó chỉ là xã giao.

Ảnh 沪江日语- 沪江英语

Người Nhật là như vậy, những con người không giỏi thể hiện bản thân, nhưng lại cực kỳ khéo léo trong giao tiếp, đến mức bạn không phát hiện ra được họ đang nghĩ gì. Trước khi đánh giá mức độ mối quan hệ của bạn với người Nhật, hãy hiểu thật kỹ về khái niệm “Hòa” trong văn hóa giao tiếp của nước họ đã, bạn nhé !

Bạn đã từng có kỷ niệm kỳ lạ nào khi giao tiếp và kết bạn với người Nhật chưa, hãy chia sẻ với JAPO nhé !

Tham khảo Tommy Wong

 

Sachiko
Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: